Người dân đi khám bệnh khi nào phải xét nghiệm COVID-19?

08/10/2021 - 16:36

PNO - Sở Y tế TPHCM vừa có hướng dẫn cụ thể đối với các cơ sở y tế về việc xét nghiệm COVID-19 cho người dân đi khám chữa bệnh thông thường.

 

Người dân khám sàng lọc tại bệnh viện xanh, sạch COVID-19 - Bệnh viện Quận 7
Người dân khám sàng lọc tại "bệnh viện xanh, sạch COVID-19" - Bệnh viện quận 7

Trưa 8/10, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã có văn bản khẩn gửi đến các bệnh viện công lập, ngoài công lập; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM; Trung tâm y tế, phòng y tế tại các quận, huyện, TP. Thủ Đức và các phòng khám đa khoa, chuyên khoa hướng dẫn xét nghiệm SASR-CoV-2 trong tình hình mới.

Theo đó, thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TPHCM về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế tại địa bàn TP, Sở Y tế có một số hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế như sau:

Tại khoa khám bệnh, cấp cứu và các đơn vị điều trị trong ngày phải khai báo y tế điện tử, phân luồng, sàng lọc đối với tất cả người bệnh khi đến khám. Nhân viên y tế phải khai thác các triệu chứng ở người bệnh, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ COVID-19, test nhanh kháng nguyên tầm soát bệnh.

Nếu người bệnh cần cấp cứu, can thiệp cấp cứu tại buồng khám sàng lọc, khi tình trạng người bệnh ổn định, nhân viên xem xét thực hiện xét nghiệm COVID-19 khi nghi ngờ.

Người bệnh cần phải phẫu thuật hay thực hiện thủ thuật điều trị tại khu vực điều trị ngoại trú, ban ngày như phẫu thuật trong ngày, chạy thận nhân tạo, nội soi dạ dày, khám hô hấp,... phải có chỉ định làm test nhanh COVID-19 để quyết định nơi can thiệp thủ thuật hay phẫu thuật.

Đối với người bệnh có chỉ định nhập viện trong ngày, cần phải test nhanh COVID-19 hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp không quá 10 mẫu) cho người bệnh và người thân đi cùng chăm sóc. Trong thời gian chờ kết quả, người bệnh phải được điều trị theo phác đồ tại khu vực cách ly tạm thời mà cơ sở y tế bố trí.

Tuy nhiên, nếu người thân, người bệnh đã có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, còn hiệu lực trong vòng 72 tiếng đồng hồ, không có triệu chứng nghi ngờ thì không cần làm xét nghiệm.

Khi người bệnh đến khu vực điều trị nội trú và các khoa, phòng khác, cần thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên ngay khi phát hiện nhân viên, người lao động, người bệnh, người chăm sóc có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, đau họng, mất khứu giác, mất vị giác...

Cơ sở y tế phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn cho tất cả các trường hợp viêm phổi diễn tiến nhanh, suy hô hấp không giải thích được.

Ngoài ra, các cơ sở y tế phải xét nghiệm tất cả nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với người bệnh COVID-19, nhân viên xử lý mẫu bệnh phẩm, xử lý đồ vải, rác thải lây nhiễm, nhân viên các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao như khoa cấp cứu, khoa hồi sức, khoa truyền nhiễm, khoa hô hấp, khoa thận nhân tạo, khoa khám bệnh, bộ phận giám sát, sàng lọc,... bằng kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 10/7 ngày/lần. 

Cơ sở y tế xét nghiệm cho ít nhất 20% nhân viên các khoa lâm sàng còn lại và nhân viên hành chính bằng kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 10/7 ngày/lần. Trong thời gian điều trị nội trú, định kỳ thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 10/7 ngày/lần cho ít nhất 20% người bệnh và người chăm sóc. 

Sở Y tế TPHCM lưu ý khi người bệnh có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính, phải lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR để khẳng định. Trường hợp mẫu gộp RT-PCR có kết quả dương tính thì giải gộp bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR mẫu đơn. Nếu các cơ sở y tế chưa có thực hiện RT-PCR thì liên hệ và gửi mẫu đến các phòng xét nghiệm khẳng định đã được Bộ Y tế công bố. 

"Sau khi làm xét nghiệm theo hướng dẫn trên, nếu phát hiện chùm ca bệnh ở khu vực phòng khám hoặc phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ở người bệnh viêm phổi, đơn vị phải báo cáo nhanh về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM và Phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế", ông Thượng cho hay.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI