Người dân Indonesia chật vật, thiếu thốn trăm bề sau sóng thần

25/12/2018 - 15:02

PNO - Các tình nguyện viên từ tổ chức nhân đạo cảnh báo, nước sạch và thuốc men đang hết dần, trong khi đó, hàng nghìn trung tâm sơ tán bị quá tải.

Nguoi dan Indonesia chat vat, thieu thon tram be sau song than
Người phụ nữ cùng con nhỏ đang trú ẩn tại một nơi ở tạm ở Labuhan.

Tổng cộng gần 400 người thiệt mạng, hàng ngàn người không có chỗ ở, sau khi sóng thần ập vào eo biển Sunda của Indonesia cuối tuần qua. Tình trạng hiện nay khiến nhiều người lo ngại về khả năng bùng phát một cuộc khủng hoảng y tế.

Tại một trung tâm sơ tán, bác sĩ Rizal Alimin thuộc tổ chức phi chính phủ Aksi Cepat Tanggap cho biết: “Rất nhiều trẻ bị sốt, đau đầu và thiếu nước”.

“Chúng tôi không có đủ thuốc men như mọi khi. Nếu tiếp tục ở lại đây có thể sẽ không tốt cho mọi người, vì thiếu nước sạch, thức ăn và chỗ ngủ", bác sĩ Rizal Alimin  nói thêm.

Nguoi dan Indonesia chat vat, thieu thon tram be sau song than
Đợt sóng thần san phẳng nhiều khu dân cư ven biển.

Trận sóng thần xảy ra vào đêm 22/12, quét qua bãi biển nổi tiếng ở phía nam Sumatra và phía tây Java, nhấn chìm các khách sạn du lịch và nhiều khu định cư ven biển.

Theo báo cáo mới nhất từ cơ quan chức năng, sóng thần khiến 373 người thiệt mạng, 1.459 người bị thương và 128 người mất tích. Các chuyên gia cảnh báo, những đợt sóng nguy hiểm hơn có thể trở lại, do núi lửa vẫn hoạt động dữ dội.

Phần lớn trong số hơn 5.000 người di tản không dám trở về nhà. Neng Sumarni, 40 tuổi, cùng chồng và ba đứa con trú tạm trong trung tâm sơ tán. Cô cho biết: “Tôi đã ở đây ba ngày. Tôi rất sợ về nhà vì tôi ở ngay sát biển”.

Nguoi dan Indonesia chat vat, thieu thon tram be sau song than
Hàng hóa cứu trợ được đưa tới khu vực bị sóng thần tàn phá chủ yếu qua đường bộ.

Hàng hóa cứu trợ tiếp cận khu vực bị thiên tai chủ yếu qua đường bộ. Bên cạnh đó, chính phủ Indonesia điều hai tàu lớn tới một số đảo ven biển Sumatra để giúp hàng chục cư dân còn mắc kẹt.

Trong khi đó, các đội cứu hộ dùng máy đào, phương tiện hạng nặng, có khi tự tay vận chuyển các mảnh vỡ để tìm kiếm người bị nạn. Vào lúc này, hy vọng tìm thấy ai đó còn sống sót là rất mong manh.

Theo cơ quan chức năng, nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động của núi lửa Anak Krakatoa ở eo biển Sunda, giữa Java và Sumatra, đã khiến một phần của miệng núi lửa sụp xuống đại dương, gây ra sóng thần.

Nguoi dan Indonesia chat vat, thieu thon tram be sau song than
Người dân từ những lều tạm đến nhận quần áo cứu trợ.

Khác với những trận sóng thần do động đất gây ra thường được cảnh báo, sóng thần hình thành do hoạt động của núi lửa hay xuất hiện gần bờ, và chính quyền có rất ít thời gian để cảnh báo cư dân về mối đe dọa sắp xảy ra.

Thậm chí ban đầu, cơ quan kiểm soát thiên tai của Indonesia còn nói rằng họ không thấy có mối đe dọa sóng thần nào cả, ngay cả khi cơn sóng chết người đã tiến vào bờ.

Sau đó, họ buộc phải cải chính và xin lỗi vì không thể cảnh báo sớm, khiến số nạn nhân gia tăng.

Trong vòng 6 tháng qua, Indonesia trải qua hàng loạt thảm họa tự nhiên khiến nhiều người thiệt mạng, bao gồm các trận động đất mạnh trên đảo Lombok vào tháng 7 và tháng 8; động đất trên đảo Sulawesi vào tháng 9 làm khoảng 2.200 người thiệt mạng.

Linh La (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI