Người dân ngoài đê sông Lam hối hả chạy lũ

31/10/2020 - 14:44

PNO - Mưa lớn kết hợp với lưu lượng xả lũ của nhiều nhà máy thủy điện khiến hàng ngàn hộ dân bên bờ sông Lam bị ngập nặng. Xe cộ, gia súc... được đưa vội lên bờ đê vì sợ lũ lớn.

Mực nước sông Lam tiếp tục dâng cao thêm 1m trong sáng 31/10 đã khiến toàn bộ hộ dân vùng ngoài đê chìm trong biển nước, cô lập hoàn toàn. Sợ lũ lớn ập về, người dân khu vực ngoài đê sông Lam ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) tất bật vận chuyển đồ dùng, gia súc lên đê 42 để bảo vệ tài sản.

Dắt con trâu mới đẻ vào túp lều tạm vừa dựng trên bờ đê khi cơn mưa lớn trút xuống, chị Đậu Thị Vân (trú tại xóm 5, xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên) cho biết, khoảng 19g tối 30/10, nước lũ bắt đầu dâng. Chỉ trong chốc lát, nước đã tràn vào nhà.

Vùng ngoài đê sông Lam bị ngập sâu
Vùng ngoài đê sông Lam bị ngập sâu

“Thấy nước lũ dâng nhanh nên tôi phải đưa mẹ đã lớn tuổi đi sơ tán. Còn hai mẹ con ở nhà kê đồ đạc, dắt trâu, heo lên bờ đê ở tạm. “Lúc đêm nước dâng lên rất nhanh, nhiều nhà ngập hơn 1m” - chị Vân nói và cho hay, cả đêm qua, người dân nơi đây hầu như trắng đêm di chuyển xe cộ, chở trâu, bò, heo... ra dựng lán trại trên đê 42 vì sợ lũ lớn.

Chỉ trong chốc lát, hàng trăm chiếc xe máy, ô tô đã được người dân đưa lên kín trên bờ đê. Những lán trại bằng lều bạt cũng nhanh chóng được dựng san sát nhau để làm nơi ở cho gia súc, gia cầm. Vừa chạy lũ, vừa sợ gia súc đổ bệnh vì mưa rét, nhiều người dân phải thay phiên nhau đốt lửa canh chừng.

“Tối qua do dựng vội nên bị trâu chen nhau làm sập mất lều” - anh Đậu Văn Phú (43 tuổi, trú tại xã Hưng Lợi) nói. Để đảm bảo an toàn cho 4 con trâu trị giá hơn 100 triệu đồng, anh phải mua thêm tre, bạt về dựng lại ngay bên tuyến đường đê.

Người dân dùng thuyền vận chuyện heo ra bờ đê tránh lũ
Người dân dùng thuyền vận chuyển heo ra bờ đê tránh lũ

“Năm nào có mưa lũ là cả nhà lại phải dựng lều bạt trên đê 42 để trâu bò, heo gà tránh trú. Đêm đến, người cũng mắc võng nằm canh vật nuôi luôn. Cũng may là còn bờ đê cao ráo để làm nơi trú ngụ, không thì chẳng biết đưa đi đâu nữa” - anh Phú cho biết.

Cách đó không xa, 30 con heo của gia đình bà Nguyễn Thị Kiên (44 tuổi) đã ấm chỗ. Vì giống heo không chịu được nước ngập sâu, số lượng lại nhiều nên ngay từ chiều 30/10, vợ chồng bà đã chuyển tất cả ra đê, dựng nhà rạp bằng sắt chắc chắn làm nơi ở tạm cho đàn heo.

Theo bà Kiên, vì sống ngoài đê sông Lam nên hầu như năm nào cũng bị lũ lụt. Sau bao năm vất vả chạy lũ, năm 2019, gia đình đã đầu tư 12 triệu đồng để làm một cái nhà rạp bằng ống tuýp sắt dựng sẵn, lắp ráp vừa nhanh, vừa tiện lúc gấp gáp chạy lũ.

Theo thống kê sơ bộ của huyện Hưng Nguyên, 7 xã vùng dọc sông Lam và vùng trũng huyện Hưng Nguyên bị ngập sâu. Mưa lũ đã khiến hàng ngàn con gia cầm bị chết.

Nhiều nhà dân vùng ngoài đê sông Lam đã ngập sâu hơn 1m
Nhiều nhà dân vùng ngoài đê sông Lam đã ngập sâu hơn 1m
Hàng trăm xe máy, ô tô, xe tải... được đem lên đê tránh lũ
Hàng trăm xe máy, ô tô, xe tải... được đưa lên đê tránh lũ
Đê chống lũ trở thành nơi tránh lũ cho trâu bò, phương tiện
Đê chống lũ trở thành "nhà" cho trâu bò, phương tiện
Anh Phú dựng vội lại lều cho đàn trâu của gia đình bên tuyến đường đê
Anh Phú dựng vội lại lều cho đàn trâu của gia đình bên tuyến đường đê
Nhiều gia đình không kịp vận chuyển heo ra ngoài, buộc phải kê ván cho heo khi nước dâng cao
Nhiều gia đình không kịp vận chuyển heo ra ngoài, buộc phải kê ván khi nước dâng cao
Những túp lều tạm tránh mưa cho đàn trâu bò bên đường
Những túp lều tạm tránh mưa cho đàn trâu bò bên đường
Số lợn heo nhiều, vợ chồng bà Kiên đầu tư cả nhà rạp bằng ống tuýp sắt để chạy lũ
Số heo nhiều, vợ chồng bà Kiên đầu tư cả nhà rạp bằng ống tuýp sắt để chạy lũ

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI