“Người đàn bà khóc” - Nhân vật rùng rợn sinh ra từ thảm kịch

13/04/2025 - 08:22

PNO - Để “thù hận” nhấn chìm lý trí, một phụ nữ đã sản sinh nên một truyền thuyết ma quái, bi thảm và gây ám ảnh đến tận ngày nay.

New Mexico (tây nam nước Mỹ), thập niên 1930, khi Patricio Lujan chỉ mới là một bé trai, một ngày tưởng chừng vẫn trôi qua bình lặng của gia đình ông đột ngột bị phá vỡ vì sự xuất hiện của một "người lạ" kỳ dị.

"Người phụ nữ trong bộ váy trắng”, không rõ đến từ đâu, bất ngờ băng qua con đường cạnh nhà Lujan. Không nói một lời, cũng không nhìn quanh hay làm hành động nào khác, người này đi bộ hướng về phía con lạch gần đó. Mãi đến khi chứng kiến bà cứ thế tiến thẳng vào rồi chìm dần xuống dòng nước lạnh giá, gia đình Lujan mới nhận ra những chi tiết… rất bất thường.

Tiếng khóc than ghê rợn

Lujan hồi tưởng: “Bà ta giống như đang… lướt đi trên mặt đất. Tôi không hề nhìn thấy đôi chân chuyển động bên dưới”. Theo lời cụ ông đã sống hàng thập niên ở một vùng đất chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hóa Mexico, “bóng dáng như u hồn” mà Lujan và người nhà trông thấy hôm ấy “xuất hiện, biến mất rồi lại tái xuất hiện một lúc sau đó ở đoạn đường đối diện con lạch, mà không để lại bất kỳ vết chân nào”.

“Là La Llorona” - cụ ông nói - "Người đàn bà khóc” khiến mọi người ở địa phương chúng tôi khiếp sợ”.

Tượng điêu khắc La Llorona tồn tại khá nhiều ở các bang tây nam Hoa Kỳ và trong nhiều khu dân cư của người Mexico. - Ảnh: Flickr
Tượng điêu khắc La Llorona tồn tại khá nhiều ở các bang tây nam nước Mỹ và trong nhiều khu dân cư của người Mexico - Ảnh: Flickr

Đa dạng truyền thuyết về "người đàn bà khóc" đã gắn liền với lịch sử Mexico, cũng như nhiều vùng dân cư thuộc Mỹ tiếp giáp Mexico.

Dù điểm khởi đầu của các câu chuyện đã quá cổ xưa - khó có thể kiểm chứng chính xác, chúng đều mô tả ngoại hình La Llorona gần như nhất quán: một bóng dáng "ma mị" mặc đồ trắng, xuất hiện gần ao hồ hoặc đập nước. Đặc điểm rùng rợn nhất ở nhân vật này là "tiếng phụ nữ kêu khóc thê lương", vì nỗi đau mất con.

Hình tượng La Llorona có mối liên hệ cổ xưa nhất với huyền thoại về "Xà Nữ" Cihuacōātl được nhắc tới trong thần thoại của tộc người Aztec, tồn tại từ thế kỷ XIV. Bà được kính sợ như một nữ thần quyền lực có khả năng “gieo rắc điềm dữ và vận rủi”. Văn tự cổ ghi rằng “Cihuacōātl thường khoác áo trắng, đi lang thang giữa đêm đen và luôn khóc than”.

Một số phỏng đoán từ xa xưa cho rằng La Malinche, phiên dịch viên và tình nhân của tướng quân Hernán Cortés, chính là “tiền thân” của truyền thuyết “người đàn bà khóc”. - Ảnh: Wikimedia
Một số phỏng đoán từ xa xưa cho rằng La Malinche, phiên dịch viên và tình nhân của tướng quân Hernán Cortés, chính là “tiền thân” của truyền thuyết “người đàn bà khóc” - Ảnh: Wikimedia

Lại có suy luận cho rằng, "người đàn bà khóc" khởi nguồn từ La Malinche - một nhân vật thực sự từng tồn tại trong lịch sử Mexico.

Người phụ nữ có tên thật là Malinalli bị khép tội phản bội bộ tộc Nahua (định cư ở miền trung Mexico đầu thế kỷ XVI). Trở thành cố vấn và tình nhân của Hernán Cortés - một nhà chinh phục người Tây Ban Nha khét tiếng vì lối hành xử tàn bạo lẫn bội tín - Malinalli phải nhận lấy cái kết bi đát. Năm 1519, sau khi thành công chiếm được Mexico, lật đổ đế chế Aztec, Cortés nhanh chóng bỏ rơi bà để cưới một phụ nữ quyền quý gốc Tây Ban Nha. Malinalli không chỉ đánh mất tình yêu, gia đình, mà còn bị căm ghét ở quê hương mình.

Khoảng năm 1570, một nhà dân tộc học người Tây Ban Nha đã vẽ tác phẩm minh họa được tin là “bức phác họa” sớm nhất trong lịch sử mô tả La Llorona. - Ảnh: LibraryOfCongress
Khoảng năm 1570, một nhà dân tộc học người Tây Ban Nha đã vẽ tác phẩm minh họa được tin là “phác họa” sớm nhất trong lịch sử mô tả La Llorona - Ảnh: LibraryOfCongress

Một số sử gia và nhà nghiên cứu văn hóa Trung Mỹ chỉ ra nét giao nhau thú vị giữa hai phụ nữ này. Cả hai đều phải chịu đựng nỗi đau to lớn đến từ sự mất mát - phản bội bởi người họ yêu nhất. Họ vừa đóng vai trò nạn nhân, vừa gieo rắc sợ hãi cho hậu thế. Tuy nhiên, La Llorona mang những đặc điểm gây "lạnh người" hơn hẳn một nhân vật lịch sử từng bị phê phán.

Bóng dáng người phụ nữ nhợt nhạt, tiều tụy, khóc than thảm thiết bên bờ sông về những đứa con bà đánh mất có thể khiến mọi nhân chứng bắt gặp cảnh tượng ấy ám ảnh dài lâu. Biểu cảm của La Llorona, với bất kỳ ai không may trông thấy bà, được đồn đoán là "vô cùng đáng sợ" với làn da tái nhợt cùng gương mặt gầy rộc, hốc mắt trống rỗng, đen kịt, như thể "bước ra" từ cơn ác mộng tồi tệ nhất.

Một bức tượng La Llorona tạo hình rùng rợn đặt tại quận Xochimilco, Mexico. Đây là quận tập trung đông đảo người lao động, vẫn còn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa cổ xưa. - Ảnh: Wikimedia
Một bức tượng La Llorona tạo hình rùng rợn đặt tại quận Xochimilco, Mexico, là quận tập trung đông đảo người lao động, vẫn còn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa cổ xưa - Ảnh: Wikimedia

Khi hạnh phúc hóa thảm họa

Vì sao "người đàn bà khóc" rơi nước mắt thê lương?

Dù gây nhiều tranh cãi trong lịch sử, La Malinche chưa từng ra tay sát hại con ruột. Tuy nhiên, La Llorona, vốn có thể dọa sợ trẻ nhỏ (tương tự các nhân vật sắm vai ác trong văn hóa dân gian Việt Nam như "ông ba bị", "mẹ mìn"...), được cho rằng đã gây nên tội lỗi kinh hoàng ấy.

Câu chuyện truyền miệng u ám và nổi tiếng nhất về "người đàn bà khóc", lý giải hoàn hảo cho bi kịch người phụ nữ này tạo ra.

Theo chuyên gia dân tộc học Stephen Winick, công tác tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ: "Xa xưa, có một thôn nữ bần hàn nhưng xinh đẹp tuyệt trần tên Maria. Dẫu được nhiều thanh niên trong vùng si mê theo đuổi, Maria chỉ để mắt đến một quý tộc giàu có, với vẻ bề ngoài cô ta cho rằng "xứng đôi" với mình. Nhưng người phụ nữ nhanh chóng phải nhận "trái đắng" cho sự lựa chọn nóng vội đó.

Không lâu sau khi họ kết hôn rồi có 2 con chung, chồng Maria thay lòng đổi dạ. Một ngày nọ, lúc đang đi dọc bờ sông cùng 2 con nhỏ, Maria trông thấy xe ngựa của chồng lướt ngang qua. Trong xe, người đàn ông đang ôm ấp một cô gái trẻ xinh đẹp.

Giữa cơn giận dữ và ghen tuông, Maria trở nên mất khống chế cảm xúc. Cô ném 2 đứa trẻ xuống dòng sông, nhìn chúng giãy giụa tuyệt vọng. Đến khi tỉnh táo lại, nhận ra sai lầm không thể cứu vãn của mình, cô dành những ngày tháng còn lại miệt mài tìm tung tích các con bên sông”.

Từ nền văn minh cổ đại đến xã hội hiện đại, “người đàn bà khóc” dường như chưa từng đánh mất năng lực ám ảnh công chúng. - Ảnh: TheCollector
Từ nền văn minh cổ đại đến xã hội hiện đại, “người đàn bà khóc” dường như chưa từng đánh mất năng lực ám ảnh công chúng - Ảnh: TheCollector

Một phụ nữ yếu thế bị phụ bạc, phạm phải tội lỗi nặng nề nhất - “cốt truyện” bi thương ấy khiến không ít nhà nghiên cứu nhân chủng học và sử gia liên tưởng tới ý nghĩa văn hóa sâu xa La Llorona đại diện.

