Người đàn ông giỏi việc nhà

05/04/2016 - 17:00

PNO - Tôi vẫn nhớ như in ngày chú Hải quyết định “đóng đô” trong căn bếp, mẹ ruột chú đi xe ôm 20km từ Hóc Môn sang tìm hiểu nguồn cơn câu chuyện.

Bà la rần rần lên, cả con hẻm nhỏ đều nghe “thứ đàn ông gì mà ngu, đi lãnh phần bếp núc để có ngày con vợ có bồ ngoài đường hổng chừng!”.

Chú Hải ôn tồn bảo vì chú cảm thấy bản thân ít có điều kiện thăng tiến trong công việc, trong khi vợ chú thì cơ hội đang rộng mở. Chưa kể chú bị gai cột sống, bệnh không thể ngồi lâu, mà thuốc thang chữa hoài không bớt. Bà mẹ xót con trai, nên khi con dâu đi làm về, bà chửi bới om sòm, nào là đàn bà lười nhác, vô duyên, suốt ngày bay nhảy ngoài đường để chồng làm nội trợ mà coi được à?

Con trai út của chú Hải là Sơn, bạn học của tôi, nó chia sẻ từ nhỏ nó không hề suy nghĩ gì về chuyện tại sao ba nó không đi làm, vì thấy tuy ở nhà nhưng ba lúc nào cũng bận bịu. Cho tới một ngày bạn bè thắc mắc “sao ba mày là đàn ông mà ở nhà vào bếp, bắt mẹ mày phải ra ngoài kiếm tiền?”, nó mới bắt đầu nghĩ ngợi. Mang thắc mắc về hỏi ba mẹ, mẹ bảo ở nhà hay đi làm đều là công việc chính đáng cả, và đáng quý như nhau. Còn ba thì bảo, muốn san sẻ việc nhà để mẹ “đảm việc nước”. Nó thấy chẳng có gì là bất ổn khi hai vị trí “trái ngược” trong mắt mọi người nhưng lại rất ổn với ba mẹ, và với chính nó.

Nguoi dan ong gioi viec nha
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Sơn nói với tôi: Trong mắt mọi người, ba nó từng là thứ đàn ông “bỏ đi”. Người ta xem thường ba. Không ít phụ nữ trong xóm cũng từng cho rằng “tui mà là đàn ông, có chết tui cũng không làm việc nhà”. Với Sơn thì, những người phụ nữ ấy đã vô tình tự tạo ra sự bất bình đẳng về giới, điều mà lẽ ra họ phải đấu tranh để “giải phóng” bản thân.

Quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” ăn sâu vào nếp nghĩ của họ. Còn với ba mẹ Sơn thì khác. Ông bà cho rằng, việc nhà là việc chung chứ chẳng phải là của vợ hoặc của chồng. Đàn ông có thể là đầu bếp, thợ trang điểm. Đàn bà có thể làm quản lý, lãnh đạo.

Sơn kể, dù biết ba ở nhà làm nội trợ, nhưng khi rảnh, mẹ sẵn sàng lao vào bếp hoặc làm việc nhà, để ba nghỉ ngơi. Về nhà, mẹ luôn thể hiện vai trò người vợ người mẹ, xây dựng mối quan hệ đầm ấm trong gia đình và kết nối yêu thương. Mẹ chưa bao giờ khiến con cái cảm thấy coi thường ba, chẳng bao giờ khiến con cái nghĩ rằng người kiếm ra tiền mới là người quyền lực trong nhà. Cũng chẳng khi nào thấy mẹ nhận lương về mà “khè” ba cả.

Còn ba Sơn, dù nội trợ nhưng vẫn đi cà phê, thỉnh thoảng “gặp độ” cũng nhậu… tới bến. Những hôm mẹ mang việc từ cơ quan về, ba cũng phụ. Nên dù bận rộn nội trợ, ba Hải vẫn rất tự tin về bản thân. Sơn bảo, sẽ học hỏi ba chuyện thay đổi nhận thức về giới, về quan niệm hạnh phúc gia đình để vợ con sau này được nhờ. Đàn ông ít ra cũng biết phụ việc nhà với vợ, thậm chí “cưa đôi” việc nhà, vì công việc đó không dành riêng cho vợ hoặc chồng.

Sơn kể, được ba chia sẻ việc nhà, mẹ Sơn mừng lắm, bởi công việc nội trợ vừa chiếm nhiều thời gian, lại vất vả. Mẹ cảm thấy được quan tâm chăm sóc và được đối xử bình đẳng, cảm thấy không bị lãng phí những năm tháng học hành, hay thiệt thòi, tủi thân.

Thái Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI