Anh đã có hàng chục cuộc triển lãm chung ở các bảo tàng mỹ thuật khắp thế giới và vài cuộc triển lãm cá nhân nổi bật ở các bảo tàng lớn như The Museum of Modern Art (MoMA, New York), The San Francisco Museum of Modern Art, Mori (Tokyo) và đặc biệt là nghệ sĩ đương đại người Việt duy nhất được chọn tại dOCUMENTA - triển lãm mỹ thuật đương đại lớn nhất thế giới (5 năm một lần) và được xem là Olympic của giới mỹ thuật…
Những thành tựu nổi bật của Lê Quang Đỉnh đều gắn liền với chủ đề chiến tranh Việt Nam, từ những ký ức ngày thơ ấu của anh ở vùng quê Hà Tiên sát biên giới Campuchia. Quyết định trở về Việt Nam vào năm 1993, cho dù những cánh cửa nghệ thuật ở Mỹ rộng mở hơn rất nhiều. Trở về, với anh là để phá vỡ những khuôn mẫu, từ cả hai phía Mỹ và Việt Nam, khi nhìn nhận về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam.
NHỮNG BỨC ẢNH ĐAN DỆT
Đỉnh kể, cuộc triển lãm mỹ thuật của anh lần đầu tiên tại một bảo tàng ở New York, lúc anh mới chỉ 21 tuổi và còn đang đi học trường School of Visual Arts. Triển lãm có bốn người, nhưng tờ The Village Voice nổi tiếng chỉ chọn Đỉnh để giới thiệu và phỏng vấn. Bài báo đó, như một tấm “namecard” để giới thiệu Đỉnh với cộng đồng sáng tạo nghệ thuật đương đại tại Mỹ. Và ngay cả khi về Việt Nam và gần như biến mất (thời đó Việt Nam chưa có internet và không dễ để liên lạc), giới mỹ thuật đương đại Mỹ vẫn biết đến anh nhờ bài báo đó.
Năm 1993, Đỉnh quay trở về Việt Nam. Đó là lần quay trở về đầu tiên kể từ khi gia đình anh chuyển sang Mỹ định cư từ năm 1978. Mỗi năm, anh ở Việt Nam từ ba đến sáu tháng, cho đến khi quyết định về hẳn Việt Nam vào năm 1997. Lúc đó, Đỉnh hoạt động như một nghệ sĩ độc lập nghiên cứu về nhiếp ảnh chiến tranh Việt Nam nhờ một nguồn học bổng của Mỹ. Từ năm 1998 trở đi, anh đã hoàn toàn sống được bằng các cuộc triển lãm tại các bảo tàng mỹ thuật tại Mỹ.
Đỉnh nói: “Ban đầu tôi chọn nghiên cứu về nhiếp ảnh chiến tranh Việt Nam, chứ không phải là học về chụp ảnh. Tại sao chiến tranh Việt Nam được chụp ảnh nhiều nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới và có tầm quan trọng đến vậy trong thế giới nhiếp ảnh? Và khi đã nghiên cứu đầy đủ, tôi quyết định bắt đầu tách, làm nó vỡ ra để hiểu từng câu chuyện đằng sau chúng, tại sau chúng lại được chụp như vậy, và sau đó là kết nối chúng lại với nhau với một kỹ thuật khác. Đó là kỹ thuật woven-photographs, mà tôi quen dùng hơn với tên gọi nghệ thuật đan dệt, thừa hưởng từ truyền thống đan lát của bà dì hồi còn sống ở quê”.
Nhưng trước khi đến với “nhiếp ảnh đan dệt”, Đỉnh đã thử nghiệm một cuộc “triển lãm” nhỏ ngay trên đường phố Sài Gòn trong một tiệm bán hàng lưu niệm cho khách du lịch. Triển lãm đường phố này được giới mỹ thuật đương đại phương Tây gọi là “Urban intervention”. Ý tưởng nảy sinh khi anh về Việt Nam và thấy rất nhiều nạn nhân của chất độc màu da cam. Phần lớn họ bị dị tật và kiếm sống bằng nghề ăn xin trên đường phố.
Lúc đó, Việt Nam cũng chưa cởi mở nói về vấn đề này trên các phương tiện đại chúng và gần như chưa có các chương trình giúp đỡ những nạn nhân của chất độc da cam.Phía chính phủ Mỹ cũng không muốn đề cập đến vấn đề này khi đàm phán về bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Đỉnh nói: “Tôi muốn làm một điều gì đó để phá vỡ bức tường im lặng ấy. Tôi nảy sinh ý tưởng thuê lại một cái shop bán hàng lưu niệm của một chủ tiệm gần chợ Bến Thành và trưng bày, bán những sản phẩm có liên quan đến chất độc da cam.
Những chiếc áo thun in các con số về nạn nhân, những món đồ chơi ngộ nghĩnh, những chiếc áo len em bé hai đầu… được trưng bày và bán với giá đồng đều 1 đô la Mỹ. Khách du lịch bắt đầu hiếu kỳ ghé qua, họ hỏi han và trò chuyện về những món đồ này. Người Việt Nam thì ít hơn, bốn người đi qua chỉ có một người dừng lại và quan tâm. Nhưng nhờ thế mà những câu chuyện về nạn nhân chất độc da cam lại được tiếp diễn và lan truyền rộng hơn qua những câu chuyện mới từ những người khách, những trải nghiệm khác mà họ từng gặp, từng trải qua…
NGƯỜI NÔNG DÂN KỂ CHUYỆN CHIẾN TRANH
Sau 40 năm, những câu chuyện về chiến tranh Việt Nam vẫn là một đề tài lớn được quan tâm từ cả hai phía: Việt Nam và Mỹ. Một loạt phim tài liệu dài nhất, đồ sộ nhất về chiến tranh Việt Nam có tên “Vietnam War” của đạo diễn phim tài liệu bậc thầy Mỹ Ken Burns sẽ được chiếu trong năm 2017 mà tôi có may mắn được xem qua các buổi chiếu thử tại Mỹ mới đây. Bộ phim làm mất sáu năm với một nguồn kinh phí khổng lồ, và cũng là loạt phim chiến tranh Việt Nam duy nhất đến thời điểm này được kể lại từ ba phía.
15 năm sống ở Mỹ, Đỉnh nhận ra một điều rõ ràng là người Mỹ nói và đề cập đến chiến tranh Việt Nam theo góc nhìn và lợi ích của riêng họ. Đó là những cuốn sách, hồi ký của các nhà báo, của những người lính Mỹ, đó là những bộ phim Hollywood làm về Việt Nam - tất cả đều là những câu chuyện của người Mỹ tại Việt Nam. Còn những câu chuyện về người Việt Nam trong chiến tranh luôn bị gạt sang bên lề, rất khuôn mẫu và áp đặt, như những hình ảnh người nông dân mặc áo bà ba đen, lam lũ trên đồng ruộng…
“Khi tôi còn nhỏ và sống ở Việt Nam sau chiến tranh, tôi vẫn thấy người dân tiếp tục sống, tiếp tục yêu đương, cưới nhau và có con. Họ vẫn tiếp tục với cuộc sống chứ không bi thảm và đau thương như những hình ảnh người Việt Nam trong phim Mỹ, để lại một ấn tượng rằng Việt Nam vẫn còn chiến tranh trong suy nghĩ của nhiều người phương Tây. Đó là lý do khiến tôi muốn về Việt Nam để kể những câu chuyện mà mình biết, và quan trọng hơn, cần có diễn đàn để người Việt Nam kể nên những câu chuyện của riêng họ” - Đỉnh nói.
|
|
Một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Lê Quang Đỉnh được giới mỹ thuật đương đại thế giới đánh giá cao và trở thành triển lãm cá nhân vĩnh viễn tại bảo tàng MoMA tại New York là “Farmers and the Helicopters” (Người nông dân và máy bay trực thăng). Đây là tác phẩm sắp đặt, video mà như Đỉnh nói, là tiếng nói của những người nông dân. Từ câu chuyện về hai ông Hai lúa: Trần Quốc Hải và Lê Văn Danh làm ra chiếc trực thăng hoàn toàn bằng thủ công, Đỉnh đã làm một bộ phim tài liệu về quá trình làm chiếc trực thăng đó qua câu chuyện của hai ông nông dân, những người bà con, hàng xóm của họ.
Và từ đó, họ nhớ về những ký ức đau thương do chiếc trực thăng gây ra cho họ trong chiến tranh; những nỗi sợ hãi trong quá khứ và cả ước vọng của họ về chiếc trực thăng mà hai người nông dân làm ra. Nó như một ẩn dụ từ cỗ máy chiến tranh đến cỗ máy hòa bình. Điều đó cho thấy cách nhìn của người nông dân Việt Nam đã thay đổi như thế nào và chính họ là những người kể lên câu chuyện đó, chứ không phải ai khác kể về họ nữa.
CHỜ ĐỢI NHỮNG CÂU CHUYỆN “ĐAN DỆT” MỚI CỦA VIỆT NAM TỪ GIỚI TRẺ
Khi tôi hỏi sau hơn 20 năm trở về Việt Nam để sáng tạo trong lĩnh vực mỹ thuật đương đại, bản sắc và ngôn ngữ mẹ đẻ ảnh hưởng đến sáng tác của anh như thế nào? Lê Quang Đỉnh thừa nhận, bản sắc là thứ mạnh mẽ nhất mà mỗi người nghệ sĩ luôn theo đuổi trong sáng tạo của họ, và với anh cũng không là ngoại lệ.
Đỉnh bảo, “Bản sắc của tôi là chiến tranh Việt Nam. Tất nhiên, nó được kể dưới những góc nhìn khác, bởi tôi cũng không hẳn là người Việt Nam 100% khi ở Mỹ 15 năm vào giai đoạn trưởng thành và vẫn giữ quốc tịch Mỹ. Việt Nam trong tác phẩm của tôi có khi chỉ 5%, có khi lên tới 80%, nó thay đổi và tùy thuộc theo mỗi tác phẩm, hoặc nói cách khác, tôi sáng tạo theo kiểu đan dệt giữa hai nền văn hóa”.
Với chiến tranh Việt Nam, Đỉnh cũng còn vài ý tưởng mới, đặc biệt là câu chuyện về chiếc trực thăng và hai người lính Mỹ cuối cùng chết trong chiến tranh Việt Nam vào ngày 30/4 khi nó rơi xuống biển. Chiếc trực thăng, với Đỉnh, là một biểu tượng lớn nhất về chiến tranh Việt Nam. Nhưng anh cũng thừa nhận, “tôi đã kể khá nhiều về chiến tranh Việt Nam và muốn chờ đợi một thế hệ mới, trẻ hơn, những người lớn lên ở Việt Nam hoặc Mỹ sau chiến tranh kể những câu chuyện của họ, những “đan dệt” mới của họ.
Như vậy, tôi cũng thấy đỡ trách nhiệm hơn và thảnh thơi đi tìm những câu chuyện khác để kể”.
Nhà báo Lê Hồng Lâm