Người dân lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm

08/12/2014 - 08:45

PNO - PNO - Bằng cảm quan, kinh nghiệm thì người tiêu dùng lẫn cán bộ kiểm tra đều không thể lựa chọn được thực phẩm an toàn.

Ngày 7/12, HĐND TP.HCM và Đài Truyền hình TP tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 12/2014 với chủ đề “Nhìn lại công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm tại TP.HCM”.

Tại chương trình, nhiều ý kiến của cử tri cho rằng, trong ba năm qua, TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề VSATTP vẫn khiến người dân bức xúc, bà con lo lắng và mong muốn cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh những cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng, đặc biệt, Tết Nguyên đán đang đến gần.

Cử tri ở Q.Tân Bình băn khoăn: “Điều quan tâm nhất của chúng tôi hiện nay là vấn đề ATVSTP, chúng tôi thật sự lo lắng vì không biết nên ăn gì, uống gì, mua hàng ở đâu để được an toàn, vì ngay tại một số siêu thị lớn cũng xảy ra rất nhiều vụ việc liên quan đến chất lượng, ATVSTP”. Cử tri Q.Thủ Đức phản ánh, tại các chợ truyền thống, thực phẩm, gia súc gia cầm bày bán tràn lan mà không được kiểm dịch, nhiều thực phẩm có hóa chất và phụ gia ảnh hưởng sức khỏe của người dùng. Các ngành chức năng nỗ lực nhiều, nhưng vẫn chưa giảm được tình trạng này. Theo các cử tri này, cần phải xử lý thật mạnh sản phẩm hàng hóa không đạt chất lượng để người dân an tâm.

Chia sẻ với sự lo lắng của người dân, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM cho biết: “Bằng cảm quan, kinh nghiệm thì người tiêu dùng, lẫn cán bộ kiểm tra đều không thể lựa chọn được thực phẩm an toàn. Chỉ có lấy mẫu xét nghiệm rồi diệt tận gốc thì sản phẩm không an toàn mới không có mặt tại thị trường. Trong năm 2014, toàn TP tiến hành lấy hơn 19.000 mẫu giám sát, tăng 10% so với năm 2013, trong đó mẫu không đạt 13,88%. Riêng phụ gia thực phẩm có 164 cơ sở sản xuất kinh doanh, tiến hành kiểm tra 150 cơ sở, trong đó 19 cơ sở không đạt. Chúng tôi lấy 93 mẫu thực phẩm có liên quan đến sử dụng phụ gia, trong đó 13 mẫu không đạt, sử dụng formol, hàn the, chủ yếu chả lụa”. Theo ông Hòa, đối với những mẫu không đạt, Chi cục tham mưu với ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP, ra văn bản chỉ đạo sở ngành liên quan, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chấn chỉnh ngay các cơ sở thì sản phẩm không đạt ATVSTP mới không ra thị trường.

Ông Nguyễn Trung Bính, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: Hàng năm, Chi cục phối hợp kiểm tra liên ngành bình quân trên 15.000 vụ, trong đó, ATVSTP chiếm 40% số vụ việc. Trong 11 tháng qua, Chi cục phát hiện 7.000 vụ vi phạm ATVSTP, tiêu hủy trên 700 tấn hàng hóa.

Một số đại biểu cho rằng, đạo đức người kinh doanh rất quan trọng, để vấn đề ATVSTP được tốt hơn, phải nâng cao công tác tuyên truyền đạo đức kinh doanh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên kiên quyết không sử dụng sản phẩm có ngâm tẩy hóa chất. Tại chương trình, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đưa ra một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh nâng cao ý thức người tiêu dùng. Liên quan đến vấn đề sản xuất thực phẩm, ông Hưng cho biết phải cải thiện điều kiện, nuôi trồng, sơ chế, chế biến kinh doanh. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở ban ngành, tỉnh lân cận trong quản lý từ trang trại đến bàn ăn; thiết lập hệ thống giám sát phòng ngừa, cảnh báo các bệnh liên quan đến thực phẩm…

QUỲNH MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI