Người đàn ông vượt khó thành công và đồng hành cùng Hội

01/04/2022 - 06:20

PNO - Nhờ cầu nối của Hội và nỗ lực không ngừng của bản thân, anh Nguyễn Thanh Phương (P.Tam Phú, TP.Thủ Đức) đã vượt qua gian khó. Khi cuộc sống khấm khá dần, anh đồng hành cùng Hội để hỗ trợ những hoàn cảnh như mình trước đây

Tới khu phố 1, P.Tam Phú hỏi nhà anh Phương trồng mai, nuôi bò, hầu như ai cũng biết. Chẳng những làm ăn giỏi, hay giúp đỡ mọi người, anh Phương còn có tiếng là người con hiếu thảo với mẹ cha. Bà Vũ Nguyễn Thị Hòa - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1 - xúc động: “Bảy, tám năm trước, nhà Phương còn lụp xụp. Tôi đến mà chạnh lòng, cứ nghĩ ở thành phố mà sao lại có cảnh khổ quá. Nhưng Phương rất chịu khó, chẳng nề hà việc gì để kiếm tiền lo cho gia đình. Vậy nên vào năm 2014, tôi mạnh dạn đề xuất Hội giới thiệu cho Phương vay ngân hàng mấy chục triệu đồng đầu tư vào nghề nông. Giờ thấy gia đình anh ấy khá giả, anh ấy lại hiếu nghĩa vẹn toàn, tôi rất mừng”.  

Nhà anh Phương nằm gần cuối đường Cây Keo, muốn vào phải qua cầu Rạch Ông Bông và đi một đoạn đường đất dài và hẹp, nắng bụi, mưa sình. Anh cho biết, những năm trước đường vào còn khó khăn hơn, anh phải mua đá xanh và thồ bằng xe đạp vào để cải tạo đường. 

Ba năm nay, anh Phương đầu tư thêm chuồng trại để nuôi bò
Ba năm nay, anh Phương đầu tư thêm chuồng trại để nuôi bò

Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 10g sáng, sau vài tiếng chăm sóc vườn tược, cắt cỏ cho bò, cậu con trai tuổi trung niên lại vào nhà ngồi bệt dưới sàn để chuyện trò và xoa bóp tay chân cho mẹ. Mẹ muốn đi đâu anh dìu mẹ đi. Mẹ anh đã ngấp nghé 80 tuổi, bị bệnh tim và đau khớp. Cha anh mất cách nay năm tháng sau thời gian dài phải nằm một chỗ vì đột quỵ. Thời cha còn nằm bệnh, cũng một tay anh chăm lo cho ông. “Bây giờ tôi chỉ còn có mẹ. Sức mẹ yếu, không đi lại được nên luôn bứt rứt, cô đơn. Vì thế phải thường xuyên gần gũi” - anh Phương giãi bày. 

Ở tuổi 45, anh Phương đang sở hữu một tài sản khá lớn với 300 gốc mai, gần 30 gốc hoa giấy, sứ cảnh; 10.000 con cá tai tượng dưới ao và dãy chuồng nuôi bò với tổng diện tích 2.400m2. Anh còn thuê thêm đất để trồng cỏ và dự tính phát triển hệ thống chuồng trại, đầu tư trồng mai ghép cổ thụ. Có được thành quả ấy, anh đã phải trải qua chặng đường dài phấn đấu không ngừng nghỉ. 

Năm 2004, đang làm thợ điện, anh Phương quyết định nghỉ việc để phụng dưỡng cha mẹ già, chăm vợ sinh và tập tành trồng mai. Anh bứng 100 gốc mai có sẵn trong vườn nhà đưa vào chậu để thử nghiệm ghép các loại mai từ nhiều cánh. Ngoài ra, anh còn nuôi khoảng 3.000 con cá tai tượng. Chưa có kinh nghiệm nên mai hư, cá chết, kinh tế gia đình chật vật. Để có tiền lo cho cha mẹ già, hai đứa con nhỏ và một đứa cháu, vợ chồng anh phải làm việc quần quật. Vợ làm công nhân xí nghiệp, còn anh lo chăm sóc khu vườn và nhận làm mọi việc từ chở hàng, phụ hồ, mé cây. Bà Phạm Thị Cung, mẹ anh, ngậm ngùi: “Vợ chồng nó quần quật mà lắm khi không đủ gạo ăn và lo học phí cho các cháu, nên phải vay mượn hoài”. 

Bộn bề công việc, nhưng mỗi khi Hội Phụ nữ địa phương tổ chức hoạt động an sinh xã hội, anh Phương đều nhiệt tình đóng góp kinh phí, công sức và phương tiện. Anh Phương bộc bạch: “Mẹ tôi vẫn nói, nhà mình gặp được cô Hòa Hội phụ nữ là có phước. Ngoài chuyện vay vốn, cô còn giúp gia đình tôi từng túi gạo, hộp sữa tới chai dầu ăn, bịch bột ngọt. Cũng nhờ cô mà tôi được gặp nhiều anh chị em, biết thêm nhiều hoàn cảnh, từ đó lòng mình cũng vơi bớt phiền lo và dần cởi mở hơn. Vợ tôi, từ chỗ chỉ cắm mặt ở phân xưởng, về nhà thì chui vô bếp, giờ cũng hăng hái tham gia phong trào phụ nữ. Trong khả năng, tôi muốn góp chút sức cùng với Hội hỗ trợ những hoàn cảnh như mình ngày xưa”. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI