Đầu năm họp mặt, anh em, bạn bè vốn là nông dân rặt, hớn hở kể chuyện thanh long, sầu riêng, cả khoai lang Nhật… đều bán được giá. Càng phấn khởi hơn khi nghe trái cây được xuất bán chính ngạch theo những bản hợp đồng mua bán chặt chẽ.
|
Cầu Rạch Miễu ngày càng quá tải - Ảnh: Hữu Hiệp |
Rất mừng cho những “Phó thường dân Nam bộ”, như họ tự xưng trong lúc trà dư tửu hậu. Nhưng chuyện họ chưa hài lòng cũng còn nhiều, nhất là chuyện trắc trở đường sá để vận chuyển sản phẩm, để con cái học hành, làm việc, đi lại thăm viếng gia đình.
Miền Tây Nam bộ vốn được phù sa của nhiều con sông bồi lắp mà hình thành, với hệ thống sông ngòi, kênh rạch bao phủ khắp nơi. Xưa kia đường thủy là mạng lưới giao thông chủ yếu cho cư dân vùng đất này. Với địa hình đặc trưng đó bao nhiêu năm nay chuyện xây dựng cầu đường ở đây bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn hơn cũng vùng đất khác.
Về mặt thiên nhiên, nguyên nhân do nền đất yếu, phải tốn nhiều chi phí để xử lý lún sụt, cần nhiều vật liệu để bồi đắp nâng cao nền móng; cũng còn phải bắc rất nhiều cầu vượt sông, vượt kênh. Về mặt kinh tế xã hội, do đất đai trù phú, người dân có tập quán cư trú phân tán, gây khó khăn trong việc đền bù để giải phóng mặt bằng. Hiện trạng giao thông vì thế chưa phát huy được tiềm năng phát triển.
Chi phí vận chuyển để đưa sản phẩm đến được thị trường chiếm phần đáng kể trong giá thành, khiến cho nông dân dù có thu nhập khá hơn nhưng chưa thể vươn lên giàu có. Chưa nói đến điều kiện cho con cái của họ học hành đến nơi đến chốn, phát triển sự nghiệp như mong muốn. Những thanh niên nam nữ ở nông thôn muốn tìm cơ hội thu thập kiến thức, kỹ năng phải đi học xa đã đành, ngay cả những lao động dồi dào sức khỏe cũng tìm đến những nơi xa quê để bán mồ hôi kiếm sống. Xa nhà, họ phải sống trong những khu nhà trọ chật chội, tạm bợ để rồi khi có chút tiền về thăm quê trong dịp nghỉ lễ, nghỉ tết lại phải nhọc nhằn trên những chuyến xe bị ùn ứ do kẹt cầu, kẹt đường.
Phát triển mạng lưới giao thông miền Tây Nam bộ vì vậy "sẽ giúp vận chuyển hàng hóa, con người, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, nông sản, giúp người nông dân thoát nghèo và làm giàu; mở ra không gian phát triển mới, các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ; tạo công ăn việc làm để người dân được học tập, làm việc theo tinh thần "ly nông bất ly hương"" (trích Báo điện tử chính phủ).
Trong cuộc họp ngày 30/1/2023 tại Cần Thơ, sau khi đi kiểm tra một số công trình trọng điểm trong khu vực Tây Nam bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu: “Làm bằng được 544km cao tốc, quyết tâm thay đổi hệ thống giao thông đồng bằng sông Cửu Long trong nhiệm kỳ này”.
Người đứng đầu chính phủ đã quyết liệt, chỉ đạo rõ ràng, dứt khoát. Vấn đề còn lại là của các đơn vị thực thi.
Nguyễn Huỳnh Đạt