Người đàn ông bị lãng quên

07/05/2018 - 11:00

PNO - Để bây giờ, ta bận bịu lẫn thờ ơ nên quên mất, ngoài mẹ, mình còn có ba để chăm sóc, đỡ đần lúc cuối đời.

Chiều tối, tôi tình cờ nhìn thấy cô Út khoe hình mớ chuối mớ rau lên Facebook. Nhìn sơ qua là tôi đủ nhận ra, đó là mấy thứ hoa quả của vườn nhà mình dưới quê. Kèm theo đó là câu, chiều nay lên thăm anh Tư bị bệnh, thu hoạch được chừng này. Tôi điếng hồn, vội vàng gọi ngay cho “anh Tư”, tức là ba tôi, đang sống một mình ở quê xa.

Nguoi dan ong bi lang quen
Ảnh minh họa

Vài năm nay, mẹ tôi lên thành phố giữ cháu cho đứa em trai, hầu như sinh sống hẳn trên ấy. Lâu lắm mẹ mới về lại nhà ở tỉnh xa, nơi ba tôi cương quyết không chịu rời khỏi. Dù mới nghỉ hưu vài năm mà ba tôi đã yếu nhiều. Sau một đợt tai biến nhẹ, ba chỉ có thể đi đứng khập khiễng chầm chậm mà thôi.

Thế nhưng, ba vẫn cương quyết không chịu bỏ quê lên phố, với lý do quanh quẩn buồn tẻ, không biết làm gì cho qua ngày. Ở đây, ít ra ba còn có thể trồng rau, tưới cây, đi lại hít thở khí trời. Sau nhiều lần thuyết phục không được, chúng tôi cũng đành…

Những dịp chúng tôi về quê thăm ba thưa thớt lắm. Đường sá, thời gian, công việc, con cái… đủ thứ lý do. Ngay cả mua và gửi xe về cho ba một ít đồ đạc bánh trái cũng dần hiếm hẳn. Chúng tôi dường như vẫn chưa quen với ý nghĩ, ba mình giờ đã về hưu, không còn khoản thu nhập nào đáng kể, để hỏi xem ba có cần chút tiền tiêu vặt không.

Đa phần để được gặp ba đều là đợi mấy đợt lễ tết ba tôi đón xe lên, đùm túm mang theo đủ thứ lặt vặt: ít lá lốt mới cắt, rau ngót rau lang mọc dại, vừa già vừa bị sâu cắn lỗ chỗ. Cái thùng xốp chứa cá rô phi câu được dưới ao nhà, bỏ tủ đá để dành ăn dần.
Má tôi ở với vợ chồng em trai.

Mấy chị em hằng tuần vẫn ghé nhà, mang theo hoa quả, bánh kẹo, đầu tháng thì dúi vào tay má vài tờ tiền để đi chợ. Lúc rảnh thì đưa má đi siêu thị hoặc ra ngoài ăn cơm, nếm thử cơm Nhật hay cháo ếch Singapore này nọ. Lâu lâu, má được chở lên nhà cậu nhà dì, nhà bạn học cũ để thăm chơi, cho khuây khỏa.

Thế nhưng, dường như đôi lúc chúng tôi quên mất, ngoài má, cả bọn còn có ba. Hồi trước ba hay đi công tác, lúc về nhà cũng ít gần gũi con cái bằng má. Vài câu chuyện bâng quơ bên ngoài cũng khiến mấy chị em trách cứ ba “bỏ bê gia đình, ham vui, không quan tâm tới vợ con”. Dẫu thế, tất cả chúng tôi đều được ba nuôi ăn học đến nơi đến chốn, đi làm ổn định, và giờ đang tự sống cuộc đời của mình, với mái ấm be bé có vợ có chồng và những tiếng cười trẻ thơ.

Để rồi, chúng tôi không phải lúc nào cũng nhớ tới ba đang ở một mình trong căn nhà xuống cấp, ở một tỉnh xa, không còn mấy ai thân thuộc. Ba tự gói ghém cuộc sống khi những khoản lương thưởng xưa kia đã là quá vãng. Mấy món tiền cả đời đi làm dành dụm được ba cũng đã đưa cho má để lo cưới hỏi cho con, sắm vòng vàng đầy tháng thôi nôi cho đám cháu nội ngoại lần lượt chào đời…

Sau mỗi lần đưa ba ra bến xe để về lại quê nhà, lòng tôi lại trĩu nặng nỗi lo âu muộn phiền. Phảng phất trong lòng ý nghĩ, chẳng biết có dịp gặp lại ba nữa không, khi cuộc sống đầy bất trắc không sao nói trước được. Mà ba tôi thì thui thủi ra vào, tối lửa tắt đèn chỉ có vài người hàng xóm. Vài hôm sau, cuộc sống tất bật lại khiến tôi dần lơi đi quyết tâm thu xếp để ba có thể chấp thuận sống gần con cái.

Ai cũng biết, người già chẳng còn nhiều thời gian để mà phung phí. Khi già, người ta trở lại là trẻ con, cần lắm những niềm vui bé mọn, những chăm sóc rất đời thường. Chiếc bánh chưng, hộp kẹo dẻo, mấy quả lê mọng ngọt, chiếc khăn mặt mới, cuối tuần sum vầy hay một dịp đi chơi… Tất cả những thứ mà ngày xưa, khi chúng ta còn nhỏ, ba mẹ đã mua sắm, mang về nhà để trao cho con những ngày tháng ấu thơ êm lành.

Để bây giờ, ta bận bịu lẫn thờ ơ nên quên mất, ngoài mẹ, mình còn có ba để chăm sóc, đỡ đần lúc cuối đời.

 Vũ Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI