Người dân cần có “đề kháng” trên không gian số

12/11/2024 - 10:22

PNO - Sáng 12/11, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 12/11
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 12/11 - Ảnh: Q.H.

ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) đặt vấn đề, mạng xã hội phát triển đi kèm hệ lụy là tin giả, tin rác gây hoang mang dư luận. Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp nào để hạn chế tình trạng này.

Cùng mối quan tâm trên, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) phản ánh, trong thời đại bùng nổ thông tin, với sự hỗ trợ của mạng xã hội, có hiện tượng “người người, nhà nhà làm báo”, mở kênh riêng, đưa thông tin, bán hàng. Trong đó có nhiều thông tin giật gân, sai sự thật, vi phạm bản quyền, vi phạm thuần phong mỹ tục... ĐBQH đề nghị Bộ trưởng có biện pháp để tăng cường vai trò của báo chí cách mạng trong bối cảnh trên.

Trả lời chất vấn ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng cho hay phải tiếp tục hoàn thiện thể chế. Trước đây, các quy định chỉ mới dừng lại ở xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa tin sai sự thật, tin giả. Trong Nghị định mới được ban hành, các nền tảng mạng xã hội vi phạm luật pháp Việt Nam sẽ bị xử phạt.

“Trước đây, chúng ta nghĩ nhiều đây là trách nhiệm quản lý nhà nước, nhưng thực tế, trách nhiệm lớn thuộc về các nền tảng xã hội. Họ có không gian riêng, số điện thoại với hàng chục triệu thậm chí hảng tỉ người dùng. Họ có trách nhiệm quản lý và gỡ thông tin xấu độc” - Bộ trưởng Hùng nói.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường truyền thông để người dân có kỹ năng số, biết sử dụng nền tảng số, có “đề kháng” trên không gian số. Bởi theo Bộ trưởng, chúng ta sống trong thế giới thực hàng ngàn năm vẫn còn nhiều tồn tại trong khi đó, không gian số là không gian mới lạ, chỉ xuất hiện chục năm gần đây.

Người dân bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc, cần có nơi để phản ánh, giúp đỡ. Bộ đã thành lập Trung tâm chống tin giả quốc gia. Gần đây các địa phương cũng đã thành lập các trung tâm này.

Theo Bộ trưởng, khi mạng xã hội ra đời, tin tức ở đây đưa nhanh hơn bởi có hàng chục triệu phóng viên không mất tiền, có mặt khắp nơi. Báo chí muốn giữ vững trận địa của mình phải làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi là đưa tin xác thực, khách quan, có trách nhiệm nghề nghiệp. Thay vì đưa tin, báo chí đưa ra giải pháp, định hướng, dẫn dắt xã hội.

Những thông tin của báo chí phải định hướng được dòng chảy chính trên mạng xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo xác định đây là hướng chính để khẳng định vị trí, vai trò của báo chí cách mạng.

ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị có giải pháp tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và báo chí truyền thống.

ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị có giải pháp tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và báo chí truyền thống
ĐBQH Phạm Văn Hòa

Bộ trưởng cho biết hiện nay, 80% quảng cáo của báo chí rơi vào mạng xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã ra một chỉ thị về truyền thông chính sách, trong đó xác định rõ, chính quyền các cấp phải xem truyền thông chính sách là nhiệm vụ của mình, là nguồn tăng thêm của kinh tế báo chí. Chúng ta cần có chiến lược chuyển đổi số quốc gia để báo chí phát triển tương đương với nền tảng xã hội.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI