Người dân nên tẩy chay thực phẩm bẩn

02/01/2014 - 23:53

PNO - PN - Ngày 2/1, Chính phủ đã họp trực tuyến với 63 tỉnh thành phố về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống dịch bệnh.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP cho biết, kết quả giám sát gần đây cho thấy 61,5% mẫu rượu, 53,9% mẫu ô mai, xí muội, 37,7% mẫu ruốc thịt lợn, 34,8% mẫu ớt bột 6,3 mẫu thịt lợn sống, 6,3% mẫu rau tươi… không đạt yêu cầu. Thông tin từ các Chi cục An toàn thực phẩm địa phương cũng chỉ ra rằng trong tổng số hơn 24.000 mẫu được giám sát thì có tới 45,3% mẫu thực phẩm bị nhiễm bào tử nấm mốc, tỷ lệ nhiễm các vi khuẩn gây tả và ngộ độc thực phẩm cũng khá cao như nhiễm Coliforms 26,5%, E.coli 18,4%, Pseudomonas Aeruginosa 18%.

Nguoi dan nen tay chay thuc pham ban
Đĩa bánh hỏi tươi, ngon nhưng có thể tiềm ẩn hóa chất độc hại

Về ô nhiễm hóa học, số mẫu dương tính với Aldehyde (chất tự sinh trong quá trình lên men rượu có khả năng gây suy nhược thần kinh) có tỷ lệ tới hơn 78,2%; dầu đang chiên có độ ôi khét là 22,8%; 12,2% mẫu nhiễm Cyclamete; 8,4% mẫu có hàn the; 7,9% có chất “chết người” methanol và hóa chất “ngâm xác” formol chiếm 4% mẫu. Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phản ánh, cử tri và nhân dân rất lo lắng việc “không ăn cũng chết mà ăn thì chết dần, chết mòn”.

Tại cuộc họp, các bộ ngành đã đưa ra con số thống kê hùng hồn về kiểm tra, thanh tra song xử phạt nhiều mà tình hình thực tế “đâu vẫn hoàn đó”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng, xử phạt “như phủi bụi” nên khó có thể dẹp bỏ thực phẩm bẩn. Đại diện Bộ Tài chính góp ý: “Hàng ngày, hàng giờ, thực phẩm “bẩn” đang đầu độc sức khỏe, làm hại tính mạng con người. Do đó, cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đồng tình: “Không thể chấp nhận kiếm lợi trên lưng của nhiều người khác, đặc biệt là trên sức khỏe của nhiều người. Đó là tội ác và phải đối xử như với tội phạm”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không thể “hình sự hóa” mọi lĩnh vực của đời sống. Dù vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đối với ATTP, quan điểm là phải xử lý nghiêm, kịch khung với những hành vi bất chấp tất cả vì lợi nhuận. Ông nói: “Quan trọng hơn là tuyên truyền để người dân hiểu và tẩy chay những sản phẩm, thương hiệu, cách làm xấu. Đây chính là "hình phạt, chế tài" nặng nhất để đào thải, đóng cửa các cơ sở, sản phẩm kém chất lượng”.

 PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI