Người đàn ông bị người thân rạch đầu ngón tay trị... đột quỵ

01/03/2023 - 09:56

PNO - Thấy người thân đột ngột bị liệt nửa người, vợ và em gái liền lấy lưỡi lam rạch sâu vào đầu ngón tay người bệnh theo hướng dẫn từ… bác sĩ online.

 

Nam bệnh nhân bị dao lam rạch sâu 5 đầu ngón tay để cấp cứu
Nam bệnh nhân bị dao lam rạch sâu 5 đầu ngón tay để cấp cứu

Sáng 1/3, PGS.BS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết các bác sĩ vừa cấp cứu cho một người đàn ông rơi vào nguy kịch vì bị người thân dùng dao lam rạch sâu vào 5 đầu ngón tay để cấp cứu đột quỵ.

Theo người nhà kể lại, do phát hiện nam bệnh nhân đột ngột bị liệt nửa người, người thân liền lên mạng tìm phương pháp cấp cứu. Sau khi tham khảo “bác sĩ online”, vợ và em gái của ông liền xử lý bằng cách lấy dao lam rạch sâu vào 5 đầu ngón tay bên phải để… trị liệt.

Do bị rạch quá sâu, các đầu ngón tay của nam bệnh nhân chảy bê bết máu, người nhà nghĩ phương pháp sắp phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, ngồi chờ mãi không thấy ông hết liệt, gia đình vội vàng đưa ông vào bệnh viện địa phương cấp cứu. Nhận định người bệnh bị đột quỵ, bệnh viện lập tức chuyển ông đến Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu.

Bác sĩ Thắng cho biết: “Qua thăm khám, người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, hút thuốc lá, hẹp động mạch nội sọ. Ê-kíp thực hiện chẩn đoán hình ảnh và phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa. Bệnh nhân bị đưa đến quá trễ, đã qua giờ vàng (hơn 6 tiếng đồng hồ kể từ lúc khởi phát triệu chứng) nên mổ khẩn để lấy huyết khối cho ông”.

Hiện sức khỏe ông đã tiến triển tốt, được xuất viện về nhà
Hiện sức khỏe ông đã tiến triển tốt, được xuất viện về nhà

May mắn, bệnh nhân được phẫu thuật thành công. Sau khi bác sĩ xử lý huyết khối, sức khỏe của ông tiến triển tốt, được xuất viện về nhà. Bác sĩ cũng tư vấn, yêu cầu ông phải bỏ thuốc lá, tuân thủ uống thuốc theo đơn phòng ngừa nguy cơ tái phát đột quỵ.

Theo bác sĩ Thắng, mặc dù nhiều năm qua, bác sĩ ở các bệnh viện và nhiều kênh truyền thông sức khỏe liên tục cảnh báo việc dùng kim hay dao chích vào đầu ngón tay cho chảy máu để cấp cứu đột quỵ là hoàn toàn sai lầm, nhưng nhiều người dân vẫn còn dùng phương pháp phản khoa học này khiến bệnh nhân đột quỵ mất cơ hội điều trị kịp giờ vàng. 

“Tính đến nay, chưa có bằng chứng về việc cấp cứu cho người bị đột quỵ bằng cách chích máu từ đầu ngón tay. Nguyên tắc vàng khi phát hiện một người bị đột quỵ là tính thời điểm để can thiệp, giúp bệnh nhân thoát nguy cơ tử vong cũng như tàn phế. 

Tiên quyết nhất là đưa bệnh nhân tới bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất. Nếu trì hoãn mỗi phút, 2 triệu tế bào não sẽ chết và không thể phục hồi được” - bác sĩ Thắng nói.

Để phát hiện sớm cơn đột quỵ, cần dựa vào những dấu hiệu ban đầu (quy tắc FAST):

F - Face (liệt mặt): Người bệnh có thể bị liệt một bên mặt với biểu hiện méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi người bệnh há miệng hoặc cười.

A - Arm (liệt cánh tay): Người bệnh cử động khó hoặc không thể cử động một tay hoặc tay chân một bên cơ thể. Cách nhận biết nhanh chóng nhất là yêu cầu người bệnh giơ 2 tay lên sẽ thấy một bên không giơ hoặc không giữ lại được.

S - Speech (nói chuyện): Người bệnh khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường, hoặc không hiểu lời nói.

T - Time (thời gian): tranh thủ tối đa thời gian gọi xe cứu thương ngay đưa người bệnh đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, có thể ghi nhớ các dấu hiệu và cách xử trí bằng câu: “Méo cười, ngọng nói, xuội tay - Mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI