Người dân Myanmar tiếp tục xuống đường dù bị đàn áp đẫm máu, hàng chục người thiệt mạng

04/03/2021 - 14:35

PNO - Ngày 4/3, những người biểu tình kiên quyết chống đảo chính ở các thành phố và thị trấn trên khắp Myanmar tiếp tục xuống đường, sau khi hàng chục người thiệt mạng trong ngày đẫm máu 3/3 vì "bạo lực tàn bạo" của quân đội.

Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), ít nhất 38 người đã chết hôm 3/3 khi lực lượng an ninh Myanmar xả súng vào đám đông người biểu tình.

Quân đội Myanmar đã tổ chức cuộc đảo chính vào ngày 1/2, kết thúc một thập niên dân chủ non trẻ, và gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ quần chúng - mà chính quyền đang tìm cách dập tắt bằng vũ lực sát thương.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết, những hình ảnh đẫm máu hôm 3/3 đã khiến nước Mỹ "kinh hoàng và đau xót". Ông nói: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia cùng chung một tiếng nói lên án hành động bạo lực tàn bạo của quân đội Myanmar đối với chính người dân của mình".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức cuộc đàn áp ở Myanmar".

Cảnh sát bắn đạn cay vào người biểu tình ở Mandalay hôm 3/3
Cảnh sát bắn đạn cay vào người biểu tình ở Mandalay hôm 3/3

Đặc phái viên LHQ tại Myanmar Christine Schraner Burgener chia sẻ với các phóng viên rằng, hơn 50 người đã thiệt mạng kể từ khi quân đội tiếp quản chính quyền.

Hôm 4/3, những người biểu tình lại xuống đường ở Yangon và Mandalay, hai thành phố lớn nhất của quốc gia, cũng như các thị trấn khác vốn là điểm nóng về bất ổn.

"Thật nguy hiểm nếu ở đây sau khoảng 9 gờ sáng. Họ đang bắn nhau trên đường phố", một người bán thực phẩm ở Yangon nói với AFP.

Tại một quận nơi diễn ra các cuộc biểu tình gần như hàng ngày ở Yangon, những người biểu tình đã dựng các hàng rào bằng vỏ xe cũ, gạch, bao cát, tre và dây thép gai.

Chính quyền tìm cách che giấu chiến dịch đàn áp của mình với phần còn lại của thế giới, siết chặt quản lý internet và cấm Facebook - nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất.

Theo luật sư Tin Zar Oo, 6 nhà báo cũng bị bắt vào cuối tuần và bị buộc tội "gây sợ hãi, loan tin sai sự thật hoặc kích động một nhân viên chính phủ". Trong số đó có nhiếp ảnh gia Thein Zaw của Associated Press, bị bắt hôm 27/2 khi đang đưa tin về một cuộc biểu tình chống đảo chính ở Yangon. Video cho thấy anh này bị cảnh sát khống chế và bắt giữ khi đứng tác nghiệp sau một hàng rào.

Tuy nhiên, những người biểu tình, nhà báo công dân và một số nhóm truyền thông đã tiếp tục gửi hình ảnh ra khỏi Myanmar. Hôm 4/3, đám tang của một phụ nữ 19 tuổi bị giết ở Mandalay đã được phát trực tiếp trên Facebook.

Nạn nhân, Ma Kyay Sin, mặc một chiếc áo phông có in chữ “Mọi thứ sẽ ổn” ở mặt trước khi cô bị bắn vào đầu.

Hoạt động biểu tình của người dân và hành động vũ lực của quân đội đang biến Myanmar thành vùng chiến sự nguy hiểm
Hành động vũ lực từ quân đội đang biến Myanmar thành "vùng chiến sự" nguy hiểm

Theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), lực lượng an ninh đã bắt giữ gần 1.500 người kể từ khi cuộc đảo chính bắt đầu, với 1.200 người trong số đó vẫn đang bị giam giữ.

Nhóm cho biết họ đã ghi nhận hơn 50 trường hợp tử vong, trong đó có các thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 bị bắn vào đầu và ngực.

Một trong những người đầu tiên bị giam giữ khi bắt đầu cuộc đảo chính là bà Aung San Suu Kyi - người đứng đầu chính phủ dân sự và là nữ anh hùng của hầu hết người dân Myanmar vì đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại chế độ độc tài trước đây.

Chính phủ quân sự đã biện minh cho cuộc đảo chính của mình bằng cách đưa ra những cáo buộc vô căn cứ rằng đảng của bà Suu Kyi đã gian lận cuộc bầu cử tháng 11/2020.

Bà Suu Kyi (75 tuổi) được cho là đang bị giam giữ tại Naypyidaw, thủ đô biệt lập mà quân đội đã xây dựng trong chế độ độc tài kéo dài hàng thập kỷ trước đó của họ.

Tấn Vĩ (theo Bangkok Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI