PNO - Những người già vẫn bắc ghế ra hiên ngồi, tận hưởng thinh âm của Hội An cũ. Những người khác vẫn đếm ca dương tính hằng ngày trên báo, và người vẫn hái rau cho phiên chợ sớm, sáng mai.
Qua nhiều thế kỷ tấp nập bán buôn, Hội An những ngày này như đang nghỉ ngơi, thư giãn. Ảnh: Mai Kỳ |
Đêm
Buổi tối ngày giãn cách thứ năm ở Hội An, tôi đạp xe ra chơi với phố. Phố vắng lặng. Những ánh đèn phủ vàng lên giàn hoa giấy ở ngã tư, tỏa chiếc bóng thinh lặng của những chùm hoa bên dưới vệt đường. Ngang một căn nhà gần ngã tư, bỗng nghe vẳng tiếng Khánh Ly hát Trịnh. Tôi bảo người bạn đồng hành của mình đứng lại, để nghe. Tiếng nhạc lồng vào phố, len trên mái rêu, thả từng giọt tràn xuống phố, quyện vào những đốm hoa giấy khô. Trước hiên nhà, một đôi vợ chồng bắc ghế ra ngồi. Những giọt nhạc rơi mênh mang trong lòng phố. Tôi nghêu ngao hát theo cô ca sĩ trong chiếc máy hát.
Nhiều người già cũng bắc ghế ngồi ở hiên hóng gió. Có một bác ở hiên bên này nói vọng sang hiên bên kia. Trên gác lửng của các ngôi nhà, thấp thoáng dáng một người già ngồi nhìn ra phố. Không hiểu sao tôi chợt nghĩ, giờ đây phố mới thực sự là của riêng họ.
Dường như Hội An bây giờ mới thực sự là của người già. Ảnh: Mai Kỳ |
Sớm
Buổi sáng thức dậy, vệ sinh xong, tôi xuống bếp lấy cái giỏ nhựa đi chợ, không quên với tay lấy khẩu trang. Những ngày này, để tiện và khỏi quên, tôi có một xâu khẩu trang vải treo trên mắc áo gần bếp. Hễ vào nhà là bỏ khẩu trang ra giặt phơi, hễ đi lại ngay chỗ đó lấy. Cái giỏ đi chợ và cái khẩu trang ở liền nhau.
Dù khẩu trang kín mít và tôi chỉ mới bắt đầu đi chợ mấy ngày liên tiếp, nhưng vài cô bán hàng quen đã nhận ra, chào. Trước đây, việc đi chợ và nấu ăn là do ba tôi đảm nhiệm, vì ông nấu ăn ngon và hạp khẩu vị cả nhà. Từ ngày có dịch, tôi giành phần đi chợ thay ba. Chợ Hội An không đông như mọi khi, nhưng cũng không vắng mấy. Chỉ là người mua thì có vẻ mua nhanh hơn, và về nhanh hơn.
Tôi mua chục bánh tráng dừa của một cô bán hàng đặc sản bên hông chợ. Cô nói 25.000 đồng. Tôi hỏi: “Ơ, hôm kia con mới mua 20 ngàn?”. Cô bảo: “Bữa nay bánh to hơn con, thiệt tình đã biểu người bỏ mối là đang bán từ 20 ngàn lên 25 ngàn là khách hỏi liền mà!”. Tôi gật gật. Cái khẩu trang che mất, không biết cổ có thấy tôi toét miệng cười không?
Ngã tư đường sát bên chợ Hội An vắng hiu... Ảnh: Mai Kỳ |
Điều phiền nhất trong chợ có lẽ là không thể ăn tại chỗ. Những buổi sáng không dịch, xung quanh những gánh hàng ăn luôn có non chục chiếc ghế xúp để ngồi xì xụp, thì nay chẳng có chiếc ghế nào được bày ra cả. Hơn chục người bán hàng ăn, nay vơi nửa. Có cô bán xôi ở một con hẻm gần chợ hết sức cẩn thận, cứ bảo khách: “Xa ra em, đứng xa ra em nghe!”. Cô tạp hóa ở ngay chợ thì để chai nước rửa tay ngay trên chiếc thùng xốp trước cửa, lại còn giăng hết ghế kín lối vào.
Khách tới hỏi: “Chị ơi chị à, đi vào đường nào ha chị?”. Cô ấy bảo khách: “Đứng ngoài đi, mua cái chi thì kêu chị lấy nghe em!”. Rồi có quán mì trên đường ra Cửa Đại giăng dây khắp quán, khách tới phải đứng ngoài nói vọng vào. Hầu hết các quán cà phê đều đóng cửa, hàng quán khác cũng vậy. Lác đác vài quán cà phê để tấm bảng: “Bán mang đi”.
Ai hiểu tính tình người miền Trung thì sẽ biết cái khẩu trang và những cái dây giăng giăng làm họ khó chịu lắm. Quen ôm ôm, vỗ vai, đứng sát sát vô nói chuyện rồi, giờ rướn rướn xa xa, nói với nhau qua khẩu trang cũng chẳng thoải mái gì, thành thử cũng ngại nói.
Một người đàn bà đeo khẩu trang, in bóng nón lá và quang gánh trên nền đường, giữa Hội An tĩnh lặng. Ảnh: Mai Kỳ |
Chiều
Cứ bốn rưỡi chiều, nếu không phải họp trực tuyến với đồng nghiệp, thì tôi đạp xe ra đồng. Hội An cứ ra khỏi phố một chút là tới đồng. Mùi đất quyện vào mùi lúa trổ đòng thơm thoang thoảng. Ba chú nông dân dẫn bò ra ăn cỏ, vẫn đeo khẩu trang, nói với nhau về mấy ca dương tính mới phát hiện ở xóm kia.
“Kinh hỉ” - một chú nói. “Chưa biết hắn đi tới đâu nghe” - một chú khác tiếp lời. Tôi vẫn đeo khẩu trang, lân la hỏi giống của chú bò có chùm lông trắng hình trái tim trên đầu. Chú nói: “Nó là giống bò nhập, hình như từ Bờ-ra-xin đó con”.
Quanh đê và dọc đường men theo đồng, mấy đôi cha con, vợ chồng theo nhau chạy bộ. Mọi người vẫn đeo khẩu trang, từ em nhỏ đến người lớn. Thỉnh thoảng, ngược chiều xe tôi, vài bạn Tây đạp xe đạp, áo thun quần sóc nón lưỡi trai chạy ung dung giữa đồng.
Trên con đường dẫn từ phố ra An Bàng, có một lối nhỏ dẫn vào làng rau Trà Quế. Làng vẫn xanh um rau thơm, hành lá, húng quế và các loại rau ăn sống khác, vẫn nhiều người thong thả hái rau. Không một bóng du khách. Tất cả các quán dịch vụ hai bên làng đều đóng cửa. Mùi hương đất, mùi thơm của lá hừng lên xen lẫn mùi rơm mùa trước còn trữ bên chái nhà.
Tất cả các hàng quán dịch vụ đều đóng cửa. Ảnh: Mai Kỳ |
Những chuyển động khác
Vợ chồng anh tài xế xe du lịch và chị nhân viên buồng phòng có hai đứa con. Anh nói coi như năm này là bỏ hết. Tôi hỏi: “Lỡ như kéo tới cuối năm thì sao?”. Ảnh bảo: “Thì chịu chứ sao. Ráng chờ coi sao chứ cũng chưa biết phải thế nào, chị ạ!”.
Chị ấy là một thành viên của hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ. Vài ngày một lần, các thành viên thay phiên nhau vào nông trại làm cỏ, tưới cây, thu hoạch. Họ đã cho nhân công nghỉ gần hết, chỉ giữ lại hai công nữ làm cỏ. Họ cũng ngừng giao sản phẩm tươi cho từng khách hàng, mà chỉ còn giao các loại mứt, trà khô. Họ sản xuất nước rửa tay diệt khuẩn tại trang trại của mình, rồi tặng cho xã. Tôi cũng được tặng một chai khi xin được tham quan khu vực chế biến của họ.
Hai vợ chồng cô chủ quán cà phê người Tây, sang Việt Nam được một năm. Họ mở một quán cà phê có những khung cửa màu xanh da trời dịu dàng dưới nắng. Cô phải đóng cửa quán, nhưng vẫn phục vụ mang đi. Khi khách đặt món, anh chồng pha nước uống, cô vợ chạy xe máy mang khẩu trang đi giao. Tôi hỏi: “Mùa này khó khăn ha?”. Cô nói mong cho mau qua dịch để khách tới ngồi, “tụi tao nhớ khách”.
Biển đã bị chặn hai đầu, không cho tắm. Một bạn thanh niên trong xóm trên được huy động để trực các điểm chốt. Tiệm bánh ở An Bàng vẫn mở cửa, có một món bánh croissant khá ngon.
Tôi hỏi chủ quán: “Bánh này ai làm ha em?”. Bạn ấy nói: “Dạ em làm”. Tôi khen: “Giỏi dữ”. Bạn ấy cười. Đằng sau chiếc khẩu trang đó chắc là một nụ cười hiền khô.
|
Hôm nay là ngày thứ 14 của đợt giãn cách. Nắng Hội An vẫn rất đẹp trên những cánh đồng, hoa mười giờ vẫn bừng nở và những nụ cười hiền khô vẫn giấu sau khẩu trang và vẫn ở đó. Tối nay về ngang phố, những người già vẫn bắc ghế ra hiên ngồi, tận hưởng thinh âm của Hội An cũ. Những người khác vẫn đếm ca dương tính hằng ngày trên báo, và người vẫn hái rau cho phiên chợ sớm, sáng mai.
Bài: Lê Anh
Ảnh: Mai Kỳ
Chia sẻ bài viết: |
Thế nhưng, cũng chính vì quá thân, cộng với suy nghĩ “thân thì không cần giữ kẽ”, chị thường xuyên làm chúng tôi khó xử.
Mấy chục năm qua, chị em tôi đã quen thuộc với hình ảnh ba vào bếp. Ba tình nguyện làm "người đam mê rửa chén" vì ba yêu gia đình.
Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.
Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.
Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.
Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.
Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.
Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.
Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.
Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.
Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?
Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.
Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.
Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.
Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.
Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?
Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.