Người dân Hà Nội không cần tích trữ hàng hóa

20/08/2021 - 19:54

PNO - Đó là phát biểu của bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, tại cuộc họp báo công bố quyết định kéo dài giãn cách xã hội Thành phố Hà Nội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến ngày 6/9 của Thành ủy Hà Nội.

Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt việc người dân ra đường không có lý do chính đáng, hợp lý. Các nơi phong tỏa phải kiểm soát nghiêm, chặt hơn, bố trí lực lượng, phương tiện cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho từng gia đình, từng người dân để nhân dân yên tâm ở tại chỗ, không ra ngoài.

Theo Sở Công thương Hà Nội, Hà Nội luôn bảo dảm hàng hóa cho người dân trên toàn hệ thống phân phối
Theo Sở Công thương Hà Nội, Hà Nội luôn bảo đảm hàng hóa cho người dân trên toàn hệ thống phân phối

Theo đại diện Sở Công thương, qua gần hai đợt giãn cách, Hà Nội luôn bảo đảm hàng hóa cho người dân trên toàn hệ thống phân phối, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. Người dân không cần phải tích trữ hàng hóa.

Chia sẻ tại cuộc họp, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, quá trình triển khai cũng có vướng mắc khi chợ đầu mối, dân sinh, một số hệ thống cửa hàng tiện lợi dừng hoạt động, thời điểm cao nhất là 34 chợ, 65 cửa hàng tiện lợi đóng cửa ảnh hưởng đến nguồn cung. 

Tuy nhiên, thành phố luôn chủ động nguồn cung, chủ động điều phối hàng hóa theo dự báo dịch bệnh, điều phối xe chở hàng đến địa bàn có tâm dịch, đưa hàng vào hệ thống chợ, hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, ban hành văn bản quyết định trưng tập 5 địa điểm tại ngoại thành để giãn cách các chợ đầu mối.

Đối với doanh nghiệp có hệ thống phân phối, Thành phố luôn chỉ đạo doanh nghiệp dự trữ hàng hóa tăng 30% tại các kho hàng, dự trữ hàng hóa tại quầy kệ tăng 50% để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội khẳng định, tại Hà Nội, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng, việc cung cấp hàng hóa trên địa bàn được bình thường.

Hà Nội sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 15 ngày, kéo dài đến 6h ngày 6/9.
Hà Nội sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 15 ngày, kéo dài đến 6g ngày 6/9

Đến nay, Hà Nội đã cấp mã nhận diện cho 2.200 xe ô tô, trên 9.000 xe máy, trên 14.000 shipper vận chuyển hàng. Ngoài ra, đã có 8.255 điểm bán bình ổn hàng hóa - tăng 7 lần so với chương trình mọi năm.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết Sở đang tiếp tục phối hợp mở các điểm bán hàng của các quận, huyện, thị xã bán hàng lưu động với nhiều hình thức khác nhau.

Ngoài ra, để tiếp tục phục vụ đa dạng cung cấp thực phẩm, Sở Công thương tiếp tục phối hợp tại các quận, huyện, thị xã triển khai bán hàng tại các nhà trọ đông dân cư, tránh người dân di chuyển nhiều; triển khai bán hàng bằng xe buýt lưu động.

"Sở Công thương luôn triển khai các giải pháp sẵn sàng đáp ứng với tình hình dịch bệnh trong điều kiện tiếp theo, dù trong tình huống nào vẫn bảo đảm hàng hóa, người dân hoàn toàn yên tâm không phải tích trữ thực phẩm", bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, nói.

PV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI