Người lao động, tiểu thương sẽ bớt gánh nặng
Gần nửa tháng qua, 10 nhân viên ở sạp hàng của bà Lương Thị Phương Thảo trong chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) cũng có việc làm sau 10 tuần mất việc do dịch COVID-19. Bà Phương Thảo cho biết, khi hay tin trạm trung chuyển hàng hóa chợ đầu mối Bình Điền mở cửa, gia đình bà rất vui, nhưng các nhân viên còn vui hơn. Đa số họ đều có hoàn cảnh khó khăn, hơn hai tháng mất việc khiến họ lâm vào cảnh thiếu thốn.
Hiện nay, tuy chỉ hoạt động dưới hình thức là điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nhưng chợ Bình Điền cũng có 20 hộ kinh doanh tham gia với khoảng 200 người lao động.
|
Người lao động ở chợ đầu mối Bình Điền vừa làm việc, vừa tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19 |
Bà nói: “Nhà tôi kinh doanh cá tươi, chủ yếu bỏ mối cho hàng ăn, siêu thị. Những ngày đầu mở cửa, hàng chỉ về đôi ba tấn. Từ ngày 16/9, nhiều cửa hàng được kinh doanh trở lại nên mối hàng lấy nhiều hơn chút đỉnh. Tôi nghĩ, tháng sau, sức mua sẽ tăng”.
Đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền cho biết, khi tái hoạt động, công ty bố trí cho mỗi vựa 720m2 sân để làm điểm tập kết hàng chứ không tập trung trong nhà lồng chợ. Để vào chợ Bình Điền, các hộ kinh doanh phải có kết quả xét nghiệm âm tính và đã được tiêm vắc xin COVID-19.
Từ ngày 7, 17 và 20/9, các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn lần lượt đưa vào hoạt động điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Ngày 19/9, biết tin hôm sau chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn mở lại điểm trung chuyển hàng hóa, chị Nguyễn Thị Chính vội gọi điện thoại cho ban quản lý chợ hỏi thăm. Chị Chính không có tên trong danh sách gần 20 hộ được hoạt động lần này. Ban quản lý cho biết, sau vài ngày mở cửa, sẽ rút kinh nghiệm, tăng dần số hộ kinh doanh nên chị Chính cũng yên tâm chờ đợi.
Từ khi nghỉ chợ, chị Chính phải chuyển sang bán lẻ, chủ yếu trong quận 12 nhằm giữ chân nhân viên, chờ ngày chợ mở cửa. Chị nói: “Nhân viên của tôi đã tiêm vắc xin đầy đủ nên họ rất muốn đi làm trở lại. Ở nhà mấy tháng nay, ai cũng khó khăn”.
Các điểm trung chuyển hàng hóa chợ đầu mối mở cửa, nguồn thực phẩm tươi sống ở TPHCM cũng phong phú hơn. Chị Nguyễn Trúc Ly quyết định mở lại quán ăn trên đường Phan Anh, quận Tân Phú với hai nhân viên, bán đồ mang đi.
Theo chị Trúc Ly, UBND TPHCM cho phép dịch vụ kinh doanh ăn uống bán mang đi từ gần nửa tháng nay nhưng quán chị mới mở cửa từ ngày 16/9 vì nghĩ ngày 15/9 là hết giãn cách xã hội. Chị cho hay, trong mấy tháng đóng cửa quán, chị phải gồng mình gánh tiền mặt bằng. Khi mở cửa lại, khách vẫn còn ít nhưng dù gì cũng dễ thở hơn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nửa tháng qua, trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TPHCM, hàng quán đã mở cửa lại. Hiện tại, do chỉ bán mang đi nên quy mô buôn bán chỉ bằng khoảng 50% so với trước đây nhưng cũng giúp chủ dịch vụ giảm bớt khó khăn và người lao động cũng có việc làm, thu nhập.
Mong ngày “bình thường mới”
Khu nhà B8/5 Võ Văn Vân, ấp 2A, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh có 37 phòng trọ. Mấy hôm nay, một số người thuê phòng đã rục rịch đi làm. Xóm trọ này đa phần là lao động tự do, công nhân, xe ôm, nhân viên các cửa hàng. Từ tháng Sáu, hàng trăm người trong khu nhà trọ này bị thất nghiệp do phải giãn cách xã hội. Sau ba tháng cầm cự bằng tiền tích góp và hàng cứu trợ, gần đây, một số người đã đi làm lại khi hàng quán mở cửa.
Chị Trịnh Thị Thu Trang - cư dân khu trọ - cho biết: “Đa phần mọi người ở đây được cán bộ ấp gọi đi tiêm vắc xin hết rồi, có “thẻ xanh COVID” nên chỉ chờ chủ gọi điện kêu đi làm là đi thôi”.
|
Người dân thay đổi thói quen, thích ứng để sống chung với dịch |
Sau hơn ba tháng phơi lưới, mấy ngày qua, ông Nguyễn Thanh Sơn - ở phường 15, quận Gò Vấp - bắt đầu nóng ruột, mong ngày hạ thủy chiếc ghe để đi đánh bắt cá. Ông Sơn làm nghề đánh cá trên sông Vàm Thuật nhiều chục năm qua. Từ tháng 6/2021, khi có lệnh “ai ở đâu ở yên đó”, ông Sơn treo lưới ở nhà. Bây giờ, cả nhà đã được tiêm vắc xin, ông Sơn muốn đi làm để có nguồn sống cho gia đình.
Ông chia sẻ: “Hai hôm nay, tôi chỉ chèo ở đoạn sông sát nhà để kiếm cá, chưa dám đi xa vì chưa có quy định về việc di chuyển trên sông. Tôi mong được đi kéo lưới lại vì nghề này chỉ lênh đênh một mình trên sông, không tiếp xúc ai, với lại tôi cũng đeo khẩu trang kỹ càng”.
Mấy ngày qua, vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh - ở TP. Thủ Đức, kinh doanh xe buýt chạy tuyến 141 - cũng lau dọn lại xe, chuẩn bị phương án chạy xe đón khách trong trạng thái “bình thường mới”. Từ tháng 6/2021, năm chiếc xe buýt nhà anh phải ngưng hoạt động. Hơn ba tháng qua, anh Minh chạy xe từ thiện chở F0 cho ngành y TP. Thủ Đức. Anh Minh cho biết: “Tài xế, tiếp viên xe tôi đã chích đủ hai mũi vắc xin rồi. Mấy tháng nay nghỉ dịch, cuộc sống họ cũng khó khăn”.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, đã ban hành bộ tiêu chí hoạt động giao thông vận tải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với tám hoạt động chính. Theo đó, xe khách được hoạt động khi người điều khiển phương tiện, người phục vụ đã được tiêm vắc xin COVID-19 đủ mũi, mũi tiêm gần nhất đủ 14 ngày, có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.
Ngoài ra, phương tiện phải có vách ngăn giữa người điều khiển và hành khách, trang bị dung dịch sát khuẩn, không đóng kín cửa, sử dụng máy lạnh trên 26 độ C, không được vận chuyển quá 50% sức chứa, không thanh toán bằng tiền mặt, có khử khuẩn phương tiện khi kết thúc hành trình.
Các sở, ngành khác cũng đều ban hành bộ tiêu chí để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, trong đó có tiêu chí đã tiêm một hoặc hai mũi vắc xin.
TPHCM làm gì để sống chung với dịch an toàn?
Trong buổi gặp gỡ, lắng nghe các chuyên gia góp ý về kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế hôm 17/9, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, TPHCM đang chuẩn bị chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, sống trong môi trường có COVID-19. Do đó, cần chuẩn bị thói quen, tinh thần và các điều kiện cần thiết để ứng phó phù hợp với môi trường sống có COVID-19.
Các chuyên gia cho rằng, sống chung với COVID-19 là điều tất yếu. Đây là cuộc chiến lâu dài, không nên tốn quá nhiều sức dẫn đến kiệt quệ, bởi nếu quét sạch COVID-19 lần này, cũng không đảm bảo COVID-19 sẽ không đến lần nữa; có thể tiêu diệt COVID-19 nhưng không thể tiêu diệt ngay mà phải trong những năm tới, cùng với các quốc gia khác.
Các chuyên gia nhất trí rằng, mạng lưới y tế cơ sở là rất quan trọng trong việc phòng, chống dịch. Chính quyền thành phố cần đầu tư lâu dài cho hệ thống y tế cơ sở, phân bố tỷ lệ nhân viên y tế cơ sở phải dựa trên tổng số dân cư trên địa bàn chứ không dựa vào đơn vị hành chính và cần có các chính sách hợp lý để đầu tư, phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Mạng lưới bác sĩ gia đình chính là mạng lưới y tế cơ sở tốt nhất, giải quyết sự quá tải cho các bệnh viện. Do đó, nhất thiết phải xây dựng tốt mạng lưới bác sĩ gia đình.
Về nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, các chuyên gia cho rằng, phải mở cửa trên cơ sở an toàn, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng như bao phủ vắc xin, đồng thời dự phòng rủi ro sau khi nới lỏng biện pháp giãn cách, chẳng hạn nhà máy phải có phương án xử lý khi xuất hiện F0.
Nếu có trường hợp mắc COVID-19 trong doanh nghiệp thì phải cách ly nhưng những người khác chỉ cần xét nghiệm để xác định ca lây nhiễm, có biện pháp xử lý phù hợp thay vì phải cách ly toàn bộ F1 và phải đóng cửa, dừng hoạt động cả doanh nghiệp như trước đây.
|
Sơn Vinh