Người đàn ông mắc bệnh phong làm tay chân giả cho người cùng cảnh ngộ bị xa lánh

30/01/2023 - 16:21

PNO - Khi ông Ali Saga đến phòng khám ở Jakarta cách đây 4 thập kỷ, ông đã đau đớn khi thấy ​​các nhân viên y tế tìm mọi cách tránh xa mình.

 

Cựu bệnh nhân phong Ali Saga đã bị đối xử như một kẻ bị ruồng bỏ trong nhiều năm ẢNH: AFP
Bệnh nhân phong Ali Saga đã bị đối xử như một kẻ bị ruồng bỏ trong nhiều năm trước - Ảnh: AFP

“Lúc đó, bác sĩ đột nhiên hét vào mặt tôi: "Đứng lại! người này là một người bị phong!”, Ali Saga - người đàn ông 57 tuổi nhớ lại một trong những khoảnh khắc tàn khốc nhất sau khi được chẩn đoán mắc bệnh vào những năm 1970.

“Họ cũng rất thô bạo khi dùng ống tiêm để kiểm tra da của tôi và tôi đã khóc. Da tôi có thể không cảm thấy đau đớn gì nhưng tâm hồn tôi thì bị tổn thương”, ông cho biết thêm trong nước mắt nghẹn ngào.

Giờ đây, ông đang dùng nỗi đau của mình để giúp đỡ những người khác tại một ngôi làng ở ngoại ô thủ đô Indonesia. Giúp họ sống một cuộc sống bình thường sau căn bệnh phong bằng những chiếc chân tay giả được làm thủ công.

Sau Brazil và Ấn Độ, Indonesia có số ca mắc bệnh phong cao thứ ba thế giới - một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lây truyền vì tiếp xúc gần với những người bị bệnh nhưng không được điều trị trong thời gian dài.

Bộ Y tế Indonesia cho biết, nước này vẫn còn hơn 15.000 trường hợp bị bệnh với hơn 11.000 trường hợp mới được ghi nhận vào năm ngoái.

Căn bệnh phong rất rất cổ xưa gây ra tình trạng khuyết tật tay chân và mất cảm giác ở các mảng da đỏ. Hiện bệnh được chẩn đoán bằng sinh thiết da và điều trị dễ dàng bằng liệu pháp đa thuốc. Nhưng ông Saga và những cư dân khác của làng Sitanala – nơi hàng trăm bệnh nhân phong chuyển đến đây để tìm sự đồng cảm. Họ đã bị đối xử như những kẻ bị ruồng bỏ trong nhiều năm và được gọi là “thuộc địa của người phong”. 

Ông Ali Saga làm chân tay giả trong xưởng của mình ở Tangerang để giúp đỡ người khuyết tật. ẢNH: AFP
Ông Ali Saga làm chân tay giả trong xưởng của mình ở Tangerang để giúp đỡ người khuyết tật - Ảnh: AFP

Trong một xưởng nhỏ, bụi bặm được bao quanh bởi các bộ phận cơ thể giả treo trên tường trắng, ông Saga đang tạm quên đi những lạnh nhạt của xã hội, ông điêu khắc, thiết kế và lắp ráp chân tay giả đã giúp cải thiện cuộc sống của người dân sống sót kể từ năm 2005.

Một trong những người hàng xóm đầu tiên nhận được những tác phẩm của ông Saga là thợ may 70 tuổi Cun San, người đã bị cắt cụt một chân khi còn ở tuổi thiếu niên và mất thêm một chân nữa vào năm 2007. “Tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ đi lại được nữa… nhưng giờ tôi rất biết ơn vì đã có thể đi lại bình thường”, ông San nói.

Ông Ali Saga trưng bày một bàn tay giả (phải) khi so sánh nó với bàn tay của chính mình trong xưởng của ông ở Tangerang. ẢNH: AFP
Ông Ali Saga trưng bày một bàn tay giả (phải) khi so sánh nó với bàn tay của chính mình trong xưởng của ông ở Tangerang - Ảnh: AFP

Gần 500 người mắc bệnh phong hiện đang sống ở Sitanala vì nó nằm phía sau một bệnh viện từng là trung tâm phục hồi chức năng cho bệnh nhân trên khắp Indonesia trong nhiều thập kỷ.

Bệnh viện này đặc biệt được quan tâm vào năm 1989 khi cố Công nương Diana của Anh đến thăm và được chụp ảnh bắt tay với một bệnh nhân phong, thách thức sự kỳ thị đối với nhóm người bị nhiễm bệnh thiệt thòi.

Ngày nay, nhiều người trong làng không thể tìm được việc làm chính thức vì những khuyết tật của họ, và thay vào đó họ đảm nhận việc quét đường hoặc lái xe kéo.

Như ông Jamingun, một tài xế 60 tuổi, bị mất một chân khi còn là một thiếu niên. Trong nhiều năm, ông đã phải mang một cái gốc giả bằng tre vì không đủ tiền mua chân tay giả.

“Thật là đau đớn và tôi vẫn phải dùng gậy chống để đi lại”, ông Jamingun, giống như nhiều người Indonesia khác, cho biết.

Nhưng cuộc đời ông đã thay đổi sau khi nhận được chiếc chân giả miễn phí mà Saga tặng. “Cảm giác thật khác biệt vì bây giờ tôi có cảm giác như một bàn chân thật vậy. Và tôi không còn đau khi đi bộ nữa", ông chia sẻ.

Các chuyên gia cho biết những nỗ lực loại bỏ bệnh phong đang bị cản trở bởi việc tập trung vào việc tìm kiếm và điều trị các ca bệnh thay vì xóa bỏ những định kiến ​​ngăn cản bệnh nhân tìm kiếm sự giúp đỡ. Ông Asken Sinaga, Giám đốc điều hành của NLR Indonesia, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào bệnh phong, cho biết: “Nếu chúng ta không đối phó với sự kỳ thị, sự lây lan sẽ không dừng lại và tình trạng tàn tật sẽ tiếp tục xảy ra".

Indonesia muốn loại bỏ bệnh phong vào năm tới nhưng những người đã khỏi bệnh cho biết họ chỉ muốn được đối xử bình đẳng như những người khác. "Tôi hy vọng mọi người sẽ ngừng kỳ thị, xa lánh chúng tôi. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn”, ông San nói.

Trọng Trí (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI