Người dân đã có thể đi khám bệnh không cần mang giấy tờ

12/12/2024 - 06:22

PNO - Hồ sơ sức khỏe điện tử gồm thông tin cá nhân, thẻ bảo hiểm y tế, lịch sử khám chữa bệnh, phiếu hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến... được tích hợp trên ứng dụng VNeID. Chỉ cần đăng nhập, người dân dễ dàng đi khám bệnh mà không cần mang theo hồ sơ.

Hết nỗi lo về hồ sơ khám bệnh, giấy tờ

Mắc bệnh huyết áp, đái tháo đường, hở van tim… nên hằng tháng, ông T.V.P. - 64 tuổi, ở quận 8, TPHCM - đều đặn đến bệnh viện khám và lấy thuốc uống. Trước khi đi, ông nhờ con cháu soạn sẵn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), kết quả xét nghiệm lần trước, căn cước công dân… bỏ vào 2 lớp bịch ni lông rồi mới yên tâm đến bệnh viện. Thế nhưng rắc rối là ông hay quên, khám chỗ này xong lại quên chỗ khác. Có lúc lo đi lấy thuốc, lấy kết quả xét nghiệm… ông bỏ quên hồ sơ, vì vậy mỗi lần tới ngày khám bệnh cứ lo lắng không yên.

“Giờ chỉ cần có điện thoại, khám bệnh khỏe re” - ông P. phấn khởi nói. 2 tháng trước, ông được nhân viên y tế của Bệnh viện quận 8 hướng dẫn cập nhật hồ sơ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Khi khám bệnh, ông chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng, đưa nhân viên y tế là xong. “Duy nhất 1 bất tiện là mới xài nên tôi hay quên mật khẩu. Tôi phải nhờ cháu mình viết ra giấy, dán vào mặt sau điện thoại cho tiện” - ông P. cho hay.

Nhân viên Bệnh viện Thủ Đức hướng dẫn người dân tải và đăng ký ứng dụng VNeID
Nhân viên Bệnh viện Thủ Đức hướng dẫn người dân tải và đăng ký ứng dụng VNeID

Đang chờ khám tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, chị Trần Thị Thiên Nga - 42 tuổi, ở quận 5, TPHCM - nói: “Ứng dụng VNeID tiện lợi, không sợ mất giấy tờ, hồ sơ. Khi tôi đang đi công việc muốn khám bệnh thì ghé bệnh viện khám, không cần quay về nhà lấy hồ sơ”. Trước đây, chị đã có thời gian dài sử dụng thẻ khám bệnh và rất hài lòng. Bây giờ, chị thấy ứng dụng VNeID còn tiện hơn nữa. Chị Nga chia sẻ: “Mở VNeID ra là khám bệnh được, về đến nhà đã thấy bệnh viện cập nhật kết quả khám bệnh rồi. Tuy nhiên, hiện tôi vẫn để mẹ tôi dùng thẻ khám bệnh, bởi mẹ tôi lớn tuổi, không xài điện thoại”.

Hiện nhiều bệnh viện khác tại TPHCM cũng đang gấp rút hướng dẫn người bệnh sử dụng sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Theo các bệnh viện, ban đầu người bệnh còn ngại thay đổi. Tuy nhiên, sau nhiều tháng triển khai, người trẻ tuổi đã nhận ra sự tiện lợi của ứng dụng VNeID, tự đăng ký chuyển đổi. Còn người cao tuổi chưa thể áp dụng rộng rãi bởi gần một nửa bệnh nhân không dùng điện thoại, hoặc thường xuyên quên mật khẩu, lỡ tay xóa mất ứng dụng…

Cần cơ chế riêng cho các bệnh nhi

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga - Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi - cho biết, việc tích hợp sổ khám sức khỏe điện tử vào ứng dụng VNeID giúp người bệnh đỡ các thủ tục, hồ sơ rườm rà. Bác sĩ tiết kiệm thời gian, công sức và quản lý bệnh tốt hơn. Nhưng do phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện khám, chữa bệnh đều là người cao tuổi nên khi chuyển sang ứng dụng VNeID còn chút khó khăn. “Bệnh viện đã có đội ngũ hỗ trợ, hướng dẫn người cao tuổi sử dụng VNeID. Tuy nhiên, nếu các cụ quên mật khẩu hoặc không có điện thoại thì rất khó để hỗ trợ. Tôi nghĩ cần cho các cụ thời gian để thích nghi” - bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga nói.

Tại Bệnh viện quận 8, sau 3 tháng “chạy” ứng dụng VNeID, nhân viên bệnh viện gần như đã nhập xong dữ liệu sức khỏe của bệnh nhân như: kết quả chẩn đoán, điều trị, thông tin xét nghiệm cận lâm sàng… và tích hợp vào hệ thống. Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Quốc Hùng - Giám đốc bệnh viện - thông tin, cứ đến cuối ngày, bệnh viện sẽ gửi tất cả dữ liệu khám mới đến BHYT, liên thông với dữ liệu của Bộ Y tế, cũng như ứng dụng VNeID của Bộ Công an. Từ đó, kết quả khám chữa bệnh cũng được trả về trên VNeID của người bệnh rất nhanh. Bệnh nhân ở độ tuổi 18-50 tuổi đang tiếp cận rất tốt. Hiện, bệnh viện đã vận động được 20 - 30% người bệnh dùng ứng dụng.

Bác sĩ Trần Quốc Hùng cho biết thêm: “Đối với máy thế hệ mới như máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, khả năng “đổ” tất cả kết quả khám lên phần mềm quản lý rất nhanh, chính xác. Nhưng một số thiết bị cũ như máy X-quang, siêu âm, điện tim, nội soi… và các thủ thuật khác vẫn cần nhân viên nhập tay, tốn khá nhiều thời gian, công sức và có thể xảy ra sai số. Bệnh viện đã liên hệ các bộ phận, công ty để tìm ra hệ thống chuyển đổi và gửi dữ liệu tự động nhưng chưa được”. Thêm vào đó, sự đồng bộ hóa sổ sức khỏe điện tử cũng đang bị giới hạn, khi nhiều máy trả kết quả xét nghiệm không phải bằng tập tin Word hay PDF mà là từng con số trong hạng mục. Bác sĩ phải bấm vào từng con số mới xem được… nên khi chuyển dữ liệu sẽ không đầy đủ.

Với Bệnh viện Nhi Đồng 1 chuyên trách khám, chữa bệnh cho trẻ dưới 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi chưa đủ tuổi làm căn cước công dân nên không thể cài đặt VNeID. Ngoài ra, hơn 50% bệnh nhi đến từ các tỉnh, thành khác, nếu chỉ triển khai tích hợp riêng tại TPHCM sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực trong khám chữa bệnh, cũng như liên thông dữ liệu. Vì vậy, theo bệnh viện, cần có cơ chế riêng đối với nhóm bệnh nhân này.

Hơn 1 triệu sổ sức khỏe điện tử được tích hợp VNeID

Thống kê từ Sở Y tế TPHCM, đến nay thành phố có hơn 1 triệu sổ sức khỏe điện tử được tích hợp VNeID, hơn 58.000 giấy hẹn tái khám, hơn 5.000 giấy chuyển tuyến được tích hợp trên ứng dụng này. Các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tại thành phố đã thực hiện chuyển dữ liệu lên cổng giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI