PNO - Từ sáng sớm 25/1 (tức 23 tháng Chạp), nhiều người dân đã đến các địa điểm quen thuộc như Hồ Tây, cầu Long Biên… để thả cá tiễn ông Công ông Táo về trời.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người dân đã đến khu vực bến Hồ Tây trên đường Thanh Niên để thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời.
Để hạn chế việc dùng túi nylon không ít người đã đựng cá chép trong những chiếc tô lớn hoặc chậu nhựa.
Các cháu nhỏ cũng được người lớn cho đi trải nghiệm trong dịp này.
Cùng con trai đi thả cá từ sớm, anh Nguyễn Gia Huy chia sẻ: "Tôi đưa cháu đi để trải nghiệm về một nét đẹp truyền thống từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam cũng như cầu mong sự bình an, may mắn, sung túc trong năm mới".
Với mỗi người Việt Nam, khoảnh khắc thả cá chép xuống nước ngày ông Công ông Táo về trời thường mang nhiều cảm xúc đặc biệt, báo hiệu sắp kết thúc năm cũ, bắt đầu năm mới.
Đàn cá chép bơi lội sau khi được thả.
Người dân còn thả xuống nước oản và tro vàng mã.
Phần lớn người dân sau khi thả cá đã gom túi nylon lại một chỗ.
Sau đó, có một nhóm tình nguyện viên thu gom những túi nylon của người dân thả cá khu vực Hồ Tây.
Nhóm tình nguyện viên "Đường Táo quân" gồm nhiều bạn trẻ đã có mặt tại cầu Long Biên, Hà Nội, giúp người dân thả cá chép sau khi cúng ông Táo.
Nhóm còn nhắc nhở người dân không xả túi nylon.
Nguyễn Phạm Nguyên Hoàng - Trưởng nhóm điều hành cá chép chiến dịch đường Táo Quân cho biết, nhóm đã thả cá chép giúp người dân tại cầu Long Biên được 9 năm qua. Trong sáng nay, người dân rất vui khi có nhóm của Hoàng thả cá giúp.
Tại mỗi điểm, các bạn trẻ sử dụng xô nhựa buộc dây, nhận cá từ những người đi đường, đưa xuống sát mặt sông rồi thả cá ra.
Tuy nhiên, cũng có người đi xuống chân cầu để tự tay thả cá.
Các bạn sinh viên thu gom và xử lý rác thải do một số người dân thả xuống ở khu vực chân cầu Long Biên.