Người dân khốn đốn vì đường vào chăm sóc hàng trăm hecta cà phê bị chặn lối

24/06/2018 - 09:21

PNO - Nhiều hộ dân bức xúc bởi quá trình quy hoạch, triển khai dự án Trung tâm thương mại và khu dân cư Thái Bình đã khiến những con đường mòn dẫn vào hàng trăm hecta rẫy cà phê đang dần bị chặn.

Vào cuối năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu Trung tâm thương mại và dân cư Thái Bình (xã Ea Yông (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) với tổng diện tích 21,14ha do công ty Thái Bình Dương làm chủ đầu tư. Dự án nhằm tạo động lực phát triển, đảm bảo cấu trúc chiến lược phát triển chung của toàn đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững…

Tuy nhiên, quá trình quy hoạch, xây dựng dự án nói trên đã khiến hàng chục hộ dân tại xã Ea Yông đứng ngồi không yên bởi những con đường mòn phục vụ sản xuất nông nghiệp từ Quốc lộ 26, chạy qua đất dự án dẫn vào hàng trăm hecta đất rẫy của người dân đang dần bị chặn lại.

Nguoi dan khon don vi duong vao cham soc hang tram hecta ca phe bi chan loi
Những con đường mòn vào rẫy bị chặn lại bởi các công trình xây dựng trong dự án.

Theo phản ánh của người dân, những con đường mòn này có từ khoảng năm 1978 giúp cho người dân đi vào khu vực rẫy cà phê liên kết sản xuất một cách thuận lợi.

Ông Hồ Đình Cơ (ngụ thôn 19/5, xã Ea Yông, trước đây là Đội trưởng đội Buôn Jung 2 thuộc Công ty cà phê Phước An) chỉ rõ: “Khu dự án Trung tâm thương mại và khu dân cư Thái Bình hiện nay là đất của Công ty cà phê Phước An quản lý trước đây. Khi tôi còn là đội trưởng, khu vực dự này có tổng cộng 6 lô cà phê, giữa các lô cà phê đều có đường mòn dẫn vào rẫy, có tổng cộng 5 con đường mòn”.

Thế nhưng, kể từ khi triển khai dự án, công ty Thái Bình Dương được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó những con đường mòn phục vụ canh tác nông nghiệp nay cũng trở thành đất thổ cư.

Anh Cao Tấn Ân (SN 1974, một trong những hộ dân có đất rẫy nằm phía sau khu vực đất dự án) cho hay: “Cho đến nay, chủ đầu tư đã tiến hành phân lô, bán nền và đã có nhiều nhà kho mọc lên, bịt kín hầu hết các con đường mòn dẫn vào rẫy cà phê của chúng tôi. Chỉ còn lại 1,2 con đường mòn chưa bị các công trình xây dựng chắn ngang nhưng hiện đã được cấp quyền sử dụng đất”.

Nguoi dan khon don vi duong vao cham soc hang tram hecta ca phe bi chan loi
Người dân cho rằng việc chặn các con đường mòn khiến việc sản xuất, vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn.

Việc bịt kín những con đường mòn dân sinh khiến cho quá trình đi lại sản xuất, vận chuyển nông sản của người dân gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. “Trước đây, đi theo con đường mòn, tôi vào rẫy của gia đình chỉ mất khoảng 300m. Thế nhưng, hiện nay chúng tôi phải đi đường vòng khoảng 2km mới tới rẫy, chưa kể các hộ dân có diện tích rẫy sâu hơn. Đáng nói, con đường vòng đi vào rẫy lại rất nhỏ hẹp nên các phương tiện trọng tải lớn không thể vào vận chuyển nông sản được” – anh Đoàn Hóa (ngụ thôn 19/5, xã Ea Yông) bức xúc.

Trước tình trạng nói trên, gần một tháng nay hàng chục hộ dân đã gửi đơn kiến nghị lên UBND xã Ea Yông và các cấp chính quyền để được giải quyết nhưng đến nay vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào.

Nguoi dan khon don vi duong vao cham soc hang tram hecta ca phe bi chan loi
Đường vào rẫy bị chặn, người dân đứng ngồi không yên.

Ông Tạ Văn Châm – Phó Chủ tịch xã Ea Yông cho hay: “Dự án Trung tâm thương mại và khu dân cư Thái Bình là do UBND tỉnh phê duyệt, thu hồi đất của Công ty cà phê Phước An để giao lại cho chủ đầu tư. Do đó, xã không nắm được hồ sơ quy hoạch, cũng không có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện liên quan đến dự án này. Tuy nhiên, sau khi nhận được đơn thư phản ánh của người dân, xã đã cử lực lượng xuống xác minh để làm báo cáo gửi cấp trên giải quyết theo quy định”.

Theo ông Đặng Thanh Tuấn – cán bộ địa chính xã Ea Yông, qua kiểm tra thực tế cho thấy, trước đây có một số con đường mòn dẫn vào khu vực rẫy cà phê của người dân. Đến nay, các lối đi này đang dần bị chắn ngang. Hiện vẫn có đường vào rẫy nhưng người dân phải đi xa hơn và nhỏ hẹp hơn rất nhiều.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI