Người dân Myamnar phản đối Trung Quốc khai thác mỏ đồng

07/05/2016 - 10:29

PNO - Hàng trăm dân làng ở miền Trung Myanmar đã biểu tình phản đối việc nối lại hoạt động khai thác mỏ đồng Letpadaung liên doanh với Trung Quốc.

Nguoi dan Myamnar phan doi Trung Quoc khai thac mo dong
Người dân Myanmar biểu tình. Ảnh minh họa

Cho rằng đất đai của họ đã bị sung công trái phép để mở rộng khu mỏ, nguồn nước bị ô nhiễm do khai thác đồng gây ra, ngày 6/5, hàng trăm dân làng ở miền Trung Myanmar đã biểu tình phản đối việc nối lại hoạt động khai thác mỏ đồng Letpadaung liên doanh với Trung Quốc.

Cụ thể, làn sóng biểu tình được nhen nhóm từ hôm 4/5 khi một số người vượt qua hàng rào cảnh sát bảo vệ khu mỏ Letpadaung, nằm dưới sự điều hành của Myanmar Wanbao, công ty con của một nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc.

Công trình mỏ đồng gây phẫn nộ cho người dân Myanmar là dự án liên kết đầu tư giữa một công ty thuộc quân đội Myanmar với công ty Wanbao của Trung Quốc. Dự án trị giá 1 tỉ USD và từng bị báo chí Myanmar tố cáo có dấu hiệu tham nhũng.

Một người biểu tình đã mạnh dạn gọi điện cho hãng Reuters và nói rằng: “Người Trung Quốc chưa làm bất cứ điều gì để thực hiện các cam kết của họ được đề cập trong báo cáo của bà Aung San Suu Kyi."

Ông Zaw Htay, người phát ngôn cho văn phòng Cố vấn nhà nước của bà Suu Kyi khẳng định, chính phủ đang giám sát tình hình và các động thái phản hồi của công ty Myanmar Wanbao với những khuyến cáo từ cuộc điều tra trước đó.

Sự kiện này được coi là một trong những phép thử đầu tiên đối với khả năng của chính phủ mới trong việc giải quyết sự phẫn nộ của người dân.

Trước đó, nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra vào năm 2012 và 2013. Bà Suu Kyi, khi ấy là lãnh đạo phe đối lập, đã dẫn đầu một cuộc điều tra với kết luận, yêu cầu Wanbao phải bồi thường cho cư dân và giảm xuống mức tối thiểu thiệt hại về môi trường.

Myanmar không phải là quốc gia duy nhất phản đối hoạt động khai khoáng của Trung Quốc trên đất nước của họ.

Ngày 6/1 Bộ trưởng Bộ TN&MT Malaysia Wan Junaidi Jaafar, tuyên bố trước báo giới rằng, Malaysia sẽ dừng khai thác quặng bauxite cho Trung Quốc trong 3 tháng. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 15/1.

Ông Wan Junaidi cũng cho biết, mục tiêu của chính quyền không phải là đóng cửa khai thác bauxite vĩnh viễn. Họ muốn kiểm soát và điều chỉnh số lượng giấy phép cho các bên khai thác trong tương lai.

Trong khí đó, Malaysia lại là nhà cung cấp bauxite lớn nhất cho Trung Quốc. Năm 2015, Malaysia đã đáp ứng hơn 40% lượng bauxite nhập khẩu của Trung Quốc.

Hoạt động khai thác bauxite ở Malaysia đã tăng trưởng rất mạnh trong hai năm qua nhằm đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, khai thác bauxite cũng là thủ phạm nhuộm đỏ nước sông nước biển gần thành phố Kuantan, thủ phủ bang Pahang,  phía đông bán đảo Malaysia.

Chính phủ Malaysia muốn tạm dừng việc khai thác bauxite cho đến khi các quy định, cấp phép và bảo vệ môi trường đã sẵn sàng.

Thủ tướng Malaysia, Najib Razak đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN&MT giải quyết vấn đề này với chính quyền bang Pahang – bang lớn thứ ba của Malaysia và cũng là nơi sản xuất chủ yếu khoáng sản bauxite.

Việc khai thác ồ ạt loại quặng bauxit này ở Kuantan đã làm dấy lên tiếng nói phản đối về tình trạng nhiễm độc nguồn nước và tàn phá môi trường.

Bà Fuziah Salleh, một nghị sỹ Quốc hội Malaysia cho biết, bụi bauxite có nguy cơ đe dọa chất lượng không khí và nguồn nước của địa phương.

Theo vị nghị sỹ này, Chính phủ Malaysia nên dừng xuất khẩu bauxite cho tới khi có quy định phù hợp để đảm bảo việc khai thác bauxite bền vững và hạn chế các hoạt động khai thác bất hợp pháp.

“Mọi thứ đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Tôi lo rằng thiệt hại sẽ không thể khắc phục được”, bà Fuziah nói.

Ngày 14/3/2014, khoảng 60 người Myanmar tuần hành trên quãng đường dài 2.400 km để kêu gọi chính phủ hủy bỏ dự án xây đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư với tổng vốn lên đến 3,6 tỉ USD sẽ khiến hệ môi trường sinh thái bị hủy hoại và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nghèo.

Ngọc Minh (Tổng hợp)


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI