Người dân Đà Lạt là những ai?

11/06/2017 - 09:23

PNO - Người dân đích thực, những con người không sống bằng du lịch, đã ngày càng ít đi, ngày càng bị loại trừ, ngày càng không còn tiếng nói. “Đà Lạt” mà các du khách nhìn thấy chỉ là một cái vỏ rỗng của những mỹ từ quảng cáo.

Bạn gửi cho tôi đường link về những chuyện dịch vụ “chặt chém” du khách xảy ra gần đây và hỏi tôi: “Thế người dân Đà Lạt như anh nghĩ gì khi thành phố này chịu tai tiếng như thế?”.

Những chuyện như vậy xảy ra ở Đà Lạt và các thành phố du lịch rất thường xuyên vào mỗi mùa hè khi tỉnh thành nào cũng lấy du lịch làm mũi nhọn phát triển kinh tế. Bạn không trả lời được khi tôi hỏi ngược lại: “Thế người dân Đà Lạt là những ai?”.

Nguoi dan Da Lat la nhung ai?

Du khách ăn uống ở chợ đêm Đà Lạt

Đã đến lúc phải định nghĩa lại khái niệm “người dân của một thành phố du lịch”. Đó là những cư dân không sống nhờ ngành du lịch, không làm những công việc phục vụ trực tiếp cho du khách. Chính họ mới tạo nên cái hồn riêng của thành phố để phát triển du lịch và chính cách phát triển du lịch đại trà bằng mọi giá lôi kéo khách đã triệt tiêu luôn cái bản sắc văn hoá bản địa độc đáo mà từ đầu chính nó là sức quyến rũ của một vùng đất.

Tôi đã định nghĩ như thế vì câu hỏi của bạn khiến tôi nhớ đến quyết định gây chấn động của chính quyền Barcelona (Tây Ban Nha) đầu năm nay khi thị trưởng Ada Colau đẩy mạnh các biện pháp kềm hãm bớt du khách và khống chế phát triển du lịch. Với 32 triệu du khách mỗi năm viếng thăm thành phố 1,6 triệu dân này, đời sống thị dân Barcelona đã đảo lộn hoàn toàn khi du lịch phát triển không kiểm soát.

Trong số du khách đó, đặc biệt 17 triệu khách chỉ lưu trú một ngày đã tập trung dày đặc ở các khách sạn, nhà nghỉ, homestay, căn hộ cho du khách thuê… ở khu vực trung tâm thành phố chỉ chiếm có 17% tổng diện tích Barcelona. Cơn bùng nổ dịch vụ lưu trú đã khiến nhiều cư dân Barcelona lâu nay ở nhà thuê đã không còn chỗ cư ngụ ổn định và vì chủ nhà thấy cho du khách thuê có lợi hơn.

Đời sống và việc làm của dân cư Barcelona xáo trộn, những tiệm tạp hoá phục vụ dân địa phương dần dần dẹp tiệm nhường chỗ cho những cửa hàng tiện ích và hàng lưu niệm phục vụ du khách, chợ búa ế ẩm vì du khách chen chúc đã cản trở người dân cần mua, các di tích lịch sử bị ảnh hưởng, chưa kể đến những xung đột văn hoá. Du lịch đã trở thành một khổ nạn đến mức thị dân ở đây phải biểu tình phản đối với khẩu hiệu “Barcelona không phải thứ để bán”.

Thị trưởng Ada Colau ngay từ khi nhậm chức năm 2015 đã dứt khoát không cấp phép xây dựng khách sạn ở khu vực trung tâm Barcelona. Từ tháng 1/2017, chính quyền sở tại càng mạnh tay khống chế du lịch hơn. Barcelona đóng cửa mọi khách sạn và cơ sở lưu trú ở khu vực trung tâm, chỉ cho dịch vụ này hoạt động ngoài vành đai, cấm mọi dịch vụ lưu trú du khách trá hình trốn thuế và đánh thuế cao mọi dịch vụ này và không cấp phép xây dựng khách sạn mới, tăng phí ở các bãi đậu xe buýt du lịch để hạn chế bớt số du khách chỉ ghé lại một ngày, cùng nhiều biện pháp triệt để khác.

Nguoi dan Da Lat la nhung ai?

Cảnh kẹt xe ngột ngạt của thành phố hoa khi du khách đổ về dịp hè, lễ

Nguồn thu từ du lịch vốn chiếm 12% GDP của Barcelona nhưng chính quyền vẫn coi trọng những giá trị bền vững hơn là phát triển du lịch đại trà. Janet Sanz, phó thị trưởng chuyên trách quy hoạch đô thị, tuyên bố với báo chí quốc tế: “Chúng tôi hiểu rằng khách lạ yêu mến thành phố của chúng tôi, nhưng Barcelona đã trở thành một khu giải trí theo chủ đề phục vụ du khách. Dân chúng sống và làm việc ở đây. Barcelona đâu phải chỉ là chỗ vui chơi cuối tuần”.

Từ câu chuyện trên hãy nhìn lại Đà Lạt. Người dân Đà Lạt theo định nghĩa trên đã bị loại trừ ngay trên chính thành phố mình sinh sống. Những hàng quán cà phê hay điểm tâm quen thuộc mỗi sáng giờ không còn chỗ cho một người dân nào ngồi vì du khách đã chiếm hết.

Du khách đi chơi có thừa thời gian nhưng dân địa phương không thể đợi chờ vì họ còn phải đi làm, đi học cho kịp giờ. Nạn ách tắc giao thông trở thành chuyện hàng ngày ở khu vực trung tâm Đà Lạt vì đường quá hẹp và lượng ô tô, xe buýt du lịch quá đông, cùng bao nhiêu bất tiện khác cho cư dân địa phương. Đà Lạt vẫn mát lạnh nhưng đã hết bình yên.

Vấn đề tai tiếng “chặt chém” du khách của Đà Lạt có thể nào nhìn theo góc độ ngược lại và rộng hơn chăng? Chính sự phát triển du lịch đại trà đã gây ra tệ nạn đó và trở thành một lực xâm thực văn hoá bào mòn bản sắc và truyền thống địa phương.

Và đồng thời chủ trương “du lịch là kinh tế mũi nhọn” sử dụng lịch sử và văn hoá bản địa như một chiêu bài tô điểm cho mục tiêu “kiếm tiền bằng mọi giá”, cũng đã biến thành phố du lịch của cả nước thành như ngày nay.

Còn người dân đích thực, những con người không sống bằng du lịch, đã ngày càng ít đi, ngày càng bị loại trừ, ngày càng không còn tiếng nói. “Đà Lạt” mà các du khách nhìn thấy chỉ là một cái vỏ rỗng của những mỹ từ quảng cáo. Còn cái hồn đích thực của thành phố này đã đóng kín, hờ hững với nhân gian, bạn ạ.

Trần Đức Tài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI