Người dân Cà Mau thoát nghèo nhờ loài cây mọc hoang

20/10/2024 - 10:44

PNO - Cây bồn bồn đã giúp nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở Cà Mau vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn thu nhập ổn định. Không những vậy, phần phế phẩm của cây này còn được các chị em phụ nữ ở Cà Mau tận dụng làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo xu hướng xanh và thân thiện với môi trường.

Bỏ túi hàng trăm triệu đồng

Bồn bồn trước đây được xem là loài cây mọc hoang được phân bổ nhiều tại một số địa phương ở miền Tây. Người dân nơi đây có thời gian từng tìm mọi cách tiêu diệt loài cây trên.

Cây bồn bồn đã mang lại nguồn thu nhập khá và ổn định cho nhiều người dân ở Cà Mau
Cây bồn bồn đã mang lại nguồn thu nhập khá và ổn định cho nhiều người dân ở Cà Mau

Song, khi vươn mình trở thành đặc sản thì cây bồn bồn lại được nhiều người dân chọn làm cây trồng để phát triển kinh tế. Bà Nguyễn Thị Trăm (45 tuổi, ngụ huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho biết, gia đình có hơn 1ha nuôi cá đồng kết hợp với trồng bồn bồn. Loại đặc sản này mang về thu nhập cho gia đình bà hơn 400 triệu đồng/năm. “Trồng bồn bồn, người dân không cần tốn nhiều công chăm sóc do chúng là loài hoang dã nên sức sống rất mạnh liệt. Tuy nhiên, cực là phải trầm mình dưới nước trong thời gian dài khi thu hoạch. Bà con vùng này có thể sống khỏe nhờ loài cây trên bởi mỗi ngày đều có tiền bỏ túi” - bà Trăm phấn khởi nói.

Thu hoạch bồn bồn
Thu hoạch bồn bồn

Khi bình minh chưa ló dạng, người dân đã vội vã ra đồng nhổ bồn bồn rồi vận chuyển vào nhà tách bỏ vỏ lấy phần lõi non bán cho thương lái để họ kịp giao cho nhà hàng, quán ăn, tiểu thương ở các chợ đầu mối. Hiện, đặc sản trên được thu mua tại nhà dân với giá trên dưới 25.000 đồng/kg.

Lõi bồn bồn có vị ngọt thanh, giòn nên khi chế biến thành các món ăn đã tạo nên hương vị đặc trưng riêng. Các món bồn bồn xào tôm, vộp; hay dưa bồn bồn đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhiều du khách khi đến với vùng đất cực Nam của Tổ quốc.

Bà Trần Hồng Ửng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh cho hay, toàn huyện có trên 100ha nuôi cá đồng kết hợp với trồng bồn bồn. “Mô hình này không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho nhiều hộ dân mà còn giúp nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Trước đây, người dân chỉ bán phần lõi non của cây bồn bồn, còn giờ phần lá của loài cây này cũng được thương lái hỏi mua để làm hàng thủ công mỹ nghệ nên người dân cũng có thêm thu nhập” - bà Ửng khoe.

Tạo việc làm cho phụ nữ nông nhàn

Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành ngân hàng, chị Phạm Thị Hồng Nguyên (33 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã chọn lên Bình Dương làm việc với mong muốn tìm kiếm cơ hội phát triển mới dù tại địa phương chị đã có công việc mang lại thu nhập ổn định. Trong quá trình làm việc tại đây, chị Nguyên được những người quen sống cùng khu trọ truyền lại “bí quyết” làm hàng thủ công mỹ nghệ bằng lục bình. Nhận thấy nguồn nguyên liệu lá bồn bồn tại địa phương có thể thay thế lục bình để làm những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, nên người phụ nữ này đã nảy sinh ý định khởi nghiệp từ loại phế phẩm nông nghiệp trên.

Năm 2022, chị Nguyên quyết định từ bỏ công việc có mức lương ổn định tại Bình Dương để trở về quê lập nghiệp. “Do thiếu kinh nghiệm nên lúc đầu thực hiện tôi đã trải qua nhiều lần thất bại. Lúc này, tôi lên mạng học hỏi thêm để bổ sung kiến thức cộng với kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn thì cuối cùng cũng thành công” - chị Nguyên nhớ lại. Các sản phẩm túi xách, ba lô… làm từ lá bồn bồn của chị Nguyên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn bởi ngoài giá cả phải chăng (từ 200.000 - 450.000 đồng/sản phẩm), nó còn toát lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh lịch của phụ nữ Việt Nam dù chúng được thiết kế theo phong cách hiện đại. “Nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ từ lá bồn bồn đã giúp tôi thu lợi hàng chục triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, công việc này còn tạo việc làm cho hơn 10 chị em phụ nữ là lao động nông nhàn tại địa phương” - chị Nguyên bộc bạch.

Thời gian qua, chị Nguyên đã tận dụng nền tảng mạng xã hội để bán hàng cũng như tích cực tham gia các hội chợ diễn ra trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Chia sẻ với phóng viên, nhiều người tiêu dùng cho hay các sản phẩm theo xu hướng xanh nói chung và những chiếc túi xách làm từ lá bồn bồn nói riêng đang được thị trường rất đón nhận bởi chúng góp phần lan tỏ thông điệp bảo vệ môi trường. “Tôi thấy các bạn nữ sử dụng túi xách làm từ lá bồn bồn tham dự các sự kiện không chỉ đẹp mà còn thể hiện trách nhiệm với môi trường” - anh Huỳnh Hoàng Thành (32 tuổi, ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) nói.

Bà Trương Thị Liễu - Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú cho hay, những sản phẩm làm từ lá bồn bồn của chị Nguyên sở hữu nhiều lợi thế do giá thành nguyên liệu thấp và dễ tìm.

Túi xách, ba lô làm từ lá bồn bồn nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên nên khi không sử dụng cũng sẽ trở thành phân hữu cơ. Bên cạnh hiệu quả kinh tế và ý nghĩa môi trường thì cơ sở của bà Nguyên còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người lao động ở địa phương” - bà Liễu nhận xét.

Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Lãnh đạo Hội LHPN xã Thạnh Phú cho biết, địa phương sẽ hỗ trợ bà Phạm Thị Hồng Nguyên nói riêng và các mô hình khởi nghiệp theo xu hướng xanh nói chung tìm kiếm thêm đầu ra để thị trường được đa dạng hơn. Bên cạnh đó, hội còn phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cái Nước tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư trang thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất.

Hoàng Thịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI