Người đàn ông Ấn Độ "gom trang phục cưới" giúp các cô gái nghèo

27/12/2021 - 06:00

PNO - Mô hình từ thiện độc đáo của tài xế taxi Nasar Thootha là tặng trang phục cưới đã sử dụng một lần của các gia đình giàu có cho những cô dâu ít có điều kiện mua sắm.

Có thể bạn đã từng nghe nói về ngân hàng thực phẩm, ngân hàng sách, thậm chí có thể là ngân hàng đồ chơi, nhưng hẳn là chưa nghe đến ngân hàng áo cưới. Đây là mô hình từ thiện độc đáo để trao những bộ trang phục cưới đã qua sử dụng một lần cho những cô gái không có điều kiện kinh tế, không đủ tiền để mua sắm cho ngày cưới của mình.

"Ngân hàng trang phục cưới" được điều hành bởi anh Nasar Thootha, một tài xế taxi ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ. Cho đến nay, ngân hàng đã giúp hơn 260 cô dâu kém may mắn có trang phục miễn phí cho ngày trọng đại nhất đời họ.

Cho đến nay, ngân hàng của Nasar Thootha đã giúp hơn 260 cô dâu kém may mắn có trang phục miễn phí cho ngày trọng đại nhất của cuộc đời họ
Cho đến nay, ngân hàng của Nasar Thootha đã có hơn 800 chiếc váy cưới các loại và giúp hơn 260 cô dâu kém may mắn có trang phục miễn phí cho ngày trọng đại nhất của cuộc đời họ

Năm ngoái, qua WhatsApp và Facebook, anh Thootha, 44 tuổi, một người Ả rập Xê Út, đã bắt đầu kêu gọi mọi người chuyển cho anh chiếc váy cưới họ không còn sử dụng để dành tặng cho người khác. 

Lời kêu gọi này nhanh chóng được hưởng ứng và hàng chục gói đồ cồng kềnh chứa những bộ váy đẹp như mới bắt đầu gửi đến trước cửa nhà anh, trong đó có nhiều người ẩn danh.

“Trang phục cưới là tất cả về sự phù phiếm. Chúng chỉ được mặc trong vài giờ và sau đó không bao giờ được lấy ra khỏi tủ. Nhận ra điều này, nhiều gia đình đã ủng hộ lời kêu gọi của chúng tôi”, Thootha nói.

Thootha đã bắt đầu "ngân hàng quần áo" trên cơ sở thử nghiệm vào tháng 4/2020 từ một căn phòng trong ngôi nhà của mình. Gia đình cô dâu sẽ liên hệ với anh qua Facebook và sau đó trực tiếp đến ngân hàng để chọn trang phục theo ý muốn.

“Khi gia đình không có tiền để di chuyển xa hoặc nếu vì bất kỳ lý do gì, trang phục sẽ được gửi trực tiếp cho họ thông qua mạng lưới tình nguyện viên của chúng tôi”, Thootha chia sẻ và nói thêm rằng anh không bao giờ yêu cầu gia đình trả lại chiếc váy cưới "nhưng chúng tôi khuyến khích họ chuyển chúng cho những người nghèo khó khác".

Những chiếc váy quyên góp được thu thập từ các địa điểm khác nhau trên khắp cả nước thông qua các tổ chức từ thiện và bạn bè. Sau khi giặt khô, chúng được gói kỹ và cất gọn gàng trong ngôi nhà khiêm tốn của Thootha. Hiện ngân hàng áo cưới của Thootha có hơn 800 chiếc váy có giá từ 5.000-50.000 rupee (66-660 USD) và tất cả có thể phù hợp với các cô dâu tương lai.

“Cá nhân tôi không phải đầu tư bất kỳ khoản tiền nào để điều hành ngân hàng trang phục. Tôi chỉ là một kênh thông qua đó những phụ nữ cần họ nhất sẽ nhận được chúng từ các nhà tài trợ tốt bụng", Thootha nói.

Chị Sakina Khan ở Mumbai (tên đã được thay đổi theo yêu cầu), 31 tuổi, là người nhận một chiếc saree bằng lụa Banarasi màu hồng từ ngân hàng trang phục cho hôn lễ của cô dự kiến ​​tổ chức vào ngày 27/12. Cô cho biết đây là món quà giá trị nhất từng nhận được.

“Cha và chú của tôi đều đã qua đời khi biến thể Delta tấn công Ấn Độ vào mùa hè năm nay. Tôi cũng bị mất việc làm. Vì vậy, mẹ tôi là người duy nhất trong gia đình đi làm kiếm tiền. Chúng tôi đã chi 5.000 USD để thuê địa điểm và tổ chức tiệc cưới, vì vậy tôi không còn tiền để mua váy cưới”, cô dâu nói.

Cô đã liên hệ với Thootha trên Facebook, một tuần sau trang phục cưới được giao đến nhà. "Khi gói quà đến vào tuần trước, tôi và mẹ đã vỡ òa và ôm nhau trong niềm vui sướng tột độ", Khan nói.

 

Ngoài ngân hàng trang phục, Thootha còn điều hành dịch vụ taxi và xe cứu thương
Ngoài ngân hàng trang phục, Thootha còn điều hành dịch vụ taxi và xe cứu thương

Điều gì đã khiến một người đàn ông khiêm tốn với một gia đình đông con gồm 4 người con, vợ, cha mẹ và một người chị tật nguyền lại nghĩ ra việc làm này?

“Sau khi trở về từ Ả Rập Xê Út, tôi tham gia vào các cơ quan nhà nước giúp đỡ người nghèo và người vô gia cư. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã gặp nhiều gia đình khi họ loay hoay mua váy cưới cho con gái, thường là những bộ đồ đắt tiền. Vì vậy, tôi quyết định giúp họ”, Thootha nói.

Ban đầu, Thootha điều hành ngân hàng tại nhà, nhưng một người bạn của anh đã đề nghị cho mượn một cửa hàng gần nơi anh ở. Thootha cho biết anh có kế hoạch chuyển ngân hàng đến địa điểm mới này vào tháng 3 năm sau.

Ngoài taxi, Thootha còn làm dịch vụ xe cứu thương. Tại đây, anh ấy cũng cố gắng giúp đỡ nhiều người nhất có thể. Anh cũng cung cấp các chuyến đi miễn phí cho những người không có khả năng trả tiền.

“Trong đợt đại dịch, tôi đã giúp nhiều gia đình nghèo vận chuyển người thân mất vì COVID-19 đến lò hỏa táng miễn phí. Tôi chỉ tính phí với những người có đủ tiền. Một số người tốt bụng khác còn quyên góp tiền xăng hoặc tiền bảo dưỡng cho xe cứu thương của tôi”, anh giải thích.

Theo báo cáo của IBISWorld, một công ty nghiên cứu dữ liệu có trụ sở tại Hoa Kỳ, ngành công nghiệp cưới ở Ấn Độ đạt 50 tỷ USD, chỉ đứng sau 72 tỷ USD ở Hoa Kỳ. Trong khi những người giàu có đủ khả năng để vung tiền cho những đám cưới hoành tráng thì những người nghèo lại phải trải qua vô vàn khó khăn để tổ chức đám cưới của con cái.

“Các gia đình Ấn Độ chi những khoản tiền đáng kể cho địa điểm, thức ăn, trang phục, đồ trang sức và quà tặng cho người thân của họ. Các khoản cho vay tổ chức đám cưới từ những người cho vay tiền thường kéo theo lãi suất khủng khiếp và khiến người nghèo nợ nần chồng chất". Ranjana Kumari, một nhà hoạt động nữ và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội, một tổ chức vận động cho phụ nữ cho biết, nhiều người không có khả năng chi trả cũng có thể dẫn đến việc tự sát.

Vào năm 2016, một nông dân 58 tuổi ở quận Kancheepuram, Tamil Nadu đã tự tử cùng với các thành viên trong gia đình sau khi không thể trả nợ từ các khoản chi phí cho đám cưới của con gái lớn.

Trong một vụ việc khác, Vipin, 25 tuổi ở quận Thrissur, Kerala đã tự kết liễu đời mình vào tuần trước sau khi không vay được tiền để lo cho cuộc hôn nhân của em gái.

Theo một cuộc khảo sát của LenDenClub, một công ty cho vay kỹ thuật số, các khoản cho vay đám cưới chiếm hơn 35% trong tổng số các khoản cho vay mục đích khác của người Ấn Độ. Theo dữ liệu được phân tích bởi công ty, nhu cầu cho vay đám cưới đã tăng 40% vào năm 2021 so với năm 2020.

Thảo Nguyễn (theo Al Jazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI