Người đàn ông ở trong nhà... cho có

22/12/2021 - 12:05

PNO - Anh chị dù ở cạnh nhưng từ lâu đã không nhìn nhau, cũng không cùng nhau nhìn về một hướng. Chị thà không có còn hơn.

Ngày con trai chị được 14 tháng, một nhà ba người xếp hàng trước cửa an ninh ở sân bay. Lúc ấy trước chị có một khoảng trống nên cô nhân viên nói chị dắt con tiến lên. Nhưng chị vừa bước lên thì có một bà thím chạy tới, xô hai mẹ con chị, lớn tiếng: "Chỗ của tôi đấy, mẹ con cô không nhìn hay sao mà chiếm chỗ?"

Con trai chị bị xô ngã ngồi xuống đất, chị loạng choạng và không hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ vội ngồi thụp xuống dỗ con.

Cô nhân viên lên tiếng, do bà thím dắt cháu bỏ hàng đi nên người phía sau phải dồn lên. Bà muốn quay lại hàng xếp cùng gia đình thì nói một tiếng, sao lại xô đẩy trẻ nhỏ còn to tiếng?

Bà thím vẫn một giọng lanh lảnh, còn ném lại mấy câu quá quắt: “Ở nhà bố mẹ không dạy phải kính già nhường trẻ à?”

Cô nhân viên quay sang hỏi thăm mẹ con chị và xin lỗi. Lúc ấy chị mới ẵm con trai lên, hỏi lại thế bà thím: “Còn xô ngã một đứa trẻ thì chắc là gia đình cô văn hóa cao lắm!” 

Ảnh minh họa
Anh với chị ở cạnh nhau nhưng không còn nhìn nhau hay chung nhìn một hướng. Ảnh minh họa.

Chị cũng không nghĩ khi ấy mình lại nổi cáu, có lẽ vì thấy con trai bị ngã nên khóc, cũng có thể nhận ra, đứng ngay sau lưng mình là ông chồng nhưng tuyệt nhiên anh không lên tiếng. Bà thím làm ầm ĩ cũng chỉ có cô nhân viên lên tiếng và làm chứng.

Cuối cùng gia đình của bà thím, gồm hai con trai, ba con gái và chừng ấy dâu rể cùng tiến đến xin lỗi mẹ con chị, anh cũng không nói gì. Người ngoài nhìn vào hẳn nghĩ hai mẹ con chị đi một mình.

Lần khác, con trai đi học về với cánh tay sưng to gấp hai lần, anh chị vội đưa con đi bệnh viện và sau khi chụp phim mới biết con bị nứt xương cánh tay, phải bó bột.

Con trai kể con bị ngã lúc giờ ra chơi, chị bức xúc, vì sao cả chiều cô giáo không báo cho gia đình biết, chỉ lấy cục đá, gói trong khăn cho con chườm đỡ.

Chị nói anh đến hỏi chuyện cô, anh nói đằng nào thì con mình cũng phải bó bột, gây sự nữa chỉ thiệt con. 

Chị ngây người nhìn anh, thế nào là gây sự, thế nào là đã rồi? Hôm ấy cơ quan có cuộc họp nhưng chị quyết định bỏ, chở con đến trường.

Sau nửa tiếng nói chuyện, cô giáo mới xin lỗi và thú nhận vì buổi chiều cô không quản lớp nên không nắm rõ tình hình.

Lần khác.

Lần nữa...

Chị không biết từ lúc nào, chị thôi không trông mong với sự ra mặt của anh. Chị quá ngán ngẩm với cách nghĩ nhịn là lành, mặc kệ vợ con bị xô đẩy, mắng chửi, thậm chí đổ máu.

Nên khi thấy Huy, chị mới nhận ra chục năm nay chị đã gánh nặng thế nào. Rằng chồng không chỉ là người đàn ông ở trong nhà cho có.

Vợ chồng Huy là hàng xóm mới của gia đình chị. Chị đã quen với cảnh mỗi chiều Huy đón con trai về, hai cha con cùng nhau đá bóng đến khi mồ hôi nhễ nhại. Nhặt mớ rau, Huy chỉ con cùng làm và kể cho con trai nghe những câu chuyện nhỏ nhưng vui vẻ.

Huy cũng không nề hà, cùng con lăn lê cắt dán thùng carton làm lều. Nhìn con trai Huy lúc nào cũng vui vẻ, chị thấy thương con trai mình, thấy bố là len lén tránh.

Những khi gia đình họ nấu cơm, vợ Huy nấu món này thì Huy nấu món khác, ba người nhà họ lúc nào cũng quấn quýt. Chồng chị thì hết giờ còn rủ bạn bè làm vài ly, hôm nào không lê la thì về ôm ti vi, điện thoại. Hình như khu vực bếp đầy nguy hiểm và bất trắc nên không khi nào anh đến gần.

Nhìn vợ chồng Huy vui vẻ quấn quýt và chia sẻ, chị mới thấy vai mình đang chất hai gánh nặng. Ảnh minh họa
Nhìn vợ chồng Huy vui vẻ quấn quýt và chia sẻ, chị mới thấy vai mình đang chất hai gánh nặng. Ảnh minh họa

Những khi chị về muộn, dù có vội vã cơm nước cũng sẽ được tặng thêm "lời khen": "Làm gì mà nửa đêm mới xong bữa cơm!"

Chồng chị kinh ngạc khi thấy tờ giấy chị đưa. Anh hỏi anh đã làm gì có lỗi khi lương đưa đủ, không gái gú cờ bạc. Rượu chè tuy có nhưng chỉ lai rai bạn bè, chưa khi nào say xỉn...

Chị cười, có thể tiêu chuẩn làm chồng của anh đơn giản quá. Cũng có thể do chị đòi hỏi cao. Thật sự là hơn 10 làm mẹ kiêm luôn làm cha, chị thấy mệt mỏi.

Anh cho chị toàn quyền quyết định sau câu nói nhẹ hều: “Mẹ thấy sao được thì làm!” và chị lại bò ra suy tính, kể cả chuyện đón bốn chục người bà con họ hàng lên ăn cưới cô em chồng trong khi cả chồng và cô em không đưa chị một xu, đến chuyện nhà chị phải đi tham gia một đám giỗ giùm bố mẹ chồng với lời dặn làm sao cho coi được…

Nếu không có sự xuất hiện của Huy, ông bố hàng xóm, thì không chóng thì chầy, chị cũng đi đến quyết định này. Anh chị dù ở cạnh nhưng từ lâu đã không nhìn nhau, cũng không cùng nhau nhìn về một hướng.

Chị thà không có chồng, còn hơn có chồng mà chỉ có tác dụng trưng bày.

Thảo Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI