Thỉnh thoảng, cuối tuần, tôi vào bệnh viện thăm cô bạn thân. Con gái của bạn mắc bệnh nan y cách đây bốn năm và trở thành bệnh nhân thường trú của khoa nhi.
Hầu như bắt đầu nào cũng giống nhau: cả vợ lẫn chồng xúm xít bên đứa con yêu đang còn trong tuổi cổ tích đã phải chịu đựng sự đe dọa của thần chết. Kể từ khi những ngón tay cầm phải quen (mà không thể chai lỳ) với những tờ phiếu xét nghiệm cho thấy kết quả đáng buồn, cha mẹ nào cũng cố thắp lên niềm hy vọng dù mong manh và luôn muốn dành thời gian nhiều hơn cho đứa con bệnh tật.
Cuộc sống dường như ngưng đọng nơi này, nhưng vẫn điềm nhiên trôi bên ngoài cổng bệnh viện với bao ràng buộc và lo toan. Thương con biết mấy, muốn được có mặt bên con trong thời gian còn lại biết mấy, nhưng phải đành hoặc cha, hoặc mẹ, chỉ một người thường xuyên ở lại với con thôi, người kia còn phải đi kiếm tiền. Chuyện áo cơm muôn đời.
Ở bệnh viện này, tình yêu thương cùng với nỗi đau và thời gian điều trị kéo dài của các bệnh nhân đã kết nối thân nhân của họ thành láng giềng thân thiết. Mẹ của bé giường này mệt quá ngủ gục, tới khi giật mình, mở mắt ra thì thấy mẹ của bé giường bên đang quạt cho cả hai đứa.
|
Tôi đã chứng kiến một cuộc oẳn tù tì oái oăm: vợ chồng kéo nhau ra đầu cầu thang, vừa giấu tay ra sau lưng vừa cười vừa chảy nước mắt. Vợ ra cái bao, chồng ra cái búa (hình ảnh này khiến tôi nghĩ về những mong mỏi mà người ta vô tình biểu lộ qua cử chỉ: người chồng những muốn giáng búa vào số phận, còn vợ thì muốn gói trọn cả chồng con vào lòng). Giao kèo của họ là người thắng sẽ ở lại bệnh viện với con, người thua về nhà tiếp tục đi làm, chứ cuốn sổ tiết kiệm 300 triệu đồng đã cạn kiệt rồi. Cơ quan thông cảm, hết phép thì cho nghỉ không lương, nhưng mãi không lương thì lấy gì mà lo toan. Với những toa thuốc ở nơi này thì tiền lương chỉ là muối bỏ bể, nhưng có còn hơn không; và một khi mình đi làm thì may ra có thêm những mối quan hệ làm ăn này kia, may ra có được thêm khoản này khoản khác.
Vợ chồng bạn tôi không oẳn tù tì. Họ tính toán rất rạch ròi: anh chồng có khả năng kiếm tiền nhiều hơn nên để chồng đi làm là hợp lý. Bạn tôi trở thành cư dân thường trú của khoa nhi cùng với bao phụ huynh khác.
***
Hôm đó, tôi lại vào khoa nhi thăm hai mẹ con. Khi lên tới đầu cầu thang, tôi bắt gặp
Ông giơ tấm vải ra cho tôi nhìn thấy phần lốm đốm màu mè là đôi cánh đại bàng. Ông đã chọn thêu đôi cánh trước, có lẽ, để lỡ không kịp, ông sẽ đắp bức tranh hình đôi cánh này ngang ngực con, để nối tiếp ước mơ còn dang dở của cậu bé, cho kiếp sau bé may mắn hơn. |
hình ảnh một người đàn ông đang ngồi thêu. Ông gầy gò, má hóp, tóc bạc nhiều hơn tóc đen, những đường gân cổ hằn rõ mỗi khi ông ngúc ngắc đầu cho đỡ mỏi. Đôi vai khom khom, ông co chân, lấy đầu gối làm chỗ đặt tấm vải to bằng bao gối người lớn, nền trắng, lốm đốm màu mè.
Bạn tôi thầm thì: “Bác sĩ nói thằng nhỏ sắp đi rồi. Hỏi con ước điều gì, thằng nhỏ nói ước được tung bay như đại bàng”. Tôi nén tiếng thở dài, lại thêm một điều ước ở nơi mà điều ước chừng như mãi mãi chỉ là điều ước.
“Nhưng đại bàng thì dính dáng gì tới việc thêu thùa này?” - tôi hỏi lại. Bạn thở ra trước sự chậm hiểu của tôi, thì đó là tranh thêu con đại bàng. Người cha muốn tặng cho đứa con vắn số món quà như mơ ước.
Tôi nhìn ngón tay cầm kim sạm đen có những nốt chai sần và vết đồi mồi khắp cánh tay nổi đầy gân. Thật đáng ngạc nhiên vì dáng vẻ của ông chẳng có chút gì dính dáng tới may vá thêu thùa mà cách cầm kim đâm lên đâm xuống lại khá nhuần nhuyễn.
“Thì tôi là dân ruộng mà cô” - ông ngẩng đầu chào tôi - “mùa này nông nhàn nên tôi vô đây coi ngó thằng nhỏ cho bà xã về chạy chợ kiếm thêm vài đồng”. Ông kể, hồi ông mới bày ra vụ thêu tranh này, mấy bà mấy cô ở đây cười quá trời, cả tiếng đồng hồ thêu được có chục mũi mà kim xọc vô tay chảy máu bao lần. Nhiều bà bảo ông mua thêm vài cây kim, để mỗi người một tay thêu phụ cho nhanh. Ông cũng muốn nhanh, như đang đua thời gian cùng tử thần, nhưng ông cũng muốn mình tự tay thêu đại bàng cho con. “Đời tôi chưa làm được việc gì trọn vẹn cho con cô à” - lời ông chua chát dù miệng cố nở nụ cười - “Giờ thì tôi cầm kim cũng ngon lành như cầm cuốc. Cô nhìn thử đi, cũng đâu tệ quá hả?”.
***
Chẳng hiểu sao tôi hay nhớ về người đàn ông ngồi thêu tranh ở đầu cầu thang bệnh viện hôm đó. Điện thoại thăm hỏi bạn, tôi hỏi thêm về ông và đứa con trai có khỏe hơn không. Bạn nói ông đã đưa con về quê rồi. Ngày xuất viện, cậu bé yếu lắm, giấc mơ tung cánh đại bàng nằm gục trên vai người cha. Ai cũng nhìn theo mà chảy nước mắt.
Mong sao bức tranh sẽ thêu xong khi cậu bé còn tỉnh táo để biết là trong nỗi không may của số phận, em cũng có niềm hạnh phúc là được yêu thương.
Nguyên Hương