Người dân chật vật sống chung triều cường

23/10/2024 - 05:55

PNO - Những ngày vừa qua, triều cường dâng cao khiến đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TPHCM) chìm trong biển nước, các phương tiện di chuyển khó khăn, cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn.

Đường thành sông

Đường Trần Xuân Soạn chìm trong biển nước trong đợt triều cường ngày 18/10
Đường Trần Xuân Soạn chìm trong biển nước trong đợt triều cường ngày 18/10

Đường Trần Xuân Soạn dài khoảng 3,3km, nối đường Huỳnh Tấn Phát với cầu Rạch Ông, kết nối giao thông với quận 8 và quận 4, có lưu lượng xe cộ tương đối lớn, nhưng thường xuyên bị ngập khi mưa, triều cường, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và đời sống của người dân trong khu vực. Bởi vậy, đây được xem là một trong những “rốn ngập” của TPHCM.

Mỗi khi triều cường dâng cao, nước từ kênh Tẻ tràn qua đường Trần Xuân Soạn khiến nhiều đoạn đường bị ngập. Đặc biệt, một số vị trí (như khu vực dưới chân cầu Tân Thuận 2) bị ngập sâu, nước tràn vào nhà, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, đồ dùng bị hư hỏng, hàng quán cũng rơi vào cảnh ế ẩm.

Đường ngập còn gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Nhiều phương tiện bị chết máy khi đi vào chỗ ngập sâu. Học sinh thường phải lội nước sau giờ tan trường. Anh Nguyễn Quốc Thịnh (sống trên đường Trần Xuân Soạn) cho biết, triều cường xuất hiện mỗi tháng 2 lần, mỗi lần kéo dài 3-4 ngày, vào sáng sớm và chiều tối. Tình trạng ngập nặng thường xảy ra từ tháng 10-12, những tháng khác thì mực nước triều thấp hơn.

Mỗi khi đường ngập, anh Thịnh thường đóng cửa để hạn chế nước và rác trôi vào nhà. Dù cuộc sống bị ảnh hưởng, anh vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều gia đình khác. “Trong hẻm có những căn nhà rất thấp, khi triều dâng cao, nước từ lỗ thoát trong nhà tắm, nhà vệ sinh tràn ngược lên nhà, dơ bẩn, rất kinh khủng” - anh Thịnh cho biết.

Dù sống ở khu vực này đã hơn 5 năm nhưng anh Nguyễn Lê Tiến (phường Tân Thuận Tây) vẫn chưa thể quen với việc phải lội nước đi làm hoặc về nhà. Anh cho biết, mỗi lần như thế, anh xắn quần, tháo giày, đồng thời phải hết sức tập trung lái xe để không bị ngã. “Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh xe tải, xe container di chuyển trong nước, tạo những vệt sóng xô ngã người đi xe đạp, xe máy, rất nguy hiểm” - anh nói.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (phường Phú Mỹ) cho hay, trước đây gia đình chị mua nhà bên đường Trần Xuân Soạn và sống ở đó 4 năm. Do không chịu được cảnh đường ngập nước nên gia đình chị đã bán nhà để chuyển đi nơi khác.

Năm 2025 đường Trần Xuân Soạn sẽ hết ngập?

Tại kỳ họp thứ 18, HĐND TPHCM khóa X vào tháng Chín vừa qua, các đại biểu đã thảo luận và biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án giúp chống ngập cho khu vực đường Trần Xuân Soạn.

Thứ nhất là dự án nâng cấp, cải tạo chống ngập đường Trần Xuân Soạn, dài 3,3km (từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Rạch Ông) với tổng mức đầu tư 245 tỉ đồng, nhằm đảm bảo thoát nước, chống ngập, cải thiện vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho khu vực.

Dự án sẽ sửa chữa và nâng cấp mặt đường hiện hữu với bề rộng theo hiện trạng và nâng đường theo cao độ quy hoạch 2,1m; xây dựng hệ thống thoát nước để đảm bảo thoát nước cho toàn khu vực xung quanh với các hệ thống cống, hầm ga D600 đến D1500 và các cửa xả theo quy hoạch; xây dựng và nâng cấp gờ lan can phía bờ kè, chiều dài khoảng 1km; nâng cấp vỉa hè theo cao độ quy hoạch đường.

Thứ hai là dự án xây dựng bờ kè đường Trần Xuân Soạn với tổng mức đầu tư 130 tỉ đồng nhằm đảm bảo an toàn kết cấu bờ kè và hạ tầng dọc tuyến kè, chống sạt lở, đồng thời từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo quy hoạch. Dự án sẽ xây dựng kè bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài khoảng 700m; đầu tư xây dựng công viên cây xanh tại vị trí kè làm mới…

Cả 2 dự án đều do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 7 làm chủ đầu tư và sẽ thực hiện trong giai đoạn 2024-2025.

Nghe tin sắp triển khai 2 dự án nói trên, bà con sống tại khu vực đường Trần Xuân Soạn rất vui và hy vọng rồi đây đường sẽ hết ngập, cuộc sống sẽ tốt hơn. Ông Trần Minh Điện - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 7 - cho biết, sau khi được HĐND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án đã được bố trí vốn. Hiện, đơn vị đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Theo kế hoạch, trong năm 2025 dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Quận sẽ tập trung thực hiện dự án nhanh nhất để giải quyết vấn đề đường ngập cho người dân.

Về lo lắng khi đường nâng lên quá cao sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ông Trần Minh Điện khẳng định, không có chuyện nâng đường lên cao 1 - 2m. Hiện nay, tuyến đường có nhiều đoạn cao, thấp khác nhau, nhưng chỗ thấp nhất cũng chỉ nâng thêm 0,65m.

Vũ Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI