Hai cổ chân của người đàn bà ngồi trước tôi teo tóp, bất thường. Quy định ở trại giam lâu nay là thế. Tử tù được đổi chân cùm mỗi tuần một lần vào thứ Sáu, bất kể nam hay nữ. Mọi sinh hoạt cá nhân xoay quanh hai tư thế nằm, ngồi. Cực nhất là đi vệ sinh hoặc vào những ngày nhạy cảm của phụ nữ. Có lẽ vì ức chế tâm lý, nên mới gần 40 tuổi Dung đã “may mắn” không còn “thấy” nữa. Dung là người phụ nữ duy nhất trong hàng chục nữ tử tù ở Trại tạm giam số 1 (Công an Hà Nội) có chồng đã bị tử hình từ hai năm trước vì tội buôn bán trái phép chất ma túy. Cô khóc gần hết buổi tiếp xúc với tôi, không thể bình tâm được khi nghĩ đến hai đứa con gái xinh đẹp ở quê nhà, đang hàng ngày mỏi mắt dõi theo “chuyến xe tử thần” mà cha, mẹ chúng trót dấn thân vào…
Đoạn kết buồn
Hồ sơ tử tù ghi: “Năm 2010, TAND TP. Hà Nội tuyên tử hình đối với Nguyễn Thị Dung, 39 tuổi, hộ khẩu thường trú tại phường Ninh Xá, TP. Bắc Ninh, về tội “mua bán trái phép chất ma túy”. Dung là bị cáo thứ 13 lãnh án tử hình trong đường dây mua bán hơn 1.500 bánh heroin do Nguyễn Thị Thơm cầm đầu, bị bóc gỡ năm 2006. Nguyễn Thị Dung bỏ trốn sang Trung Quốc, núp bóng nghề làm móng tay để tiếp tục buôn bán trái phép chất ma túy. Đến tháng 6/2009, Dung bị Công an tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc bắt giữ và dẫn độ về Việt Nam. Cơ quan điều tra đã xác định, trong đường dây buôn bán ma túy do Nguyễn Thị Thơm cầm đầu, tính từ năm 2002 - 2006 Nguyễn Thị Dung đã trực tiếp buôn bán 28 bánh heroin”.
Quy định của trại tạm giam rất ngặt. Để tiếp xúc với một tử tù, chúng tôi phải được sự đồng ý của Giám đốc Công an TP. Hà Nội. Tôi chỉ nghe người ta nói gia đình Dung bi đát lắm. Ngày Dung ra trước vành móng ngựa, mọi người nhìn thấy hai bé gái rất xinh, lặng lẽ khóc bên ngoài phòng xử án. Dung thì khóc nức nở khi nói lời sau cùng: “Xin quý tòa giảm nhẹ tội cho bị cáo vì hai đứa con gái nhỏ. Chồng bị cáo đã bị tòa án Bắc Giang tuyên án tử hình vì ma túy. Bị cáo đã nhận thức rất rõ tội lỗi của mình và ao ước được một lần nữa trong đời, ôm ấp, chở che cho các con mình”. Nhưng, bản án tử hình vẫn được tuyên. Sau này, có lần về Bắc Ninh, tôi cố tìm kiếm nhưng không ai biết hai đứa bé con của Dung đã chuyển đi đâu. Người ta cũng đã thi hành án tử đối với Nguyễn Quang Tuyến, chồng của Dung.
Với câu hỏi quen thuộc đối với một tử tù: “Chị mong gì nhất khi năm hết, Tết đến?”, Dung nghẹn lời: “Em mong được chết thưa cán bộ”! “Tại sao chị lại mong điều ngược lại so với những tử tù khác?”, Dung trả lời: “Vì sống thế này thì khổ hơn chết, cán bộ ơi! Tôi là người ít tuổi nhất và lạc quan nhất trong số các chị tử tù bị biệt giam, nhưng sau mỗi đêm ngủ dậy, thấy ánh sáng ban ngày len lỏi qua lỗ thông hơi vào chỗ nằm là tôi thấy hoảng sợ. Những lần ra gặp con về tôi cũng đều muốn chết. Các con tôi bây giờ ngoài việc tự lăn lộn để nuôi sống bản thân, còn phải kiếm tiền để hàng tháng tiếp tế cho tôi. Tôi thấy có tội với cha mẹ và con cái đến mức muốn chấm dứt sự khắc khoải này”. Tôi hỏi Dung: “Chị có viết đơn gửi Chủ tịch nước để xin ân xá không”? Dung đáp: “Có chứ. Đơn tôi đã gửi cách đây hơn một năm rồi mà vẫn chưa thấy hồi âm. Mà khi nào có hồi âm là sống hoặc chết đấy cán bộ ạ!”.
Hơn bao giờ hết, Dung thấm thía hai từ trả giá có nghĩa thế nào. Cô ta từng là một hoa khôi của làng, lấy Tuyến là một chàng thanh niên tháo vát, khỏe mạnh. Vợ chồng Dung từng là hình ảnh mơ ước của nhiều người trong làng. Nhưng, cũng chính vì năng động quá, thời kinh tế mở cửa, Tuyến bung ra đi buôn bán đường dài để kiếm tiền. Khi có tiền, hai vợ chồng sinh ra lắm tật xấu, lao vào cờ bạc, lúc đầu chỉ là chơi giải trí, sau đó nghiện lúc nào không hay. Họ mang nợ người thân, họ hàng rất nhiều. Tuyến vay mượn của anh em ruột, của cha mẹ để “gỡ gạc “. Nhưng càng “gỡ” càng thua. Vợ chồng đốt sạch những gì dành dụm được sau nhiều năm buôn bán. Bí quá, Tuyến cùng bạn bè đi buôn “hàng trắng”. Thoạt đầu anh ta không muốn vợ “dính” vào, nhưng làm sao tránh được khi ở trong nhà, Dung là người nắm kinh tế. Cô nhận tiền thay chồng, giao hàng giúp chồng, có những lô “hàng” Dung chủ động giao và hưởng chênh lệch, đến khi vụ án bị khám phá thì Dung không thể là kẻ vô can.
Chạy trốn quá khứ
Chồng bị bắt, Dung “vù” sang Trung Quốc thoát thân. Cô nói dối con sang đó mở tiệm làm móng tay, đợi ổn định sẽ đón các con sang. Dung đã vạch ra một kế hoạch hoàn hảo cho tương lai của ba mẹ con sau khi biết chồng mình khó thoát án tử. Dung bỏ trốn, tiền buôn ma túy đều bị “xù” hết, nên không thể duy trì cuộc sống bình thường. Có những giai đoạn Dung phải “bán trôn nuôi miệng”, dành dụm vốn liếng để mở tiệm làm móng. Nhưng, ma túy đã bập vào thì rất khó buông. Hết lần này đến lần khác, Dung bỏ qua, hoặc cố tình quên đi mục đích mình sang Trung Quốc để làm lại cuộc đời. Và, Dung đã kết thúc mọi dự tính tốt đẹp của mình trong một lần tặc lưỡi, môi giới một lô “hàng” cho người Trung Quốc và những kẻ cùng cô đào tẩu...
Gạt nước mắt ân hận, Dung kể tiếp: “Cuộc đời thật nghiệt ngã với những ai ngu dại như tôi. Khát vọng sống một cuộc đời bình thường cứ tưởng là giản đơn nhưng thực ra vô cùng khó khăn. Khi vào đây, nhiều đêm nằm nghe tiếng thở dài của các chị em tử tù khác, tôi khao khát có lại khoảnh khắc mình đã cầm chắc trong tay một cuộc sống bình thường, mà tôi lại là người chủ động vứt nó đi. Tất cả là do lòng tham trỗi dậy, thôi thúc mình phạm tội. Cứ nghĩ đến hai đứa con tôi bên ngoài, nếu chúng không đủ mạnh, không cha mẹ dìu dắt, nâng niu như những đứa trẻ khác, chúng không thể trụ vững trước áp lực nhục nhã, quá khứ tội lỗi của cha mẹ. Nếu không thể đứng vững trước cám dỗ như chúng tôi thì chẳng biết đời chúng sẽ đi về đâu”.
Dung tâm sự khi sắp phải trở lại buồng biệt giam: “Thật lòng, nếu được sống lại, tôi mong sẽ là một người phụ nữ bình thường như trước. Sống vui vẻ với những gì mình có, hạnh phúc với những thứ thuộc về mình, chứ không ngu dại mà tham lam như trước để mất tất cả thế này. Thú thật, nhiều khi được gặp các con xong, về buồng giam, tôi thấy có lỗi đến mức muốn chấm dứt sự sống để bớt gánh nặng cho con. Nhưng, các thầy, cô (quản giáo) thường nói tôi phải sống để trả nợ các con, trả nợ cuộc đời này mới phải. Đó là mong muốn bình thường của mỗi người. Ở hoàn cảnh của tôi, mong muốn được sống bình thường thật khó”.
Thu Trang