Người dân mong muốn gì từ việc thu phí vỉa hè?

02/10/2023 - 06:31

PNO - Người dân TPHCM bày tỏ nhiều mong muốn trước khi chủ trương thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường chính thức thực thi từ ngày 1/1/2024.

Nên thí điểm trước ở một số tuyến đường

Cửa tiệm kinh doanh tạp hóa của bà Trần Thanh Hồng (đường Đồng Đen, quận Tân Bình, TPHCM) - đã ra đời từ 20 năm nay. Tiệm tiếp giáp với vỉa hè nên bà đã trưng dụng một phần vỉa hè để bày hàng hóa.

“Theo tôi, việc thu phí vỉa hè là bài toán khó cần học kinh nghiệm ở các nước bạn. Tôi ủng hộ việc thu phí, tuy nhiên phải lấy nguồn thu đó để sửa chữa, đầu tư cho những tuyến được tổ chức thu phí. Nên xem xét, thí điểm ở một số tuyến trước khi triển khai để tránh xảy ra những rắc rối không mong muốn” - bà Hồng nói. 

Bà Nguyễn Thị Mai Thu (quận 5) cho rằng, thu phí vỉa hè sẽ góp phần lập lại trật tự hè phố. Nhưng khi triển khai cần giải quyết thỏa đáng cho các bên liên quan như chủ nhà, người thuê.

Đồng tình với ý kiến của bà Mai Thu, anh Trần Văn Quý - chủ tiệm vàng X.K. (quận 5) - nói: “Đã đến lúc chúng ta kiên quyết áp dụng quy định này. Bấy lâu nay, nhiều vỉa hè bị lấn chiếm hết diện tích, gây khó khăn cho người đi bộ, nhiều khu vực buôn bán lộn xộn gây mất mỹ quan. Nên tổ chức thu phí vỉa hè để lập lại trật tự đô thị, làm mới bộ mặt thành phố. Cá nhân, tổ chức nào không hợp tác, lấn chiếm vỉa hè thì xử lý nghiêm theo quy định”.

Chị Trần Thanh Thúy (quận Tân Bình) cho biết, chị bán cá viên chiên trước công viên Lê Thị Riêng đã 6 năm nay. Mỗi ngày, khi dọn hàng ra chị đều lo bị trật tự đô thị “hốt” mất. “Tôi biết, việc chiếm dụng vỉa hè là sai quy định, nhưng vì kiếm sống nên phải làm. Cho nên tôi rất đồng tình chuyện thu phí vỉa hè. Bỏ ra một chút phí để yên tâm buôn bán cũng tốt mà” - chị Thúy bày tỏ. 

Vỉa hè đường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM bị lấn chiếm làm nơi buôn bán, không còn lối đi cho người đi bộ - ẢNH: THIÊN ÂN
Vỉa hè bị lấn chiếm để buôn bán trên đường Trần Nhân Tôn, quận 5, TPHCM - ẢNH: TÚ NGÂN 

Thu phí phải thuận tiện và minh bạch 

Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cho rằng: “Việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cần tránh mâu thuẫn giữa các bên liên quan. Quan trọng nhất trong việc xây dựng phương án là phải đảm bảo sự đồng thuận của người dân.

Vì vậy, khi triển khai, để tránh phát sinh mâu thuẫn giữa người dân và người khai thác, sở sẽ hướng dẫn các quận, huyện khi xây dựng phương án, nhất là về kinh doanh buôn bán, phải có cam kết của người sử dụng vỉa hè và trách nhiệm của các bên liên quan như quận, huyện, phường, xã trong quá trình triển khai, giám sát”. 

Ông Ngô Hải Đường thông tin, Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ chủ trì xây dựng công cụ, phần mềm quản lý và công khai việc cấp phép sử dụng tạm thời lòng, lề đường trên toàn thành phố. Người dân có thể vào để kiểm tra thông tin các vị trí, phương án sử dụng, mức phí và phản ánh đến cơ quan quản lý những thông tin liên quan.

Thu phí phải đảm bảo thuận tiện và minh bạch, không phát sinh tăng nhân sự. Việc thu phí cũng thông qua nền tảng công nghệ, hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt. 

Vỉa hè bị lấn chiếm để buôn bán trên đường Trần Nhân Tôn, quận 5, TPHCM - ẢNH: TÚ NGÂN

Vỉa hè đường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM bị lấn chiếm làm nơi buôn bán, không còn lối đi cho người đi bộ - ẢNH: THIÊN ÂN

Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch đô thị - nhìn nhận: “Thu phí vỉa hè sẽ trả lại không gian cảnh quan, trật tự vỉa hè, đảm bảo giá trị sử dụng của không gian đường phố đạt hiệu quả cao, nhưng cần có cách tiếp cận khoa học và cơ bản hơn. Mục tiêu chính của thu phí vỉa hè, lòng đường không phải nhằm mục đích tăng thu ngân sách mà thông qua việc thu phí này để chỉnh trang lại đường phố”.

Theo ông, việc cho thuê vỉa hè, lòng đường phải đặt lợi ích chung lên trên hết. Không phải tuyến đường nào cũng cho thuê mà phải theo quy hoạch chung của thành phố. Những tuyến đường cho thuê đều phải công khai, minh bạch thu chi và dùng kinh phí đó để nâng cấp cho các tuyến đường, khu phố đó, làm cho người dân thấy được lợi ích của việc thu phí.

Thành lập một chính sách ưu tiên theo thứ tự. Người được ưu tiên đầu tiên thuê vỉa hè sẽ là chủ của lô đất giáp mặt tiền. Kế đến là những người sống trong khu phố đó. Cuối cùng có thể cho những người ở nơi khác đến, nhưng ưu tiên cho những hoạt động phù hợp với khu vực đó.

Ông Ngô Viết Nam Sơn nói thêm, về lề đường, vỉa hè, nếu cho thuê đất thì phải chừa không gian đủ cho người đi bộ, nếu còn không gian phù hợp thì mới cho thuê. Đặc biệt, phải đảm bảo an toàn cho cả người đi bộ, người sử dụng không gian cho thuê. Cần có lộ trình và triển khai một cách bài bản, công khai, minh bạch. 

Tú Ngân

Các trường hợp áp dụng thu phí lòng đường, vỉa hè 

Từ ngày 1/1/2024 các tổ chức, cá nhân phải nộp phí khi được phép sử dụng tạm thời lòng đường trong việc:

(1) Tổ chức các hoạt động văn hóa; điểm trông giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa (trừ các hoạt động theo kế hoạch của thành phố và các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước); (2) Làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; (3) Bố trí điểm trông giữ xe có thu tiền.

Các tổ chức, cá nhân phải nộp phí khi được phép sử dụng tạm thời hè phố trong việc:

(1) Tổ chức các hoạt động văn hóa, điểm trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa (trừ các hoạt động theo kế hoạch của thành phố và các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước); (2) Làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; (3) Làm điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền; (3) Lắp đặt các công trình tạm trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; (4) Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; (5) Bố trí điểm trông giữ xe có thu tiền.

Mức phí được chia theo 2 nhóm: hoạt động trông giữ xe có mức phí từ 50.000-350.000 đồng/m2/tháng tùy khu vực; các hoạt động khác từ 20.000-100.000 đồng/m2/tháng tùy khu vực. 

Kinh nghiệm từ các nước

Quảng trường thời đại New York (Mỹ) là khu vực sầm uất, nhộn nhịp với nét đặc trưng hàng quán ven đường, xe đẩy... thúc đẩy phát triển kinh tế vỉa hè. 

Theo quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải nộp 50 USD để có được giấy phép hoạt động. Họ đã đưa ra các chính sách, quy hoạch khu vực bán hàng rong trên 130 tuyến phố để không chỉ giải quyết hợp lý việc kinh doanh vỉa hè, mà còn thu về một nguồn lợi lớn cho ngân sách.

Ở thành phố Seoul (Hàn Quốc) nguồn thu từ kinh tế vỉa hè cũng được quy hoạch rất bài bản. Tại các khu phố có quy hoạch bán hàng trên vỉa hè sẽ được chặn xe để dành riêng cho người đi bộ. Tại đây, những quầy bán đồ ăn, quà lưu niệm được đặt xen kẽ với làn đường dành cho khách đi bộ.

Du khách đến Hàn Quốc rất thích thú khi được trải nghiệm cảm giác dạo quanh các khu buôn bán vỉa hè này để mua sắm, ăn uống những món đặc sản với giá cả phải chăng.

Tránh xung đột quyền lợi các bên

Anh Đ.V.L. (quận Tân Phú) cho rằng thành phố cần tính toán để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên. Hiện tại để có được 1 địa điểm kinh doanh trên vỉa hè, người kinh doanh nhỏ đã phải thỏa thuận và chịu một mức phí thuê lại phần lề đường, vỉa hè với các chủ nhà mặt phố.

Nếu thành phố có quy định rõ ràng thì người dân sẽ được hưởng lợi. Anh L. cũng cho hay, anh đang tìm thêm điểm để bán cà phê mang đi và đã tìm được chỗ thuê tại đường Tân Quý, quận Tân Phú. Chủ nhà cho anh thuê lại phần vỉa hè trước nhà với mức thuê là 1,5 triệu đồng/tháng. 

Còn chị N.L.H.V. (quận Phú Nhuận) - băn khoăn: “Nhà nước có chủ trương thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố có đồng nghĩa với việc những trường hợp đang lấn chiếm hè phố sẽ được xem là hợp pháp? Tôi nghĩ, thành phố cần phải tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông”. 

Thiên Ân

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI