Người dân bức xúc với hàng giả, thực phẩm kém chất lượng

13/11/2023 - 05:43

PNO - Hàng giả và thực phẩm kém chất lượng là 2 vấn đề mà cử tri TPHCM quan tâm nhất khi phản ánh trong chương trình “Dân hỏi, chính quyền trả lời” do HĐND TPHCM phối hợp với Đài truyền hình TPHCM tổ chức ngày 12/11.

Quyền lợi người tiêu dùng bị bỏ quên?

Cử tri Nguyễn Hữu Ngữ (quận Bình Tân) cho rằng, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan đã gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, tính mạng người dân, phá nát môi trường kinh doanh lành mạnh. 

Ông thắc mắc, chính quyền TPHCM có chương trình hành động cụ thể nào để ngăn chặn, triệt tiêu tình trạng này khi cách kiểm tra truyền thống của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) chưa hiệu quả; các chứng nhận chất lượng như ISO, HACCP, ICB… có đáng tin cậy hay chỉ để gian thương lợi dụng, “lập lờ đánh lận con đen”? Ông cũng đặt vấn đề: “Trách nhiệm và hướng xử lý đối với hành vi quảng cáo không đúng sự thật, có sự tham gia của người nổi tiếng, của các bác sĩ, người có sức ảnh hưởng đến công chúng là như thế nào”.

Người dân mua hàng ở chợ Nhật Tảo, quận 10, TPHCM
Người dân mua hàng ở chợ Nhật Tảo, quận 10, TPHCM

Một số cử tri bày tỏ lo lắng về việc một số chợ đầu mối, chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh thực phẩm chưa tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP). Bên cạnh đó, các loại thực phẩm xách tay, thực phẩm đông lạnh, sữa non, tour du lịch 0 đồng… đang được rao bán, quảng cáo nhan nhản trên các nền tảng mạng xã hội nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Một số cử tri băn khoăn: hàng lậu đến tay người tiêu dùng một thời gian dài, vụ án buôn lậu mới bị phanh phui, là do sự quản lý của QLTT quá yếu kém hay có sự bảo kê buôn lậu? 

Ngay cả ở các sàn thương mại điện tử uy tín, người tiêu dùng vẫn mua phải sản phẩm kém chất lượng, nhận hàng chỉ có bao bì mà không có sản phẩm, sản phẩm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng… Trong nhiều vụ việc, người tiêu dùng không liên hệ được với người bán để khiếu nại, các sàn giải quyết chậm khiến người tiêu dùng nản lòng. Luật sư Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM 

Người tiêu dùng cũng phải nâng cao trách nhiệm 

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó cục trưởng Cục QLTT TPHCM - hiện nay, việc kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng không thể làm thủ công mà phải có công nghệ và phải có sự phối hợp toàn diện của các bộ, ngành trên phạm vi cả nước. Theo ông, người tiêu dùng nên lựa chọn thương hiệu uy tín, không nên chấp nhận hàng giá rẻ hơn mặt bằng chung của thị trường; khi mua hàng online thì nên đề nghị bên bán cấp hóa đơn để họ không thể chối bỏ trách nhiệm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM - cho biết, vấn đề ATTP ở chợ, thức ăn đường phố, bữa ăn công nhân… luôn được tập trung giải quyết. Ở chợ, ban đã thực hiện hàng ngàn buổi tập huấn, trang bị kiến thức về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tăng cường thanh kiểm tra, khẩn trương cùng với UBND cấp quận xây dựng chợ ATTP. Cái khó là cơ sở vật chất ở chợ xuống cấp, khó đảm bảo an toàn vệ sinh nhưng ngân sách sửa chữa không có, kéo theo sức mua bán ngày càng thấp. Việc nhiều người tiêu dùng thích mua hàng ở các chợ “chồm hổm”, tự phát bên ngoài chợ truyền thống là đang tiếp tay cho việc kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Ban Quản lý ATTP TPHCM đang quản lý hơn 13.506 cơ sở với 15.854 người đang hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực đường phố. Ẩm thực đường phố có đặc thù là linh động, di động nên không dễ để kiểm soát ATTP. Nhưng người tiêu dùng có quyền chọn lựa, chỗ nào thấy không đảm bảo vệ sinh thì không vào. “Về suất ăn công nhân, chúng tôi kiểm tra liên tục các cơ sở có bữa ăn trị giá dưới 15.000 đồng/phần. Tôi không nói bữa ăn có giá cao sẽ đảm bảo ATTP nhưng bữa ăn rẻ tiền thường có nguy cơ thiếu ATTP rất lớn. Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng đâu đó vẫn xảy ra vài vụ ngộ độc thực phẩm. Đây là lời cảnh báo để chúng tôi tiếp tục làm quyết liệt hơn nữa, bởi nguy cơ luôn hiện hữu” - bà Phong Lan nói.

Bà Phong Lan cũng thừa nhận, việc kiểm soát nguồn thực phẩm đông lạnh, nước uống đóng chai, sữa non… được rao bán trên mạng xã hội là rất khó. Ban đã đề nghị công khai tất cả các thủ tục, giấy tờ liên quan đến sản phẩm (giấy công bố chất lượng, thủ tục nhập khẩu) kinh doanh trên mạng để người tiêu dùng xem xét, lựa chọn. Nếu điểm bán nào chưa công bố trên mạng, người tiêu dùng có thể truy cập website của Cục ATTP (Bộ Y tế) và Ban Quản lý ATTP để xem sản phẩm đó đã công bố chất lượng hay chưa, có thuộc danh sách đơn vị từng bị khuyến cáo, xử phạt hay không.

“Chúng tôi đang tăng cường kiểm tra các mặt hàng này nhưng trước tiên, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình, bằng cách tìm các sản phẩm uy tín. Mua sản phẩm không rõ nguồn gốc là tự rước họa vào mình. Người tiêu dùng nên tận dụng công nghệ thông tin để tăng thêm sự hiểu biết, nếu phát hiện nơi nào kinh doanh sản phẩm kém chất lượng thì báo cơ quan chức năng xử lý cho nhanh. Còn đợi cơ quan chức năng ngồi lọc thông tin trên mạng, tìm nơi vi phạm để kiểm tra thì sẽ chậm” - bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI