Hưng Yên:

Người dân mót từng nhành cây giống sau lũ

23/09/2024 - 14:02

PNO - Hàng trăm nông hộ làng hoa cây cảnh Xuân Quan (huyện Văn Giang, Hưng Yên) chịu cảnh mất mát tài sản sau trận lụt “mấy chục năm mới gặp”.

Trắng tay

Làng hoa Xuân Quan (xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) nằm sát con sông Hồng. Chiều ngày 12/9, nước sông Hồng dâng cao vượt báo động 3, tràn vào cánh đồng gây ngập lụt diện rộng cho các vùng ven sông, trong đó làng hoa Xuân Quan, Phụng Công chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất.

“Không ai ngờ nước lên nhanh đến thế. Chúng tôi chỉ kịp chuyển được vài trăm chậu hoa đồng tiền sắp đến ngày bán lên chỗ cao, nhưng trong vòng 1 giờ đồng hồ, chỗ nào cũng ngập nước nên đành phó mặc cho trời” – chị Nguyễn Thị Phương, một nhà vườn ở làng hoa Xuân Quan cho biết.

Hình ảnh tan hoang của làng hoa cây cảnh Xuân Quan - Ảnh: C.M
Hình ảnh tan hoang của làng hoa cây cảnh Xuân Quan - Ảnh: C.M

Nhà chị Phương, có 8 sào Bắc bộ trồng hoa cây cảnh, tương ứng trên dưới 2.000m2. Cây chủ lực của gia đình chị là hoa trong chậu như cúc, đồng tiền… với hơn 2.000 chậu. Cây trang trí văn phòng, cây trồng trong nhà như phát tài núi, cây hồng lộc, hạnh phúc, mộc hương… chị trồng ngoài đê. Nước lũ lên hơn 1m, nhấn chìm cả vườn. Khi nước rút, cây chết đứng vì úng nước, cành lá héo khô, xơ xác.

“Nhà ai cũng gần như mất trắng. Những hộ sát đê kịp đưa cây lên đê tránh nước nên cứu được một ít, còn lại tất cả đều trắng nước” – chị Phương xót xa.

Khu vườn để cây trong chậu, như nhiều hộ khác, chị làm khung sắt, mắc giàn lưới che nắng. Thế nhưng, gió to, cả dàn khung cột đều đổ, đè bẹp hết số cây.

“Ác một cái là khung cột của nhà nọ đổ đè sang nhà kia, thế là đổ theo dây chuyền. Mấy hôm nay, nhà nào cũng lo dọn dẹp cây chết, dọn vườn… nên chưa có thời gian dựng lại khung cột, mà muốn dựng cũng không được vì không có thợ”, chị Phương buồn bã nói.

Một giàn khung cột che khu vườn 2-3 sào, chi phí xây dựng 50 – 80 triệu đồng. Nhà nào làm càng kiên cố, thiệt hại càng nặng nề.

Trong khu vườn ngổn ngang cây chết, gãy đổ, chị Phương ngồi trên lối đi chật hẹp, kiên nhẫn nhặt từng mầm cúc để ươm lại.

“Bây giờ đành nhặt nhạnh lại những chậu còn sống, lọc những thân khỏe để ươm lại từ đầu. Cả vùng đều ngập lụt nên nhà nào cũng chết cả cây giống. Cây trong vườn, cây trên chậu chết là một nhẽ, nhưng nỗi lo nhất bây giờ là cây giống, trong vùng không có mà mua, phải đợi ổn định mới dám lấy giống hoa từ Đà Lạt về, chứ các vùng cung cấp cây giống ở Hưng Yên, Hải Dương cũng mất trắng cả rồi” – chị Phương giải thích.

Những cánh đồng hoa cây cảnh chết đứng vì ngập nước - Ảnh: C.M
Những cánh đồng hoa cây cảnh chết đứng vì ngập nước - Ảnh: C.M

Cũng giống chị Phương, bà Nguyễn Thị Lành (nhà vườn Cúc Lành, thôn 10 xã Xuân Quan) mất trắng toàn bộ những cây hoa trên chậu. Nếu không bị ảnh hưởng bởi mưa bão, một chậu cây hoa bán tại vườn từ 50 – 100 ngàn đồng tùy loại cây, 2.000 chậu cây gia đình bà Lành thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Những loại cây có giá cao hơn như hoa hồng, mộc hương, cây hạnh phúc, chân chim, phát tài núi… có giá 400 – 500 ngàn đồng/chậu, số lượng cây chết càng nhiều, thiệt hại càng lớn.

Bên trong khu nhà giàn xiêu vẹo, lưới che nắng bị gió quật tả tơi, rách nát, bà Lành tãi đống đất ủ dự trữ, rắc vôi bột lên trên để khử khuẩn.

“Đất bị ngập úng, các loại nấm mốc phát triển, nếu không phơi đất, khử khuẩn, diệt nấm mốc… thì không thể trồng được, vì trồng cây non vào nó sẽ bị bệnh mà chết, lại thêm một lần mất mùa. Nghề nông cực nhọc lắm, bây giờ còn gì thì cố gắng dậm lại” – bà Lành cho hay.

Hàng xóm của bà Lành là đôi vợ chồng trẻ Lê Thị Ngân, Nguyễn Văn Trình. Vợ chồng anh chị Ngân Trình mất trắng hơn 1.000 chậu cây phát tài núi đang đến ngày thu hoạch, 5 sào trồng mộc hương, hạnh phúc... tổng thiệt hại lên tới hơn 2 tỷ đồng.

Mấy ngày qua, anh chị phải thuê người đến dọn vườn, cắt bỏ tận gốc những chậu phát tài 2 năm tuổi đã nẫu rữa toàn thân vì ngâm nước lâu để vứt bỏ. “Chúng em giữ lại phần gốc hy vọng nó nảy mầm để còn vớt vát lại. Bây giờ muốn mua giống cũng không có mà mua, nên phải tận dụng” – chị Ngân cho hay.

Nhiều gia đình như chị Phương, chị Ngân… sau lũ, đàn ông khỏe mạnh đi nhổ bỏ cây chết, dọn dẹp khung sắt, lưới che bị gió quật đổ, các chị phụ nữ lọc lại những chậu cây còn sống để lấy giống.

Người dân thất thần nhìn khối tài sản bao năm gầy dựng cuốn theo cơn lũ - Ảnh: C.M
Người dân thất thần nhìn khối tài sản bao năm gầy dựng cuốn theo cơn lũ - Ảnh: C.M

Vựa hoa lớn nhất Văn Giang thiệt hại ngàn tỉ

Ông Lê Văn Tính (thôn 10, xã Xuân Quan) là một trong những hộ nông dân giỏi của xã. Đầu tư bài bản, lập dự án chuyển đổi mô hình trang trại vườn – ao – chuồng từ năm 2005, gia đình ông Tính có 5 sào ao, khu chuồng trại nuôi 200 lợn thịt và 3 sào trồng hoa, cây cảnh.

“Nước lũ tràn vào quá nhanh, trong vòng chưa đầy một giờ đã ngập cao cả mét. Tôi chỉ kịp chạy 500 chậu hoa đồng tiền vào khu chuồng nuôi lợn, vì đây là khu vực cao nhất, thế mà cuối cùng vẫn ngập. Nhà nào cũng lo chạy cây của mình nên không giúp nhau được”, ông nói.

Trỏ tay chỉ khu vực nước mênh mông, trắng xóa, có những chòm cây héo quắt chỉ nhô một chỏm trên mặt nước, ông Tính xót xa: "Nguyên dưới này là hơn 1.000 chậu cây của tôi, không chạy được đang chết úng, phải đợi nước rút hết rồi mới dọn dẹp được. Trận lũ này thiệt hại nặng quá, nhà nào cũng mất trắng, ít vài trăm triệu, nhiều lên tới vài ba tỉ”.

Không riêng ông Tính, các nông hộ như gia đình ông Nguyễn Văn Toàn, Đàm Văn Lụa, Đàm Ngọc Hân, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Văn Khôi… đều thiệt hại nặng nề bởi đều làm kinh tế vườn ao chuồng, quy mô sản xuất lớn.

Tết năm nay dường như sẽ đến chậm đối với vựa hoa lớn nhất ven sông Hồng - Ảnh: C.M
Tết năm nay dường như sẽ đến chậm đối với vựa hoa lớn nhất ven sông Hồng - Ảnh: C.M

Ông Nguyễn Chí Hiểu – giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Xuân Quan thông tin: Vùng trồng hoa, cây cảnh xã Xuân Quan có diện tích 200ha trồng hoa, với khoảng trên 1.000 hộ. Nhiều năm qua, người dân làng nghề sống khỏe nhờ thu nhập ổn định từ cây hoa. Trận lụt chưa từng có trong vài chục năm trở lại đây gây thiệt hại nặng nề cho tất cả các hộ sản xuất.

Chưa có thống kê đầy đủ, thế nhưng, với mức thiệt hại mỗi hộ từ vài trăm cho đến vài tỉ đồng, làng hoa Xuân Quan thiệt hại ước tính lên tới cả ngàn tỉ đồng.

Điều lo ngại nhất sau lũ lụt của làng hoa Xuân Quan, đó là cây giống, đất trồng và… tiền vay vốn ngân hàng.

“Tôi nghĩ phải một vài tháng nữa may ra mới có giống hoa để mua, ổn định lại vườn tược, lúc đó mới có thể tái trồng lại vườn. Hoa là giống ngắn này, nhưng các loại cây khác như hoa hồng, cây phát tài, những cây phong thủy trong nhà, cây văn phòng… phải cả năm sau mới ổn định trở lại.

Không có cây để bán đồng nghĩa với việc nông dân không có tiền để trả nợ ngân hàng. Các nhà vườn nhìn chỉ những loại cây bình dân, phổ thông như thế này, nhưng đầu tư để sản xuất cũng phải vài ba tỉ. Rất nhiều hộ phải vay vốn ngân hàng để sản xuất” – ông Lê Văn Tính lo lắng.

Về làng hoa cây cảnh Xuân Quan những ngày này, đâu đâu cũng ngổn ngang, tan hoang. Những khung cột của các nhà vườn gãy đổ chỏng chơ, chồng đống lên nhau, vì sau lũ, bà con chưa có thời gian dọn dẹp. Những cánh đồng trồng hoa héo rũ, cháy lá chết đứng; những chậu hoa tan tác, ngả nghiêng, những nhà vườn nhổ bỏ hết cây chết chỉ còn lại những hàng chậu toen hoẻn.

Tết năm nay dường như sẽ đến chậm đối với vựa hoa lớn nhất ven sông Hồng!

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI