Người dân Hàn Quốc chấn thương tâm lý vì lệnh thiết quân luật ám ảnh

01/01/2025 - 12:47

PNO - Sau ngày Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành lệnh thiết quân luật ngày 3/12, nhiều người dân Hàn Quốc cho biết họ vẫn còn sống trong sự bấn an và lo lắng.

ột người dân chụp ảnh máy bay phản lực quân sự bay vào khuôn viên Quốc hội vào sáng sớm ngày 4 tháng 12, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật vào đêm ngày 3 tháng 12. Ảnh của Korea Times do Park Simon chụp
Một người dân chụp ảnh máy bay phản lực quân sự bay vào khuôn viên Quốc hội vào sáng sớm ngày 4/12, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật vào đêm ngày 3/12 - Ảnh: Korea Times

Nhớ lại ngày hôm đó, Kim Mi-rim, 29 tuổi, sống tại Yongsan, Seoul, cho biết cô đã hoảng loạn và chạy núp vào một góc khi thấy nhiều cảnh sát trong tình huống khẩn cấp. Giờ thì cô vẫn toát mồ hôi lạnh mỗi khi nhìn thấy xe buýt cảnh sát và cô đang cố tình đi làm bằng những con đường vòng vèo, hẻm nhỏ mặc dù đường dài hơn nhưng để tránh nhìn thấy xe cảnh sát.

"Hình ảnh hàng ngàn cảnh sát đồn trú bên ngoài Quốc hội và Văn phòng Tổng thống Yongsan trong cuộc hỗn loạn thiết quân luật ngày 3/12 vẫn còn sống động trong tâm trí tôi", cô tâm sự.

Kim cho biết, kể đêm đó, cô bị mất ngủ. Cô luôn bất an và liên tục kiểm tra tin tức nóng vì sợ điều gì đó tồi tệ hơn có thể xảy ra. Một bác sĩ chẩn đoán cô bị chấn thương liên quan đến thiết quân luật và kê đơn thuốc giảm lo lắng và thuốc ngủ cho cô.

Những vết sẹo tâm lý dai dẳng từ thiết quân luật đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong số người dân. Trong khi sự hỗn loạn xung quanh cuộc bỏ phiếu luận tội thất bại và tuyên bố thiết quân luật sau đó diễn ra quá nhanh khiến nhiều người không kịp xử lý, thì toàn bộ sức nặng cảm xúc của sự kiện này hiện đang giáng mạnh và tâm trí mọi người.

Quân đội thiết quân luật đụng độ với nhân viên Quốc hội bên trong Quốc hội ở Yeouido, Seoul, vào ngày 4 tháng 12, sau tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol trong bài phát biểu khẩn cấp trước công chúng. Tin tức
Quân đội thiết quân luật đụng độ với nhân viên Quốc hội bên trong Quốc hội ở Yeouido, Seoul, vào ngày 4/12, sau tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol trong bài phát biểu khẩn cấp trước công chúng - Ảnh: Yonhap

Sự tổn thương đặc biệt nghiêm trọng đối với những người trực tiếp trải qua sự kiện. Shin, một trợ lý 39 tuổi tại Quốc hội, nhớ lại cảnh trèo tường và đụng độ với quân đội thiết quân luật trong vụ việc. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng 'chúng ta cần phải cố gắng', nhưng đến tuần tiếp theo, các triệu chứng chấn thương tâm lý bắt đầu xuất hiện” - Shin cho biết.

Shin nói rằng tiếng trực thăng hoặc cảnh nhân viên an ninh tại Hội đồng luôn gây ra cảm giác tồi tệ cho anh và nhiều đồng nghiệp. "Có rất nhiều người trong chúng tôi đang phải giải quyết những vấn đề tâm lý, đến nỗi mọi người nói rằng các văn phòng của Hội đồng đã trở thành một bệnh viện", anh nói thêm với một tiếng cười cay đắng.

Đối với những cư dân gần Căn cứ Không quân Seoul, như anh Seo, 55 tuổi, chấn thương vẫn còn dai dẳng. Bất chấp nghị quyết của Quốc hội về việc dỡ bỏ thiết quân luật, Seo cho biết: "Tôi không thể ngủ được sau khi nghe thấy tiếng máy bay đến và đi, vì lo sợ tình hình vẫn chưa thực sự kết thúc. Đôi khi tôi vẫn nghe thấy tiếng máy bay vang trong đầu dù thực tế không có chiếc máy bay nào cả".

Những công dân tham gia biểu tình kêu gọi luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng báo cáo những khó khăn tương tự. Park, 27 tuổi, đến từ Busan, cho biết, “Việc chứng kiến ​​Tổng thống trốn tránh việc truy tố hoặc điều tra đúng đắn khiến tôi lo lắng rằng lệnh thiết quân luật thứ 2 có thể xảy ra. Tôi không thể ngủ được”.

Kim, 33 tuổi, người tham gia một cuộc biểu tình gần Namtaeryeong, nói thêm, “Một khi niềm tin vào chính phủ, cảnh sát và quân đội bị phá vỡ, rất khó để phục hồi. Hậu quả kinh tế từ thiết quân luật cũng khiến việc tìm việc làm trở nên khó khăn hơn, làm tăng thêm sự tuyệt vọng".

Những người tham gia hô vang khẩu hiệu trong cuộc biểu tình thắp nến yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức ngay lập tức gần Cung điện Gyeongbokgung ở Quận Jongno, Seoul, thứ Bảy. Yonhap
Người dân Hàn Quốc xuống đường thắp nến yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức ngay lập tức gần Cung điện Gyeongbokgung ở Quận Jongno, Seoul - Ảnh: Yonhap

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng những triệu chứng như vậy không phải là bất thường. Họ so sánh tác động tâm lý của thiết quân luật với tác động của các thảm họa xã hội quy mô lớn trước đây, nơi cuộc sống bình thường và an ninh tạm thời bị đình chỉ để lại những vết sẹo sâu sắc.

Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook, cho biết: "Bất ổn chính trị và bất ổn kinh tế, chẳng hạn như tỷ giá hối đoái tăng vọt, nhắc nhở mọi người rằng cuộc khủng hoảng thiết quân luật vẫn chưa hoàn toàn qua đi, kéo họ trở lại trải nghiệm đau thương".

Ông khuyên nên duy trì sự lạc quan và nỗ lực tiếp tục các thói quen hàng ngày để hỗ trợ phục hồi.

Sim Min-young, người đứng đầu Trung tâm Chấn thương Quốc gia tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, cũng nhấn mạnh tác động chung của thiết quân luật.

“Đây là chấn thương chung của toàn thế hệ, chỉ riêng việc chứng kiến ​​cũng đủ tạo nên nỗi sợ hãi và lo lắng” - bà cho biết đồng thời nói thêm rằng các trung tâm chấn thương khu vực đang cung cấp hỗ trợ tâm lý cho những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng thiết quân luật.

Thảo Nguyễn (theo Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI