Người đàn ông bị lưỡi bừa đâm xuyên cẳng chân khi đang làm ruộng

26/10/2024 - 10:43

PNO - Người đàn ông 34 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng sốc, mất máu vì bị phần lưỡi bừa đâm xuyên cẳng chân.

Khi nhập viện, lưỡi bừa vẫn đang mắc kẹt trong cẳng chân của bệnh nhân - ảnh: BVCC
Lưỡi bừa mắc kẹt trong cẳng chân của bệnh nhân - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Sáng 26/10, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đơn vị này vừa tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc vì tai nạn lao động.

Nam bệnh nhân N.V.H. (34 tuổi, Hà Nội) đang làm ruộng. Trong lúc điều khiển máy bừa, anh bị lệch tay lái, khiến lưỡi bừa cắt vào chân. Ngay sau tai nạn, người dân đã hỗ trợ gỡ lưỡi bừa ra khỏi máy và đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tuy nhiên, trong thời gian di chuyển, bệnh nhân mất nhiều máu vì máu tiếp tục phun ra mạnh từ vết thương.

Khi vào viện, anh H. vẫn còn mắc kẹt với một phần máy bừa đang găm thẳng vào cẳng chân. Ngay lập tức, các bác sĩ đã quyết định chuyển bệnh nhân thẳng vào phòng mổ cấp cứu.

Bác sĩ Hoàng Mạnh Hà - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết: "Chúng tôi không có đủ thời gian để thực hiện các xét nghiệm toàn diện, mà chỉ tiến hành nhanh các xét nghiệm nhóm máu và công thức máu nhằm chuẩn bị truyền máu khẩn cấp. Bệnh nhân bị 2 lưỡi cắt của máy bừa đâm xuyên từ mặt trên ngoài cẳng chân đến mặt dưới trong, cắt xuyên qua khối cơ của cẳng chân".

Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 1 tiếng. Ê kíp phẫu thuật đã gây mê để tháo lưỡi bừa ra thật cẩn trọng nhằm không gây thêm tổn thương cho bệnh nhân.

Các bác sĩ đã xử lý tổn thương bằng cách cầm máu, cắt lọc toàn bộ phần cơ bị dập nát và làm sạch vết thương. Bệnh nhân đã được truyền 2 đơn vị máu để bù lại lượng máu đã mất trong quá trình cấp cứu.

May mắn, tới nay sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và bắt đầu hồi phục.

Từ trường hợp này, các chuyên gia khuyến cáo, trong những tai nạn tương tự, tuyệt đối không nên cố gỡ máy ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Việc làm này có thể gây ra sốc do đau và mất máu, có thể làm bệnh nhân ngừng tim đột ngột và nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, gỡ máy sai cách có thể gây thêm tổn thương phần mềm đặc biệt là có thể tổn thương thêm mạch máu và thần kinh lớn. Do đó, người sơ cứu nên giữ nguyên hiện trạng và đưa cả bệnh nhân lẫn máy đến bệnh viện để được xử trí đúng cách.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI