Người đàn ông Indonesia tuyên bố đã tiêm 14 mũi vắc xin COVID-19 thay người khác

28/12/2021 - 19:04

PNO - Mới đây, một người đàn ông Indonesia, người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 trước đó, đã đăng tải một đoạn video lên mạng xã hội, tuyên bố rằng đã tiêm 14 mũi vắc xin thay cho những người khác để nhận tiền, làm dấy lên quan ngại về những bất cập trong việc quản lý tiêm chủng ở nước này.

Donald, một doanh nhân 56 tuổi ở thành phố Medan trên đảo Sumatra của Indonesia, đã tiêm vắc xin Sinovac mũi thứ 2 vào tháng 7/2021.

Trẻ em xếp hàng để nhận một liều vắc-xin Sinovac Covid-19 tại một trường học ở Bali, Indonesia - Ảnh: AFP
Trẻ em xếp hàng để tiêm vắc xin Sinovac ngừa COVID-19 tại một trường học ở Bali, Indonesia - Ảnh: AFP

Vào tháng trước, khi một người bạn gọi cho Donald (tên đã được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật) và hỏi ông có muốn tiêm mũi tăng cường hay không, Donald đã đồng ý. Việc này đã xảy ra khi Bộ Y tế Indonesia chưa chính thức cho phép tiêm mũi bổ sung cho hầu hết người dân.

Do nguồn cung thiếu hụt, hiện chỉ có các nhân viên y tế ở Indonesia là đối tượng được ưu tiên tiêm mũi 3, với điều kiện đã được tiêm mũi thứ 2 ít nhất 6 tháng trước. Đến nay, có khoảng 1,2 triệu người thuộc đối tượng này đã được tiêm nhắc lại.

Trong tháng 11, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này sẽ triển khai tiêm tăng cường cho công chúng khi 50% dân số đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin. Nhưng tính đến ngày 28/12, Indonesia vẫn chưa đạt được tỷ lệ này. Theo số liệu của chính phủ, chỉ mới có khoảng 110 triệu người, tương đương 41% dân số nước này, đã nhận được 2 mũi tiêm.

Donald đã tiêm mũi tăng cường tại văn phòng của một người bạn. Một y tá đã đến tận nơi, đem theo một túi lạnh chứa đầy các lọ vắc xin, được cho là còn sót lại từ một trung tâm y tế cộng đồng do chính phủ điều hành. “Cô ấy giải thích rằng đây là lượng vắc xin còn dư, do người dân địa phương từ chối tiêm”, Donald cho biết.

Theo bình luận của tờ SCMP, câu chuyện của Donald cho thấy sự do dự của người dân trong việc tiêm vắc xin COVID-19 đã tạo thêm rào cản cho quá trình tiêm chủng ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, vốn đã gặp nhiều khó khăn, do đất nước này bao gồm hơn 17.000 hòn đảo, khiến cho việc vận chuyển vắc xin không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Thêm vào đó là sự bất cập trong việc quản lý quá trình tiêm chủng, mà câu chuyện của một người đàn ông ở Pinrang, thuộc miền Nam Sulawesi, đã đăng tải một đoạn video lên mạng xã hội vào đầu tháng này, tuyên bố đã tiêm 14 mũi vắc xin Sinovac, là một cảnh báo.

Người đàn ông này, tên Abdul Rahim, cho biết đã được trả từ 100.000 đến 800.000 rupiah (khoảng 160.000 đồng đến 1,3 triệu đồng) cho mỗi lần tiêm thay cho người khác - những người chưa muốn tiêm ngừa COVID-19 vì lý do nào đó, nhưng vẫn muốn có giấy chứng nhận đã tiêm ngừa, để có thể đi lại và tham gia vào nhiều hoạt động khác, theo quy định hiện hành của Indonesia. Rahim nói thêm, phần mình đã được tiêm đủ 2 mũi. Điều đó có nghĩa là anh ta đã được tiêm tổng cộng 16 liều vắc xin.

Cảnh sát địa phương và Bộ Y tế Indonesia cho biết đang điều tra các tuyên bố được đưa ra trong đoạn video của Rahim, và đang xem xét liệu có buộc tội người đàn ông này theo Luật Các bệnh truyền nhiễm của đất nước hay không. Theo luật này, bất kỳ ai “cản trở việc thực hiện kiểm soát đại dịch” có thể bị phạt tù đến 1 năm, và có thể bị phạt tiền.

“Trường hợp của Abdul Rahim là một thông điệp cảnh báo rằng hệ thống quản lý việc tiêm ngừa COVID-19 của Indonesia cần được củng cố”, Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith, Úc, lên tiếng.

Sự việc trên diễn ra khi Indonesia vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron từ cộng đồng trong nước. Trước đó, nước này cũng đã báo cáo 46 trường hợp, hầu hết là người đến từ nước ngoài, trong đó có 40 người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Tiến sĩ Siti Nadia Tarmizi - người phát ngôn về dịch COVID-19 của Bộ Y tế Indonesia - cho biết bệnh nhân mới bị nhiễm Omicron là một nam giới, 37 tuổi, đến từ Medan, đã từng ghé qua một nhà hàng ở khu thương mại trung tâm của Jakarta vào đầu tháng này.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI