Người dân “làng khoa bảng” nói gì về tên làng khi sáp nhập?

16/04/2024 - 11:07

PNO - Được biết đến là cái nôi hiếu học ở Nghệ An, bởi thế khi phải thay đổi tên làng khi sáp nhập xã đều khiến người dân xã Quỳnh Đôi tỏ ra nuối tiếc.

Xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) rộng 4,15km2, dân số chỉ hơn 5.500 người, có lịch sử hơn 600 năm. Từ xa xưa, Quỳnh Đôi đã nổi danh với tên gọi “làng khoa bảng”, được dân gian truyền tụng: “Bắc Hà - Hành Thiện, Hoan Diễn - Quỳnh Đôi” để nói đến 2 ngôi làng nổi tiếng ở miền Bắc và miền Trung về truyền thống hiếu học, là đất “địa linh nhân kiệt” nơi sinh ra nhiều danh nhân.

Tượng nữ sỹ Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm được đặt tại khuôn viên một di tích ở Quỳnh Đôi - Ảnh: Phan Ngọc
Tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm được đặt tại khuôn viên một di tích ở Quỳnh Đôi - Ảnh: Phan Ngọc

Theo thống kê, từ năm 1378 đến năm 1918, Quỳnh Đôi có đến 734 người đậu tú tài và cử nhân. Trong đó có 88 người thi Hội trúng Tam trường, 4 người đỗ Phó bảng, 7 người đỗ Tiến sĩ, 2 người đỗ Hoàng giáp, 1 người đỗ Thám hoa.

Tiêu biểu trong đó là Hoàng giáp - thượng thư Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích; ông Hồ Sỹ Dương đậu giải nguyên Đông các; nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm thế kỷ XVIII với những đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam và thế giới, là Danh nhân Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận.

Từ năm 1945 đến nay, Quỳnh Đôi đã có trên 1.000 người tốt nghiệp đại học và trên đại học, có trên 300 người đang theo học và giảng dạy tại hàng chục trường đại học trên khắp cả nước.

Cồng làng được trang trí cá vượt vũ môn để phục vụ tour du lịch “Làng cá gỗ - Sau ánh hào quang” - Ảnh: Phan Ngọc
Cổng làng được trang trí "cá vượt vũ môn" để phục vụ tour du lịch “Làng cá gỗ - Sau ánh hào quang” - Ảnh: Phan Ngọc

Mảnh đất này hiện có đến 8 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cùng nhiều di tích cấp tỉnh, các nhà bia tưởng niệm dọc quanh đường làng. Gần đây, Quỳnh Đôi còn được nhiều người biết đến khi ra mắt tour du lịch “Làng cá gỗ - Sau ánh hào quang”.

Chính những điểm nhấn độc đáo này đã tạo nên một làn sóng rất lớn khi Quỳnh Đôi được đổi tên thành Đôi Hậu sau khi sáp nhập với xã Quỳnh Hậu. Ông Hồ Sỹ Minh (64 tuổi, trú xã Quỳnh Đôi) nói rằng, người dân trong xã cũng chỉ biết đến tên xã được đổi thành Đôi Hậu khi có thông tin trên mạng xã hội. Phần lớn người dân đều thấy cái tên này không hay, không có điểm nhấn, khó để lại ấn tượng.

Ông Hồ Bá Thiện (63 tuổi, trú xã Quỳnh Đôi) cho biết, đây cũng là chủ đề người dân xã này bàn tán nhiều nhất những ngày qua. Theo ông, Quỳnh Đôi là làng văn minh, con người hiếu học nên nếu phải đặt một cái tên mới khi sáp nhập xã cũng cần lấy một cái tên cho ý nghĩa, văn minh.

Ông Thiện mong muốn có thể lấy tên những nhân vật nổi tiếng ở làng Quỳnh để đặt tên khi sáp nhập - Ảnh: Phan Ngọc
Ông Thiện mong muốn có thể lấy tên những nhân vật nổi tiếng ở làng Quỳnh để đặt tên khi sáp nhập - Ảnh: Phan Ngọc

“Nếu đổi tên làng thì thực sự rất đáng tiếc, sợ là mai một đi cái tiếng vùng đất hiếu học của cha ông ngày xưa. Hậu là cuối, lại còn bị chia đôi nên tôi thấy nó không hay. Nếu phải đặt tên mới sao không lấy tên Hồ Xuân Hương, hay Hồ Tùng Mậu đặt đi, nhắc đến những cái tên này nhiều người sẽ biết đến hơn” - ông Thiện nói.

Ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu - cho biết, huyện từng đưa ra phương án giữ tên Quỳnh Đôi khi sáp nhập song xã Quỳnh Hậu không đồng ý do diện tích lớn, đông dân hơn. Tháng 5 tới, 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu tổ chức cho người dân bỏ phiếu sau khi huyện chọn 1 tên phù hợp đơn vị hành chính mới.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI