Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Không chỉ tôi mà có lẽ nhiều cử tri của TPHCM đều phấn khởi.
Thế nhưng, tôi cũng nhận thấy HĐND TPHCM nói chung, từng đại biểu dân cử và các ban chuyên trách của cơ quan đại biểu nhân dân nói riêng sẽ phải thể hiện rõ hơn vai trò, chức trách của mình.
|
Nhiều giải pháp cải cách hành chính, xây dựng đô thị thông minh được TPHCM áp dụng, giúp người dân tiếp nhận và phản ánh thông tin nhanh hơn, không cần phải qua nhiều cấp trung gian - Ảnh: T.D. |
TPHCM là một đô thị đặc biệt, có những vấn đề lớn, cấp bách cần giải quyết như công tác quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức chính quyền đô thị TPHCM mang đến hy vọng sẽ rút ngắn được quy trình, thời gian triển khai thực hiện các dự án, các quyết sách.
Trong nhiều năm qua, UBND TPHCM đã ban hành, triển khai và áp dụng hàng loạt giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành nhằm nâng chất lượng phục vụ người dân, đặc biệt là trong thủ tục hành chính với nhiều đề án liên quan như đô thị thông minh, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường tiếp nhận ý kiến và đối thoại với nhân dân, nâng cao vai trò phản biện của mặt trận tổ quốc các cấp...
Điều này góp phần tạo sự chín muồi để không tổ chức HĐND cấp quận, phường, vẫn tạo đà cho sự vận hành thành công chính quyền đô thị.
Do đó, việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường không làm suy giảm quyền làm chủ, giám sát, phản biện, góp ý, được nghe, được biết, được tham gia của người dân. Ngược lại, quyền lợi và ý kiến phản ánh của người dân nhanh chóng được tiếp thu, giải quyết.
Vấn đề đặt ra là vai trò giám sát, phản biện, tính đại diện của đại biểu dân cử, của HĐND TPHCM cùng các ban chuyên trách phải rõ nét, nổi bật, hiệu quả. Điều này đòi hỏi từng đại biểu trong hội đồng, từng ban của hội đồng phải hoạt động tích cực hơn.
Để làm được điều đó, mỗi đại biểu HĐND không chỉ tự trau dồi kiến thức, năng lực chuyên môn mà cần xây dựng kênh thông tin trên Facebook, Zalo để sẵn sàng tiếp nhận góp ý và có sự tương tác với người dân.
Việc ghi nhận và phản hồi nhanh ý kiến của người dân sẽ giúp đại biểu không đợi đến các phiên tiếp xúc cử tri mà tùy trường hợp, có thể nhanh chóng lập đoàn đi giám sát hoặc chuyển ý kiến của người dân đến cơ quan liên quan và đốc thúc việc giải quyết cho người dân. Các ban chuyên trách của hội đồng cũng vậy.
Có như vậy, người dân mới cảm nhận sự sâu sát, gần gũi và thấy được trách nhiệm, hình ảnh của người đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của mình.
Nguyễn Văn Ba
(Quận Bình Tân, TPHCM)