Người dân luôn nghi ngờ "có gì đó" phía sau dự án liên quan tới đầu tư công

28/05/2020 - 20:27

PNO - Nói về tính minh bạch của các dự án có liên quan tới đầu tư công, ĐBQH Bùi Văn Phương cho rằng, người dân nghi ngờ "có gì đó” phía sau.

 

ĐBQH Bùi Văn Phương cho rằng, ngại kiểm toán dự án PPP là không bình thường
ĐBQH Bùi Văn Phương cho rằng, ngại kiểm toán dự án PPP là không bình thường

Ngại kiểm toán dự án PPP là không bình thường

Ngày 28/5, Quốc hội khóa XIV thảo luận về một số ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, việc có nên kiểm toán toàn phần dự án PPP hay không nhận được nhiều ý kiến trái chiều của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Quan niệm dự án PPP là đầu tư công, ĐBQH Bùi Văn Phương (tỉnh Ninh Bình) kiến nghị phải tuân thủ việc thực hiện kiểm toán Nhà nước theo đúng quy định của Luật Kiểm toán. Cụ thể, cần kiểm toán tính tuân thủ, giá trị công trình và tính hiệu lực, hiệu quả kinh tế của dự án.

“Tôi cho rằng, nhà đầu tư không muốn kiểm toán, ngại kiểm toán là điều không bình thường! Nhà nước đã kêu gọi hợp tác công tư thì phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên: Nhà nước - người dân - nhà đầu tư, không bao giờ để nhà đầu tư chịu thua thiệt. Một khi đã làm đúng và tuân thủ đúng pháp luật thì không có việc gì phải ngại kiểm toán, thanh tra, kiểm tra”, đại biểu Phương nói.

Gần đây đây Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Nhà nước bù tiền cho một số dự án, trong đó có dự án ở đường tránh phía Tây thành phố Thanh Hóa nhưng lại đặt trạm thu phí ở trên Quốc lộ 1, đoạn thuộc xã Bỉm Sơn.

“Người dân phản ứng gay gắt việc này. Nếu kiểm toán thực hiện nghiêm túc thì sẽ không thể có chuyện làm đường một nơi và đặt trạm một nơi như thế!” - đại biểu Phương dẫn chứng.

Theo ĐBQH Bùi Văn Phương, việc thực hiện các dự án PPP hiện nay không tuân thủ đầy đủ tính công khai, minh bạch dẫn tới việc người dân luôn nghi ngờ “là có gì đó ở phía đằng sau”.

ĐBQH thẳng thắn: “Thực tế rõ ràng là có gì đó phía sau rồi, một loạt cán bộ chúng ta cũng đã bị xử lý ở một số dự án. Đó là những bài học rất đau xót trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư có liên quan đến đầu tư công”.

Đồng quan điểm với ĐBQH Bùi Văn Phương, ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (tỉnh Nghệ An) cũng cho rằng, bản chất của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư là hoạt động đầu tư của Nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư, huy động vốn tư nhân đầu tư công trình công.

Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư, thay vào đó cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai dự án được thu phí về mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất.

“Nếu không kiểm toán chi phí đầu tư, phương án tài chính của dự án công thì không thể xác định được mức thu, thời gian thu phí và cũng không thể xác định được chính xác giá đất được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư. Vì vậy, tôi đề nghị phải bổ sung kiểm toán toàn diện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP”.

Chỉ nên kiểm toán phần vốn và tài sản Nhà nước?

Mặc dù ủng hộ vai trò kiểm toán trong dự luật, nhưng ĐBQH Đỗ Văn Sinh (tỉnh Quảng Trị) đề xuất, do các dự án này có nhiều cấu phần khác nhau, trong đó có những cấu phần thuộc Nhà nước, cấu phần thuộc nhà đầu tư nên chỉ kiểm toán cấu phần nhất định.

“Từ quá trình triển khai tới khi vận hành có cả vốn Nhà nước, tư nhân. Chỉ khi nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước sau quá trình vận hành mới là đầu tư công” - đại biểu lý giải.

Tương tự, ĐBQH Phạm Văn Hoà (tỉnh Đồng Tháp) lưu ý cần đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, chỉ kiểm toán vốn, tài sản Nhà nước tham gia các dự án PPP. Theo đại biểu Hòa, nếu phát hiện vốn, tài sản Nhà nước tham gia dự án sử dụng sai mục đích, không đúng đối tượng, có khả năng thất thoát, kiểm toán Nhà nước mới đề nghị chủ đầu tư giải trình cụ thể và có thể kiểm toán toàn bộ dự án khi phát hiện sai phạm.

“Tuy nhiên, cũng không được lạm dụng kiểm toán để gây khó khăn hoạt động cho nhà đầu tư” - đại biểu Phạm Văn Hoà nói.

Trước hai luồng ý kiến về việc có kiểm toán toàn phần dự án PPP hay không, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: “Dự án PPP là một dự án có mục tiêu công có nguồn đầu tư của cả tư nhân nên nó không hẳn là một dự án đầu tư công như chúng ta hiểu”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hoàn toàn thống nhất là cần phải có Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách Nhà nước; còn lại phía tư nhân có quyền thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán phần hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo bình đẳng giữa hai bên.

“Một bên là Nhà nước có thể kiểm toán phần của Nhà nước, tư nhân có thể thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán phần còn lại” - ông Dũng nói.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI