Người dân biệt thự cổ Nguyễn Thái Học nơm nớp nỗi lo nhà sập, cháy nổ cận kề

25/10/2016 - 06:30

PNO - "Hãy cứu chúng tôi. Chúng tôi không muốn chết" - đó là lời kêu cứu của hàng chục hộ dân sống trong căn biệt thự cổ 65 Nguyễn Thái Học.

Trưa 23/10, cửa hàng khung tranh Huy Hoàng số 65 Nguyễn Thái Học (quận Đống Đa, Tp. Hà Nội ) bốc cháy. Nguyên nhân gây hỏa hoạn được xác định là do sự cố chập điện. Tuy đám cháy không gây tổn thất nhiều về người và của, nhưng khiến hàng chục hộ dân sống trong “ngôi nhà danh nhân” đứng ngồi không yên.

Nguoi dan biet thu co Nguyen Thai Hoc nom nop noi lo nha sap, chay no can ke
Cửa hàng tranh Huy Hoàng số 65 Nguyễn Thái Học - nơi xảy ra vụ hỏa hoạn ngày 22/10.

Được biết, chủ cửa hàng khung tranh Huy Hoàng đã mua lại tầng 1 trong căn biệt thự cổ nhằm mục đích kinh doanh tranh. Để mở rộng không gian trưng bày, họ phá các bức tường chịu lực, đục thông các phòng, phá vỡ kết cấu chung cả căn biệt thự. 

“Biệt thự cổ, người ta xây tường 40 để chịu lực, giờ họ mua 2 nhà ở tầng 1, phá toàn bộ tường đi để thông từ nhà nọ sang nhà kia khiến tầng 2, 3 lơ lửng. Chưa dừng lại ở đó, họ còn thuê nhà ở đằng sau và phá tiếp (tất cả là 3 nhà), khoét sâu lòng ở dưới để cho nhà cao rộng hơn, thông thoáng hơn. Tường chịu lực đỡ cả 1 khối nhà gồm tầng 2 và tầng 3 là 1 khoảng không như thế nguy cơ sập có thể xảy ra bất cứ lúc nào” - chị Hằng (hộ dân nhà số 65S, Nguyễn Thái Học) bức xúc.

Nguoi dan biet thu co Nguyen Thai Hoc nom nop noi lo nha sap, chay no can ke
Chị Hằng sống trong căn biệt thự 65 Nguyễn Thái Học từ năm 1975 đến nay hoang mang trước nguy cơ đổ sập và cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

 Theo ghi nhận của phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM tại nhà số 65 Nguyễn Thái Học vào ngày 24/10, lối đi vào căn biệt thự bị cửa hàng tranh lấn chiếm làm kho để hàng. Ngày thường người dân không có chỗ để xe, đường đi lối lại, trẻ con không có chỗ vui chơi, ngay cả diện tích trồng cây xanh cũng không có. Đến khi hỏa hoạn xảy ra, nguy hiểm nhân lên gấp bội, khói xông vào nhà nghẹt thở nhưng người không thể thoát ra bằng lối cửa chính.

“Họ kinh doanh là việc của họ, nhưng phải thuê kho hàng chứ để tràn hết ra lối đi, chúng tôi không đi ra đi vào được. Như hôm cháy chập, khói đen nghi nghút ngạt thở, chúng tôi không chạy ra bằng cửa chính được, nếu không có lối cửa sau thì chúng tôi chết chắc”, bà Vuông (88 tuổi) hộ dân sống trong biệt thự cổ chia sẻ.

Nguoi dan biet thu co Nguyen Thai Hoc nom nop noi lo nha sap, chay no can ke
 
Nguoi dan biet thu co Nguyen Thai Hoc nom nop noi lo nha sap, chay no can ke
Toàn bộ lối đi của các hộ dân sống trong "ngôi nhà danh nhân" bị biến thành kho để hàng. Hỏa hoạn xảy ra họ không có đường thoát thân.

Căn biệt thự cổ gần 100 năm tuổi số 65 Nguyễn Thái Học, là nơi các thế hệ họa sỹ, nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam từng sinh sống như: Cựu họa sỹ Phan Chánh, họa sỹ Nguyễn Sáng, họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà văn Nguyễn Thanh Hương, nhạc sỹ Đỗ Nhuận...

Hiện gia đình nghệ sỹ Chiều Xuân - Đỗ Hồng Quân cũng sống ở tầng 2 của căn biệt thự này...

“Đang đi làm, mẹ gọi điện: 'Nhà mình cháy rồi con ơi, do chập điện ở nhà khung tranh tầng 1'. Hơn 7 năm nay, 20 hộ dân cư, toàn người hiền lành, văn nghệ sỹ, trí thức sống tại số nhà 65 Nguyễn Thái Học trong đó có gia đình tôi, phải sống trong nỗi sợ hãi cháy nổ, sập nhà do sự lấn chiếm, đập phá tường chịu lực, hạ nền móng của toàn bộ khu nhà” -  nghệ sĩ Chiều Xuân bày tỏ sự lo lắng trên Facebook cá nhân.

Nguoi dan biet thu co Nguyen Thai Hoc nom nop noi lo nha sap, chay no can ke
 
Nguoi dan biet thu co Nguyen Thai Hoc nom nop noi lo nha sap, chay no can ke
Đường điện xuống cấp, tăng nguy cơ mất an toàn cháy nổ ở căn biệt thự 100 tuổi.

Theo phản ánh, nghệ sĩ Chiều Xuân cùng người dân sống ở đây nhiều lần kiến nghị lên chính quyền về việc phòng tranh lấn không gian chung, chiếm dụng đường đi làm mất mỹ quan khu nhà. Tuy nhiên, kiến nghị chưa được chính quyền địa phương giải quyết triệt để.

Nguoi dan biet thu co Nguyen Thai Hoc nom nop noi lo nha sap, chay no can ke

Nguoi dan biet thu co Nguyen Thai Hoc nom nop noi lo nha sap, chay no can ke
Toàn bộ tầng 1 căn biệt thự cổ bị đục thông, ảnh hưởng đến kết cấu công trình, làm tình trạng xuống cấp thêm trầm trọng.

Để tìm hiểu vấn đề an toàn kết cấu hạ tầng xây dựng, phóng viên đã liên hệ với Th.s Ngô Sĩ Lam (giảng viên bộ môn Công trình bê tông cốt thép, Đại học Xây dựng Hà Nội). Ông Lam cho biết đây là một sự việc nghiêm trọng cần được đội ngũ kiến trúc sư khảo sát thực tế mới đủ kết luận. Ông Lam cũng nói thêm, nếu là tường chịu lực thì không thể nào phá dỡ được.Còn nếu muốn phá thì phải có phương án thiết kế, lấy cái khác để thay thế tường chịu lực.

"Phải lấy một kết cấu khác để thay thế và phải có bàn tay của kỹ sư xây dựng. Ở đây tường đang chịu lực mà tự ý phá, cơi nới, xây dựng, khoét lòng thì vô cùng tai hại. Ngôi nhà sau khi bị phá các vách ngăn thì không còn khả năng chống đỡ theo chiều ngang. Khi chịu tải trọng khác nhà bị nghiêng rồi đổ sập", ông Lam nói.

Đông Thức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI