Bệnh nhân thận đỡ khổ
Mắc bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối, chị T.T.N.P. (32 tuổi, ở xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) phải chạy thận nhân tạo 3 ngày mỗi tuần. Thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần, chị P. đều dậy từ sáng sớm, một mình đi xe máy gần 80km đến Bệnh viện huyện Nhà Bè chạy thận. Nếu qua phà thuận lợi, chạy thận xong cũng phải chiều tối chị mới về tới nhà.
Mỗi khi nhớ lại hành trình một mình băng qua Rừng Sác, không ít lần té ngã vì bị choáng váng, chị P. đều chảy nước mắt: “Con còn quá nhỏ, nếu chồng đưa tôi đi bệnh viện, ai sẽ chở con tới trường, ai đi làm nuôi gia đình. Tôi chỉ ngất xỉu khi thời tiết quá nóng hoặc mưa nhiều, có khi người đi đường thấy thì đưa tôi đến bệnh viện. Còn không, lúc tôi tỉnh dậy, ngồi cho đỡ mệt rồi từ từ về nhà”.
Chính vì vậy, lúc bác sĩ cho biết sẽ được chạy thận tại Đơn vị Thận nhân tạo Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, chị P. mừng lắm. Dù bệnh viện cách nhà hơn 20km, nhưng mỗi sáng chị P. vẫn có thể chăm cho con ăn, đưa bé đến trường rồi vào chạy thận. Chị nói: “Tầm 11 giờ là tôi lọc thận xong rồi, về nhà cũng kịp giờ đón con, nấu ăn và dọn dẹp. Đợi sức khỏe ổn chút, tôi sẽ nhận may gia công trở lại để cùng chồng lo cho con tốt hơn”.
|
Chị P. đã bớt cực nhọc khi được chạy thận nhân tạo ngay tại địa phương - Ảnh: P.AN |
Một bệnh nhân đang chạy thận tại Đơn vị Thận nhân tạo Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ như chị P. anh L.M.D. (52 tuổi, ở thị trấn Cần Thạnh) cho biết: “Mấy năm qua, tôi cứ khổ sở, phiền con phiền cháu chở lên Bệnh viện Quân y 175 chạy thận. Vật vạ phà, xe cực lắm, mình cực một, tội nghiệp con cháu mười. Khi nghe trung tâm y tế huyện có chạy thận, tôi cứ chờ mong. Nhà tôi đi 5 phút là tới rồi, lọc máu xong về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi một chút rồi đi làm rất tiện”.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Từ Kim Thanh - Trưởng khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho hay: khi biết tại huyện Cần Giờ có đến 41 bệnh nhân phải lọc thận nhân tạo, ban giám đốc bệnh viện đã quyết định xung phong hỗ trợ Cần Giờ chạy thận nhân tạo cho người bệnh. Thời gian đầu, có 5 máy chạy thận phục vụ 16/41 người bệnh. Dự kiến trong 2 tháng tới, sẽ lắp đặt thêm 5 máy, có thể chạy thận 3 ca/ngày cho 30 đến 60 bệnh nhân.
Đưa bác sĩ, thiết bị hiện đại đến xã đảo
Hơn 1 năm trước, người dân tại xã đảo Thạnh An vui mừng khôn siết khi chiếc máy X-quang tại giường có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), và hệ thống PACS (lưu trữ, truyền hình ảnh), cùng các bác sĩ trẻ về Trạm y tế xã Thạnh An.
Anh Trần Văn Minh (45 tuổi, ở xã đảo Thạnh An) cho biết: có bác sĩ, thiết bị mới, bà con đỡ chật vật lặn lội vào trung tâm thành phố khám bệnh. Anh ngao ngán kể có lần con trai anh sốt cao, co giật, anh phải ôm con, nhờ người dân dùng ghe chạy 7km vào trung tâm Cần Giờ, rồi tiếp tục đi hơn 40km vào bệnh viện trong thành phố khám bệnh. “Con cứ lịm dần trên tay, đường vừa xa, vừa vắng, không biết kêu ai. Bây giờ khác rồi, tôi và người dân nơi đây muốn khám bệnh, chụp chiếu chỉ cần đến trạm y tế. Kể cả khi mẹ tôi bệnh, không đi khám được, bác sĩ cũng đến nhà chăm sóc” - anh Minh chia sẻ.
Cũng nhờ máy X-quang tích hợp AI, bác sĩ tại Trạm y tế xã Thạnh An đã kịp thời phát hiện cụ bà hơn 90 tuổi bị tràn dịch màng phổi, đưa bà vào Bệnh viện huyện Cần Giờ, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cứu sống bệnh nhân trong gang tấc.
Chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của y tế địa phương, Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng gửi lời cảm ơn ngành y tế thành phố đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ cho địa phương trong tăng cường lực lượng y bác sĩ khám chữa bệnh, cũng như các thiết bị hiện đại chăm sóc tốt sức khỏe cho bà con nơi đây.
Đặc biệt, Trạm y tế xã Thạnh An - nơi xa xôi, khó đi nhất Cần Giờ đã có máy X-quang hiện đại. Lực lượng bác sĩ trẻ luân phiên hỗ trợ y tế tại đây, cùng các kỹ thuật hiện đại như dùng AI trong chẩn đoán, hồ sơ sức khỏe điện tử, triển khai telemedicine kết nối hội chẩn từ xa giữa bác sĩ trên xã đảo với các bác sĩ chuyên khoa tuyến cuối của thành phố... Mới đây là hệ thống lọc thận nhân tạo được đặt tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ. Nhờ vậy, bà con được khám, chữa bệnh sớm hơn, không còn cực nhọc vượt hàng chục cây số vào trung tâm thành phố khám bệnh.
“Tôi rất mong trong thời gian tới, Sở Y tế TPHCM cùng các bệnh viện trong thành phố tiếp tục quan tâm, giúp đỡ cho Cần Giờ nhằm củng cố và nâng cao năng lực cho huyện, để chúng tôi có thể chăm sóc sức khỏe người dân toàn diện hơn” - ông Lê Minh Dũng nói.
Y tế địa phương ngày càng đến gần người dân
Tính đến ngày 17/10, sau gần 11 tháng thực hiện đề án “Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho trạm y tế xã đảo Thạnh An” - bác sĩ Luân Thanh Trường - Trưởng Trạm y tế xã Thạnh An - cho biết chương trình công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân đã được cải thiện về cả số lượng và chất lượng.
Cụ thể, tổng số ca khám bệnh tại xã đảo đạt 5.580 ca, tăng 678 ca so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 424 lượt khám bệnh cho người dân ấp Thiềng Liềng, 103 ca cấp cứu chuyển đến Trung tâm Y tế Cần Giờ. Nhờ sử dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh, trạm y tế kịp thời phát hiện 95/263 trường hợp mắc bệnh qua chụp X-quang, nhiều nhất là tràn dịch màng phổi với 26 ca, thoái hóa xương khớp, đông đặc phổi, còn lại là nốt vôi hóa phổi, xẹp phổi, gãy xương, bệnh tiết niệu…
Các bác sĩ ngay tại xã đảo đã hội chẩn cùng các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh, đưa ra hướng xử trí phù hợp cho 11 ca có kết quả X-quang nặng. Ngoài ra, các bác sĩ còn phối hợp với trạm y tế, tổ chức khám bệnh tại nhà cho 284 bệnh nhân cao tuổi, mắc bệnh nền. Với sự quyết tâm trong điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân, hiện nay bà con đã tin tưởng các bác sĩ, cán bộ trạm hơn, có sự hợp tác điều trị khá tốt, giảm hẳn việc tự ý lên tuyến trên.
Khởi động đề án củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, toàn huyện Cần Giờ có 19.589 hộ dân, với 77.894 nhân khẩu, mật độ dân cư thưa, phân bố không đều, có xã quy mô dân số trên 20.000 người, nhưng có xã quy mô dân số dưới 5.000 người. Trong khi đó, tổng số nhân viên y tế chỉ có 239 người gồm 21 bác sĩ, 125 điều dưỡng, hộ sinh, còn lại là nhân viên khác. 5 năm gần đây, trung tâm y tế lại không tuyển dụng được bác sĩ, hoặc tuyển dụng được nhưng sau một thời gian ngắn thì xin nghỉ việc. Tình trạng này khiến nhiều danh mục kỹ thuật không được triển khai, phải nhận hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện trong thành phố, chưa đáp ứng hết nhu cầu điều trị của người dân. Vì vậy, người dân lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị, mất rất nhiều thời gian đi lại và tốn kém chi phí. Trước thực trạng này, Sở Y tế đã xây dựng đề án “Củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ giai đoạn từ nay đến năm 2025 và giai đoạn 2025-2030”. Tại buổi họp vào sáng 18/10/2023, lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo huyện Cần Giờ thống nhất cao không phải chờ đến khi đề án được UBND thành phố phê duyệt, mà sẽ triển khai ngay những hoạt động cấp bách và thiết thực trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân huyện Cần Giờ. Cụ thể là luân phiên bác sĩ trẻ tình nguyện đến công tác tại Trạm y tế xã Thạnh An, triển khai đơn vị chạy thận thuộc Bệnh viện Lê Văn Thịnh đặt tại trung tâm y tế huyện, sắp đến là thành lập Trạm cấp cứu vệ tinh do Trung tâm Cấp cứu 115 đảm trách… |
Phạm An