Người dân Đồng bằng sông Cửu Long phải cào mặt đất, đào kênh mương để tìm nước ngọt

06/03/2020 - 16:54

PNO - Hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long năm nay đã vượt kỷ lục năm 2016, hiện có 5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp do hạn mặn.

Vừa qua, tỉnh Long An đã công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn. Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 10.000 héc ta lúa bị ảnh hưởng. Nhiều ngày qua bà con nông dân bị thiếu nước sinh hoạt, ngoài đồng ruộng, lúa cũng khô cằn và thiếu nước trầm trọng. Chỉ riêng huyện Cần Giuộc có hơn 8.000 hộ gia đình thiếu nước sạch sinh hoạt.

as
Hơn 33.000 héc ta lúa của bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long khô trắng đồng

Như vậy, tính đến nay, năm tỉnh công bố tình huống khẩn cấp bao gồm: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An.

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 12/13 tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Theo một thống kê sơ bộ, tính đến đầu tháng 3/2020 này, nạn hạn mặn tại miền Tây Nam bộ đã làm khoảng 68.500 hộ gia đình với 600.000 người dân thiếu nước sinh hoạt, 160.000 héc ta đất nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng. Chỉ tính riêng diện tích lúa bị thiệt hại đã lên đến 33.000 héc ta.

as
Vườn cây ăn trái tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh... bị héo khô, trụi lá, rũ ngọn

Năm 2016 được xem là trận hạn, mặn lịch sử trăm năm mới có một lần diễn ra tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng trong 3 tháng đầu năm năm 2020 này, các số liệu đến thời điểm này cho thấy, hạn, mặn đã vượt mốc 2016.

as
Người dân phải từng ngày nạo vét kênh mương để có nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt

Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong thời điểm 8 ngày kể từ 7 - 15/3 tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra đợt xâm nhập mặn khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô năm nay, với phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn là 4 gram/lít. 

as
Người dân phải mua thêm nước ngọt với giá từ 100 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng mỗi khối để cứu lúa cứu cây

Đợt xâm nhập mặn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng canh tác cây ăn trái và nước sinh hoạt của người dân. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, Bộ NN&PT-NT đề nghị UBND các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường thực hiện, triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

As
Bà con nông dân ở một số tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang phải cạo bán lớp đất mặt của ruộng lúa để hạ thấp chờ nước cho mùa vụ sau

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tổ chức giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng. Tranh thủ tích trữ nước ngọt trong thời gian mặn xuống thấp để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian xâm nhập mặn lên cao.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI