Người đàn ông lưu giữ ký ức Sài Gòn qua những bảng hiệu quảng cáo vẽ tay suốt 30 năm

22/04/2018 - 11:26

PNO - Tuy không cửa tiệm sang trọng, không thiết bị hiện đại, không đông đúc khách hàng nhưng suốt 30 năm qua, người họa sĩ già vẫn cặm cụi từng ngày tạo nên những tấm bảng hiệu với nét vẽ bằng tay.

Đó là ông Nguyễn Thế Minh, 68 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM. Nhắc về ông, người ta biết đến bút danh Hoài Minh Phương nhiều hơn, bởi trước kia, khi chưa bắt đầu với công việc của người họa sĩ, ông có nhiều sáng tác thơ nhưng chưa kịp xuất bản đã bị thất lạc. Ông cho rằng, ai yêu thơ hẳn sẽ có chút tình yêu với vẽ, và ông cũng thế.

Nguoi dan ong luu giu ky uc Sai Gon qua nhung bang hieu quang cao ve tay suot 30 nam
Cửa tiệm nhỏ, chật hẹp của ông Phương nép mình trên đường An Dương Vương.

Chính vì vậy, không làm nhà thơ, người đàn ông ấy đã bén duyên với nghề thợ vẽ. Có thời gian, ông đi vẽ chân dung ngoài đường phố, do sơ ý, người họa sĩ bị ngã khi ngồi vẽ trên ghế cao. “Cũng may tôi bị ngã qua bên trái nên chỉ gãy tay trái, nếu ngã qua bên phải, gãy tay phải thì tôi cũng giải nghệ lâu rồi…”, ông Phương chia sẻ.

Gia tài của người đàn ông này là căn tiệm nhỏ nằm xa trung tâm thành phố, được thuê đến nay đã hơn 20 năm. Tiệm chật hẹp nằm sâu trong đường An Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân) là nơi ở của vợ chồng ông cùng người con trai và hai cháu nhỏ. Trong ba người con trai, chỉ có anh Nguyễn Thế Quang có niềm đam mê vẽ, hai người còn lại đều chọn làm công nhân để mưu sinh.

Nguoi dan ong luu giu ky uc Sai Gon qua nhung bang hieu quang cao ve tay suot 30 nam
Người thợ vẽ với nụ cười thường trực trên môi

Giữa Sài Gòn hiện đại, có lẽ ông là một trong số ít người còn gìn giữ nghề vẽ bảng hiệu bằng tay. Sau giải phóng, nghề vẽ bảng hiệu dần lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Những người bạn cùng nghề với ông cũng đã bỏ nghề hai mươi mấy năm trước, một số người qua đời. Ông Phương còn đeo đuổi nghề bởi đam mê không bao giờ tắt trong ông.

Mối đặt vẽ bảng thường là khách quen, người ta biết và thương ông nên giới thiệu giúp, khách lạ cũng có nhưng không nhiều. Theo ông Phương, có những người khách từng đặt bảng rồi sáu, bảy năm sau họ còn quay lại. “Có nhiều khách ở ngoài Hà Nội biết đến tôi nên cũng vô đặt bảng, nhưng mà chở bảng ra ngoài đó thì tôi không có điều kiện. Nên phải vẽ lên miếng tôn rồi cuộn tròn lại, rồi ra ngoải đó người ta làm khung sau…”.

Nguoi dan ong luu giu ky uc Sai Gon qua nhung bang hieu quang cao ve tay suot 30 nam
Ông nắn nót từng nét chữ trên bảng quảng cáo

Cái nghề đang lay lắt từng ngày thì thu nhập cũng chẳng bao nhiêu, thậm chí còn thua cả thợ hồ. Ông chăm chú vẽ từng nét cọ, nắn nót từng nét chữ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Một cái bảng được hoàn thành trong một ngày, có khi đến ba ngày. Tuy khó khăn và vất vả nhưng người thợ vẽ vẫn miệt mài từng ngày với nụ cười luôn thường trực. 

Nguoi dan ong luu giu ky uc Sai Gon qua nhung bang hieu quang cao ve tay suot 30 nam
Những bảng hiệu của ông Phương thường kèm... thơ

Ông tâm sự: “Cái nghề này cũng có những niềm vui, những xúc cảm. Mình đi trên con đường đó, mình thấy cái bảng mình vẽ ngày xưa cách đây mười năm cũng tạo cho mình kỷ niệm”.

Ông ước mong những người có niềm đam mê vẽ cọ như mình hãy cô gắng giữ niềm đam mê ấy, vì đây cũng là một trong những nét văn hóa của người Sài Gòn. Thời buổi hiện đại có máy in kĩ thuật số với cắt decal ra đời, nghề này như ở cuối mùa hoa nở, có thể bị mai một trong nay mai. 

Nguoi dan ong luu giu ky uc Sai Gon qua nhung bang hieu quang cao ve tay suot 30 nam

Người thợ vẽ ấy chưa bao giờ có ý định bỏ nghề dù là cái nghề tồn tại mong manh trong một cửa tiệm nhỏ nép mình trên phố với những nguyên liệu đơn sơ, dụng cụ mộc mạc. Mọi thứ đều giản đơn nhưng lại là khối tài sản to lớn đối với người thợ như ông – người họa sĩ vẫn giữ ngọn lửa đam mê gần nửa đời người trước khó khăn thời cuộc.

Yến Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI