Người dân có quyền yêu cầu CSGT thay ống thổi mới khi đo nồng độ cồn

14/12/2023 - 19:48

PNO - Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, người dân phát hiện lực lượng CSGT không thay ống thổi mới có thể yêu cầu CSGT thay ống thổi khác.

Chiều 14/12, tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM - trả lời báo chí về vấn đề người dân phản ánh CSGT dùng chung ống thổi để đo nồng độ cồn. 

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM - trả lời tại họp báo
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM - trả lời tại họp báo

Theo quy trình, CSGT TPHCM tiến hành theo phương pháp kiểm tra định tính (dùng phễu để xác định người điều kiển phương tiện có nồng độ cồn trong hơi thở hay không). Việc thổi một hơi thở tốn khoảng 3-5 giây, nếu không phát hiện nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện được tiếp tục hành trình tham gia giao thông.

Trong trường hợp phát hiện vi phạm, CSGT sẽ yêu cầu người vi phạm đưa phương tiện vào khu vực xử lý. Tại đây, lực lượng chức năng dùng máy đo định lượng (máy dùng ống thổi, máy lúc này là dùng mỗi người 1 ống thổi riêng biệt. CSGT sẽ lấy, bóc ống thổi trong túi nylon hoặc để người vi phạm tự tay bóc ống thổi ra và cắm vào máy để thổi) nhằm xác định mức độ vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định.

“Người dân phát hiện lực lượng CSGT không thay ống thổi mới (bước kiểm tra định lượng) có thể yêu cầu CSGT thay ống thổi khác. Nếu đơn vị, cá nhân nào chưa thực hiện đúng quy định, các cá nhân có thể phản ánh cụ thể về công an TPHCM để đơn vị kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý” - thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết. 

Tội phạm phát sinh từ các hội, nhóm kín trên mạng xã hội diễn biến phức tạp 

Tại họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin thêm, hiện nay, tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao trên thế giới và Việt Nam diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng không gian mạng để liên lạc, trao đổi, bàn bạc và thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó có các hội, nhóm kín trên mạng xã hội như: Zalo, Telegram, Facebook với mục đích tìm cách trốn nợ, vay nợ, bùng nợ hay bàn bạc thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến tội phạm tín dụng đen, cướp tài sản, tội phạm cờ bạc, ma túy hay các hình thức tệ nạn xã hội khác…

“Đây là hành vi hết sức nguy hiểm, do đây là môi trường tập hợp nhiều đối tượng đang rơi vào khó khăn, túng quẫn nhưng lười lao động và có xu hướng hình thành tư tưởng phạm tội và băng nhóm tội phạm. Thậm chí, một số đối tượng có hành vi tán phát các bài viết để hướng dẫn thực hiện hành vi phạm tội hoặc lôi kéo, bàn bạc cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội” - thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh. 

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, hiện nay Công an TPHCM  đã thực hiện một số giải pháp để ngăn chặn tội phạm phát sinh từ các hội, nhóm kín trên mạng xã hội, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các công ty cung ứng dịch vụ mạng xã hội nâng cao trách nhiệm quản lý nội dung, kịp thời gỡ bỏ các hội, nhóm, tài khoản, trang mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Tú Ngân

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu