PNO - Chưa khắc phục xong hậu quả của trận bão số 5, người dân nhiều tỉnh miền Trung lại phải chống chọi với lụt. Một số địa phương đã tính đến phương án di dời dân đến những vùng cao.
Loay hoay thu dọn quán sửa xe máy ở chân cầu Thanh Phước (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), ông Lê Tuấn lộ vẻ buồn rầu, mệt mỏi. Suốt từ đêm qua đến nay, nước từ cánh đồng sát lò gạch cũ ở thôn Thủy Tú theo sông Bồ phủ ngập cả quán sửa xe. Ông Tuấn nói, ở đây, năm nào cũng có lụt, bà con thấy lụt là ngán hết sức. Nhà nào có gà, heo là trôi hết. Năm ngoái, ông Tuấn nuôi 300 con gà giống, chuẩn bị cho trứng để bán, bỗng nước lụt tràn về lúc nửa đêm, cuốn phăng cả lồng và gà ra thẳng sông Hương.
Mưa lũ làm đảo lộn cuộc sống của người dân thôn Thủy Tú, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Thuận Hóa
Dẫn tôi đến một cái tủ to chất đầy bàn ghế cạnh chỗ để lốp xe, ông Tuấn lấy ra một cuốn sổ nhỏ bọc trong bao ni-lông ghi ngày chạy lụt: “Ngày 25 tháng 10 âm lịch năm 2017, nước lụt cuốn giường, chiếu, xe đạp điện. Ngày 27/11/2019, nước lụt cuốn trôi chuồng gà, làm thối 2 tạ gạo”. Ông Tuấn nhẩm tính: “Vị chi là hai năm ni (nay), lụt không to, mà mình mất nhiều quá. Riêng mình bị thiệt hại cả trăm triệu chứ ít mô (đâu) chú. Dân Quảng Thành, Hương Vinh thấy lụt là ngao ngán hết sức. Biết rứa (vậy) mà không thể tránh được “ông trời”. Mình ở vùng thấp trũng nên đành chịu thôi”.
Cũng giống như ông Tuấn, khi nghe lụt về, ông Lê Văn Sơn - ở thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh - buồn lo đủ chuyện, dù gia đình nào sống trong rốn lũ cũng đều có phương án ứng phó linh hoạt. Ông Sơn giải thích: “Hồi trước, nước lụt đổ về đây rất nhanh, bây giờ về chậm nhưng lâu rút. Lúc trước, hơn 400 hộ dân ở thôn Thủy Tú, Thanh Phước mỗi lần nghe lụt là khiếp vía, bỏ cả nhà cửa rồi dùng đò, ghe chạy dọc sông Hương để lên Huế tránh lụt, giờ thì ổn rồi, chỉ sợ bão thôi”.
Trong ngày 8/10, khi đang tác nghiệp ở tiệm sửa xe của ông Tuấn, chúng tôi chứng kiến cảnh gia đình ông T.V.T. - 76 tuổi, ở thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà - phải gánh thi thể của ông vượt lũ khi xe cấp cứu đưa thi thể ông từ Bệnh viện Trung ương Huế về đến ngã ba cầu Thanh Phước (nối liền hai xã Hương Vinh và Hương Phong).
Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị giúp dân ứng phó với lũ lụt (ảnh do Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị cung cấp)
Biển nước bủa vây tứ phía
Trong ngày 8/10, ở các huyện Trà My, Tây Giang, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam); huyện Khe Sanh, Đakrông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị); huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình); huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) nước ngập lênh láng.
Không bị ngập như ở vùng đồng bằng, nhưng mưa lớn đã gây sạt lở nặng tại huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, người dân phải rời nhà, dời đến nơi an toàn.
Theo ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trà My - có 14 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở đã được di dời đến nơi an toàn. “UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã Trà Vân, Trà Nam, Trà Mai huy động lực lượng xung kích tháo dỡ, di dời các nhà có nguy cơ sạt lở, đồng thời vận động người dân vận chuyển tài sản và người đến nơi an toàn” - ông Hải thông tin thêm.
Ông Trương Xuân Tý - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam - cho biết, các đập thủy điện và hồ chứa của tỉnh chưa vận hành xả lũ do mực nước sông ở dưới mức báo động. Tuy nhiên, với tình hình mưa lớn liên tục như hiện giờ, người dân cần chủ động để tránh thiệt hại về người và tài sản.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - cho biết, do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến bảy xã với hơn 1.700 nhà dân bị ngập nước và một số tuyến đường bị nước chia cắt. Ông Hà Xuân Minh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc - cho hay, mưa lớn liên tục trong hai ngày đã khiến hàng trăm hộ dân trong xã bị ngập nước. Toàn xã có khoảng 1.920 hộ dân thì có đến 40% số nhà bị ngập.
Trước đó, tối 7/10, mực nước trên sông Vàng bất ngờ dâng cao khiến hàng trăm hộ dân ở xã Đại Hưng không kịp trở tay, nhiều nhà ngập sâu trong nước. Ông Trần Đắc Chí - ở thôn 2, xã Đại Hưng - cho biết, đến chiều 8/10, nước vẫn còn rất lớn, rút chậm. Nếu mưa tiếp tục lớn như hai ngày nay, sẽ còn ngập sâu hơn nữa.
Theo ông Phan Văn Tôn - Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng - tính đến chiều 8/10, đã có 8/11 xã của huyện có thôn bị ngập lụt. Hầu hết khu vực ngập là vùng trũng thấp, ven sông. Mưa lớn cũng gây sạt lở tuyến đường ADB5 tại thôn Trường Định, xã Hòa Liên và thôn An Định, xã Hòa Bắc, đường ĐT601 tại thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên.
Từ ngày 7/10, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đến kiểm tra, làm việc tại TP. Đà Nẵng. Ông Hồ Kỳ Minh - Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện tiếp tục triển khai các phương án phòng, chống áp thấp và mưa lớn, đặc biệt lưu ý các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê…
Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị giúp dân ứng phó với lũ lụt (ảnh do Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị cung cấp)
Bộ đội biên phòng ra quân
Suốt cả đêm 7 và ngày 8/10, hàng ngàn chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) ở các tỉnh miền Trung đã đội mưa, dầm mình trong nước lụt để giúp dân đưa người và tài sản đến nơi an toàn. Đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị - nói: “Mùa lụt, bão là mùa mà người lính biên phòng thể hiện tinh thần trách nhiệm với nhân dân”.
Hiện ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nhiều đập tràn tuyến đường Lìa và các tuyến đường liên thôn bị nước chia cắt. Lực lượng BĐBP phải triển khai các tổ chốt chặn, không cho người dân và phương tiện qua lại các điểm ngập sâu. Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã huy động 40 cán bộ, chiến sĩ cùng chính quyền địa phương vận động sơ tán, di dời tổng cộng 882 hộ với 3.570 nhân khẩu của thị trấn Lao Bảo và xã Tân Thành.
Có mặt tại thị trấn giáp Lào này, chúng tôi chứng kiến nhiều ngôi nhà bị ngập nước gần đến nóc, mọi di chuyển đều bằng thuyền. Tại thị trấn Lao Bảo, đã có khoảng 400 nhà dân bị nước nhấn chìm. Sáng 8/10, hàng chục chiến sĩ của Đồn biên phòng Thuận và Đồn biên phòng Hướng Phùng vác cuốc, xẻng đi dọc tuyến đường ở vùng Lìa và đường Hồ Chí Minh nhánh tây để cào lớp bùn dày nửa mét.
Ngay trong ngày 10/8, BĐBP cũng đã đưa hàng ngàn thùng mì gói và nhu yếu phẩm đến cho bà con ở các bản làng hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đang mắc kẹt trong lũ lụt.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.