“Chúng ta cần biết người dân đang nghĩ gì về chính quyền”, ông đã nói điều đó không dưới hai lần trong cuộc gặp giữa lãnh đạo thành phố với đại diện một số cơ quan báo chí vào sáng 17/10. Như một sự đau đáu, muốn lắng nghe tiếng nói thật, suy nghĩ tận tình của vạn đại cần lao.
|
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi gặp gỡ với đại diện các cơ quan báo chí |
Trước đó, vào ngày 3/10, tại kỳ họp thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM, cũng là ông, khi nhắc lại câu chuyện An Đông 1, đã nói: cách phản ứng của bà con tiểu thương không đơn thuần là câu chuyện kinh tế mà là một vấn đề chính trị.
Đó là khi lòng tin của nhân dân với chính quyền bị phá vỡ, sẽ có một “thế lực gieo rắc niềm tin” khác len vào. Và người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đã trực tiếp xuống địa bàn, chỉ đạo xử lý vụ việc An Đông 1 nhanh, thấu đáo, chí lý chí tình. Đó là cách ông làm để lấy lại lòng tin nơi nhân dân.
Có lẽ vì thế mà đã diễn ra cuộc gặp gỡ có vẻ hơi… ngược dòng này, vốn dĩ định kỳ vào dịp 21/6, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Mục đích là để “phát huy vai trò của báo chí cho sự phát triển của TP.HCM”, còn mục tiêu lại là rà soát, tháo gỡ, chấn chỉnh những hạn chế, khó khăn, vốn tạo rào cản cho hoạt động của báo chí. Phá vỡ thế rào cản bằng chỉ thị hẳn hoi, trong đó, sắp tới, mỗi quý, mỗi quận huyện sẽ chọn một nội dung mà các cơ quan báo chí phản ánh trên địa bàn để chấn chỉnh, xử lý và có văn bản báo cáo kết quả lên Thường trực Thành ủy.
|
Lãnh đạo các cơ quan báo chí tại buổi gặp gỡ Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM |
Các cơ quan báo chí khi phản ánh vụ việc trên địa bàn quận huyện, sở ngành, nếu không có phản hồi và động thái chuyển biến, nên gửi bài viết cùng công văn chất vấn về lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị. “Song song đó, các cơ quan báo chí gửi trực tiếp đến cho tôi và Trưởng ban Tuyên giáo một bộ hồ sơ” - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu.
Rõ ràng, đây là một sự chuyển động có cơ sở. Khi ông nói, báo chí là một trong bốn kênh để giám sát phòng chống tham nhũng, để tiếp cận nhanh nhất, sát nhất đời sống nhân dân, để “biết nhân dân nghĩ gì” thì phải tạo những hành lang thông thoáng, vững chãi để báo chí bám sát địa bàn, từ phản ánh của báo chí, sẽ có yêu cầu kiểm tra và ra phương án xử lý tức thời.
Không thể kéo dài. Không được chậm trễ. Từ hoạt động báo chí đến hành động của chính quyền, tất cả đều phục vụ nhân dân. Tinh gọn biên chế, giảm sự cồng kềnh của bộ máy cũng là tinh gọn quy trình, thủ tục xử lý các đầu việc, mục đích để nhẹ gánh cho dân. Đặc biệt là quan điểm “hãy coi báo chí là đối tác chứ không phải là đối thủ” mà Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu đặt ra với lãnh đạo sở ngành, quận huyện, từ đó thúc đẩy đối thoại báo chí - một hình thức thực hiện dân chủ nhân dân.
Những tiền đề mang tính căn bản cũng đã được lãnh đạo thành phố trao cho báo giới: hướng tới thiết lập một hạ tầng kỹ thuật - công nghệ cho báo chí điện tử thành phố, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của truyền thông đa phương tiện, cũng như khả năng ứng phó những rủi ro trong thời đại báo chí kỹ thuật số; xây dựng đề án Trung tâm báo chí thành phố - là đầu mối tập hợp, xử lý, cung cấp thông tin cho báo chí…
|
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thu chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các cơ quan báo chí |
Vấn đề còn lại là trách nhiệm xã hội, là thước đo tri thức, là khả năng thích ứng trước mọi biến đổi của đời sống báo chí hiện đại của chính lực lượng người cầm bút. Đặc biệt, trong cơn quay cuồng của bão mạng thông tin, làm lay chuyển không ít giá trị nền tảng của đạo đức làm nghề lẫn nhân cách xã hội, nhà báo - với tất cả lòng tự trọng và sự cao quý của nghề - có giữ mình cho đủ “sạch”, có neo mình nơi chốn hiểm nguy, thách thức để đổi lấy sự công bằng và lẽ phải cho bạn đọc?
Để được là đối tác của bộ máy công quyền, thực hiện những cuộc đối thoại dân chủ - phải thật sự là thái độ cầu thị, lắng nghe, hiểu biết, tôn trọng sự khác biệt của nhau để hướng tới kết thúc mọi hoài nghi, bắt đầu cho những sự thật khách quan. Đấy là chức trách của nhà báo. Cũng không phải dễ gì. Nhưng trước niềm tin đặt để, trước sự giao phó của xã hội; và một chuyển động tích cực, khả dụng đến từ bộ máy chính quyền, tôi đặt cược cho một cuộc dấn thân trách nhiệm.
Đột nhiên, tôi nhớ đến con thuyền độc mộc trên dòng sông Sêpôn, ngày 1/5/1936, Nguyễn Văn Vĩnh - “người Việt Nam mới” đầu tiên đã lặng lẽ ra đi. Để có tiền mới giữ được khí phách của tờ l’Annam Nouveau, thực hiện công cuộc phát triển quốc văn, phổ cập quốc ngữ, canh tân đất nước, ông đã lặn lội sang Lào hành nghề tìm vàng kết hợp viết phóng sự.
Nghề báo, nhà báo chưa bao giờ tách rời khỏi sứ mệnh và vận mệnh của đất nước mình, nhân dân mình. Hãy đi, hãy lắng nghe để biết người dân đang nghĩ gì…
Lê Huyền Ái Mỹ