Người đàn ông 55 tuổi quyết tâm thi đậu tốt nghiệp THPT

26/06/2019 - 17:28

PNO - Trượt kỳ thi năm 2018, ông Hồ Quang Đông ở huyện A Lưới tiếp tục dự thi năm nay để lấy bằng tốt nghiệp THPT. Ông Đông cũng là thí sinh cao tuổi nhất dự thi THPT quốc gia ở Thừa Thiên Huế lần này.

Ông Hồ Quang Đông sống tại xã Hồng Vân (H.A Lưới - Thừa Thiên Huế) là Bí thư Chi bộ thôn Ca Cú 2 ở xã này với nghề nghiệp chính làm nông. Điều ấn tượng là ông Hồ Quang Đông đã hơn 55 tuổi, hiện có 4 người con và 2 người cháu. 

Sau khi học hết cấp II, ông Đông đi nghĩa vụ quân sự. "Xong nghĩa vụ, tôi về nhà lấy vợ sinh con và làm ăn theo nghề nông làm rẫy tại A Lưới. Sau hơn 30 năm, sự học trỗi dậy trong người, tôi đăng ký vào học lớp 10 ở trường Giáo dục thường xuyên H.A Lưới năm 2015. Qua 3 năm đèn sách, năm nay dù đã tuổi cao nhưng đây là lần thứ 2 tôi đi thi tốt nghiệp THPT”, ông Đông kể.

Suốt thời gian học cấp III, ông hay bị lớp trẻ đùa "Chú học để làm gì?”. Ông chỉ cười và nói rằng “Không bao giờ là quá muộn đối với việc học!”. Kỳ thi lần này, mục đích chính của ông Đông là làm theo chủ trương của Đảng, Nhà nước để xóa mù chữ và một lý do khác không kém phần quan trọng, là làm gương cho con cháu.

Nguoi dan ong 55 tuoi quyet tam thi dau tot nghiep THPT
Thí sinh Hồ Quang Đông tra kỹ số báo danh ở điểm thi Trường THCS và Dân tộc Nội trú A Lưới huyện A Lưới, đây cũng là lần thứ 2 ông tham dự kỳ thi THPT quốc gia

Điều đáng nói cả 4 người con của ông đã thi đậu tốt nghiệp THPT và có nghề nghiệp ổn định. Các con đã có bằng cấp III cũng là lý do thôi thúc chú phải bằng được con mình.

“Thời bao cấp tôi không có điều kiện học, nay lo cho gia đình, con cái thành người, tôi phải học để xóa mù chữ, từ đó cho cả thôn bản noi theo. Tôi sẽ tuyên truyền cho bà con được biết giá trị của việc học mà phấn đấu để đưa bản làng mình đi lên”, ông Đông nói. Việc học đối với ông Đông là rất vui và rất bổ ích. Do sức ngày càng yếu và tuổi cao, so sánh việc học cấp II hồi xưa là dễ, nay theo chú - học cấp III khó hơn nhiều và cần phải tập trung.

Tại điểm thi Trường THCS và Dân tộc nội trú A Lưới huyện A Lưới (cũng là điểm trường thi xa nhất cách TP. Huế 70km) nơi ông Đông dự thi, hết ngày làm bài môn văn, toán, ông nhận xét: “Nhà trường tổ chức thi rất tốt, không có sai sót gì. Đề thi môn văn hay, tôi làm được gần 70%”.

Theo ông Đông, thi đậu thì tốt mà không đậu cũng không sao. Nhưng nếu thi đậu ông sẽ tuyên truyền cho con cháu, người dân bản làng nhiều hơn về việc học suốt đời.

Nguoi dan ong 55 tuoi quyet tam thi dau tot nghiep THPT
Thí sinh Hồ Quang Đông cho biết đi thi lần này để làm gương cho con cháu, hai nữa để động viên bà con trong bản đi học xóa mù

Ban đầu, nhiều người trong thôn thấy ông Đông đi học cũng nói ra nói vào, nhưng ông mặc kệ. Đến tận hôm đi thi, thí sinh này cũng khiến không ít người ngỡ ngàng. 

“Nhớ lại buối sáng đầu tiên thi môn ngữ văn, giám thị ngạc nhiên khi thấy tôi tóc bạc mà vẫn đi thi. Nhiều cháu nói chú lớn tuổi thế này rồi đi thi làm chi nữa. Tôi liền đáp, mình học không phải lấy bằng cấp mà để bổ sung kiến thức. Đề văn năm nay nói về sông Hương và ý chí của con người nên miền (mình) làm được vì hiểu rõ về dòng sông  này và thấy hình ảnh của mình trong đề thi. Riêng đề toán, nhiều câu không làm được, nên miền chỉ biết khoanh dấu may rủi để tránh điểm liệt”, ông Đông nói.

Nguoi dan ong 55 tuoi quyet tam thi dau tot nghiep THPT
Ông Đông hy vọng lần này mình sẽ lấy được bằng tốt nghiệp THPT để "khoe" với bản làng

Theo lời ông Đông  kể, lý do đi học muộn đó là vào năm 1985, sau khi học xong lớp 9 tại Trường Dân tộc nội trú A Lưới rồi đi nghĩa vụ quân sự và chiến đấu tại Lào. Khi trở về gia đình bắt cưới vợ, việc học cũng dừng lại ở đó.

Gần 30 năm sau, khi đã lên chức ông nội, ông Đông mới bắt đầu đi học lại theo chính sách xóa mù chữ của Nhà nước. Điều đáng quý ở người đàn ông này là suốt 3 năm liên tục từ 2015 đến 2018 đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu, ông một mình chạy xe 17km từ  xã biên giới Hồng Vân để ra thị trấn A Lưới học cho đến hết lớp 12. 

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ông Đông thi 3 môn gồm toán, ngữ văn và tổ hợp khoa học xã hội. “Nếu thi đậu lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT thì càng tốt mà không đậu thì năm sau tôi thi tiếp. Tôi muốn là tấm gương để con cháu nhìn vào phấn đấu, coi trọng việc học”, ông Đông nói.

Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI