Ông là thầu xây dựng tiếng tăm trong vùng. Người làm nghề xây dựng ở nông thôn nhậu nhẹt triền miên, nhưng ông luôn đi đến nơi, về đến chốn. Ông được hẳn thương hiệu “nhà thầu không nhậu”. Hễ bàn chuyện nhậu, người ta lại chừa ông ra. Cứ 5 giờ chiều, ông lại thủng thẳng nổ xe và nói: “Thôi, vui vẻ về với vợ!”.
Ông làm nghề giỏi, có uy, lắm thợ, đắt mối. Nhưng cái sự “vui vẻ về với vợ” vào mỗi 5 giờ chiều của ông làm người ta nể vợ ông hơn cả. Người đàn bà nào đã “tạo ra” một tấm chồng như thế?
|
Ai cũng hâm một việc cứ 5 giờ chiều là ông về nhà với vợ (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Thế nhưng, vợ ông lại khẳng định bà không một lần góp ý hay “sửa chữa” chồng. Bà chỉ… tu thân. Theo bà, triết lý quan trọng nhất của người vợ là “nói ít làm nhiều!”. “Làm nhiều” không có nghĩa là cắm cúi làm lụng, hay lăn lộn kiếm thật nhiều tiền. “Làm” có nghĩa là hành động. Theo bà, phụ nữ hay “mất uy” vì nói nhiều, tuyên bố luyên thuyên, dọa dẫm đủ điều nhưng chẳng mấy khi thực hiện. Còn bà, hễ cái gì không làm được thì không nói, mà làm được thì… càng không cần nói.
Nghe thế, nhưng chỉ khi bước chân vào nhà ông bà, người ta mới thấy hết cái thi vị của đôi vợ chồng này.
Ai cũng biết ông mỗi ngày ba bữa nghiêm túc chạy về ăn cơm với vợ. Nhưng ít người biết, nếu không về với vợ, ông chẳng tìm đâu một bữa ăn chuẩn chỉnh như thế. Bữa ăn của ông được bà tính toán kỹ lưỡng, hễ có một khúc cá thì miễn thịt, nhưng rau xanh thì lúc nào cũng cả đĩa lớn. Thói quen ăn cay của ông được bà kèm cặp và thay đổi bằng việc bù lại những vị cay the khác trong rau cỏ. Nhìn ông ăn ngon miệng, bà đùa với khách:
- Ông ấy ham ở nhà, vì về nhà ổng sướng như vua!
Ông lập tức đính chính:
- Vua còn phải lo giữ nước, sao sướng bằng chồng bà!
Đợt đó, nhóm thợ xây được ông điều về nhà xây khuôn viên. Bà ân cần cơm nước cho thợ mỗi ngày. Dù xây dựng là chuyên môn của ông, nhưng chỉ cần bà nói một câu là có thể khiến ông thay đổi cả bản vẽ. Có chỗ đã xây nhưng hễ bà cười cười thắc mắc, là ông lại trầm ngâm rồi… quyết đập, xây lại. “Quyền lực” của bà lên tầm cao mới trong mắt nhóm thợ xây.
Việc làm lại khuôn viên khá cập rập để kịp ngày mừng thọ của mẹ ruột ông. Đến khi công trình sắp hoàn tất thì gặp sự cố… thiếu gạch trang trí. Phần gạch ông chuẩn bị hụt mất một vài viên, bên cung cấp cũng tạm đứt hàng. Ngặt nỗi, ông cho thợ lót theo thứ tự từ trong ra ngoài, nên phần thiếu nằm ngay chính giữa cổng vào. Cả chủ lẫn thợ đều ngẩn ngơ, vì nếu tính toán kỹ hơn thì phần thiếu đã nằm về một chỗ kín đáo hơn, trông còn đỡ thảm. Bây giờ, mọi người nín thở chờ bà chủ nhà phát biểu cảm nghĩ.
Rồi bà cũng xuất hiện. Bà nhìn khoảnh sân trơ ra do thiếu gạch và nghe giải thích sự tình, rồi bà nói:
- Cay quá ha!
Nghe xong, cả đám thợ cười ồ. Anh thợ trẻ nhất nói:
- Sao cũng cùng một sự bực bội mà cô nói nghe nhẹ nhàng thế!
Chồng bà gật gù:
- Bả cần gì nói nhiều, nói vậy là vừa hài vừa đủ cay, ai sai tự đi mà áy náy!
Áy náy, và cả rút kinh nghiệm. Trong 30 năm hôn nhân, ông chưa từng lặp lại một sai lầm nào đến lần thứ hai. Vì mỗi lần ông ngã, lại có vợ đỡ nâng, vừa dịu dàng vừa nghiêm túc. Ông vừa hưởng thụ sự ân cần, vừa thấm thía những thông điệp ý nhị của bà để không bao giờ tái phạm.
Có lần, ông nhận xây nhà một người quen nổi tiếng là ích kỷ. Trước khi khởi công, bà dặn ông “phải chủ động mọi thứ để ngay cả khi nắm đằng lưỡi cũng không phải đánh đổi nhiều”.
Nhưng vốn giỏi nghề, nên ông tự tin. Để đến gần cuối năm, khi mọi vấn đề thi công đều đã trót lọt thì người khách quen ấy có dấu hiệu… không kịp trả tiền xây. Ông điêu đứng, vì công thợ, chi phí thầu phụ đến hàng trăm triệu. Tiền nhàn rỗi thì đã đem đầu tư. Cuối cùng, ông quyết bán gấp một miếng đất cho người quen để lấy tiền xoay xở trước tết.
Lúc này, bà ngồi xuống nói chậm rãi:
- Ông bình tĩnh, tôi sẽ đưa cho ông 500 triệu đồng đó!
Rồi bà đường hoàng dắt ông lên ngân hàng, lấy ra cuốn sổ tiết kiệm gần 500 triệu đồng. Ông ngỡ ngàng với “quỹ đen” của bà vợ quanh năm làm nông, lại nuôi bốn đứa con ăn học. Bà lại nói:
- Tôi gom tiền lẻ suốt 30 năm cũng là để lo liệu cho những lần như vầy đây!
Ông vừa thương và nể vợ. Một rủi ro nào đó mờ mịt suốt năm dài tháng rộng mà bà còn đề phòng được. Vậy mà ông, chỉ trong một hợp đồng làm ăn mà mình biết rõ nguy cơ - lại được bà dặn dò trước - mà vẫn không tránh được họa. Ông bèn tự chê mình, và rút kinh nghiệm sâu sắc.
Bà nói ít mà lại làm nhiều. Lời nói của bà là để động viên, dặn dò, để biểu cảm vui vẻ, và để thủng thẳng thả vào chồng con những khuyên răn nhẹ nhõm. Còn lại, bà chỉ hành động, những hành động ân cần, chắc chắn. Bà trở thành một người vợ dịu dàng mà quyền lực khó bì.
Nói miên man về “triết lý” của mình, bà chốt: “Mà quan trọng là phải thương nhau, thương là sẽ có cách - phải tự nhủ như vậy. Còn không thương, thì bao nhiêu triết lý cũng bỏ xó thôi!”.
Trà Lý