“Đã có vô số phiên bản, dị bản khác nhau mô tả “Người đàn bà khóc”, tồn tại xuyên suốt lịch sử Mexico, gây ra cơn ác mộng cho bao thế hệ trẻ em. Vì sao nhân vật này đặc biệt đến vậy?” - Winick nhận xét.

Lấy đề tài nỗi đau gia đình gây nên bởi sự phản bội và niềm tin đặt sai chỗ, La Llorona được ví như "một truyện ngụ ngôn u tối" phản ánh thân phận long đong, chìm nổi của người vợ, người mẹ ở Mexico. Một số phong trào xã hội hiện đại, lên án tình cảnh bất công lẫn áp lực nữ giới vẫn đang tiếp tục chịu đựng, lấy cảm hứng từ bi kịch "người đàn bà khóc".

Từ truyện cổ đến truyền thuyết đô thị

Cái nhìn toàn cảnh là thế. Tuy nhiên, bên trong hầu hết cộng đồng dân cư thuộc Bắc và Trung Mỹ, những nơi La Llorona nổi danh từ lâu đời, hình tượng đáng sợ của bà lại có tác động rõ nét nhất đến trẻ nhỏ.

Một bức điêu khắc cổ phản ánh hình tượng nhân vật “Xà Nữ” Cihuacōātl, trưng bày tại Bảo tàng Nhân chủng học Mexico. - Ảnh: Wikimedia
Một bức điêu khắc cổ phản ánh hình tượng nhân vật “Xà Nữ” Cihuacōātl, trưng bày tại Bảo tàng Nhân chủng học Mexico - Ảnh: Wikimedia

Winick lý giải: "La Llorona gắn liền với tuổi thơ nhiều người gốc Mexico, lẫn người sinh sống trong các cộng đồng Trung Mỹ nói chung. Trong vài câu chuyện, người phụ nữ là sát nhân máu lạnh ra tay với các con của bà. Trong vài phiên bản khác, La Llorona là một phụ nữ bất hạnh, để thất lạc con và vì vậy, mải miết tìm kiếm chúng đến khi hóa thành một “linh hồn” giận dữ. Lại có dị bản gán ghép hình ảnh La Llorona với những kẻ bắt cóc trẻ con. Những câu chuyện thế này cốt để dọa bọn trẻ, nhằm răn đe chúng phải cảnh giác người lạ".

Một tài liệu đóng vai trò bằng chứng "khiến nhiều người rùng mình" về La Llorona, Winick tiết lộ, được công bố dưới dạng bài điều tra chính quy của nữ chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian đáng kính người Mỹ, Bess Lomax Hawes.

Một con búp bê La Llorona, nguồn gốc từ New Mexico. - Ảnh: Smithsonian
Một con búp bê La Llorona, nguồn gốc từ New Mexico - Ảnh: Smithsonian

California, Hoa Kỳ, thập niên 1960, bên trong một trung tâm giáo dưỡng trẻ vị thành niên, hàng loạt "hiện thân" khác nhau của La Llorona được những đứa trẻ ở đây thuật lại. Vài lời tường thuật trong số này khá nặng nề và kỳ lạ.

“Người phụ nữ có mái tóc đen, xõa dài, vừa đi bộ, vừa than khóc” - một đứa trẻ trả lời phỏng vấn của Hawes - “Cháu nghe từ nhóm nhân viên giáo dưỡng rằng, bà ấy tấn công các con mình vì chúng là trẻ hư. Nên La Llorona cũng đe dọa những đứa trẻ hư khác. Họ nói… bà ấy có thật”.

Một trẻ vị thành niên khác tiếp lời: “La Llorona làm hại con ruột vì những đứa con khiến bà ấy nhớ tới người chồng tệ bạc. Các bạn học ở ký túc xá kể lại với cháu, họ thỉnh thoảng trông thấy La Llorona đi lang thang ngoài hành lang dãy phòng ngủ. Bà ấy thích hù dọa trẻ em gái có gương mặt giống đứa con đã mất của mình. Bà ấy hay “tìm đến” sau một ngày mưa lớn”.

Tuy không diễn giải toàn cảnh và được kiểm chứng cụ thể, toàn bộ con người và sự kiện Hawes ghi nhận, chí ít, đã khiến ý tưởng về “bóng ma” La Llorona gần với đời thực theo cách đầy ám ảnh.

La Llorona từng là cảm hứng dựng phim của Hollywood. - Ảnh: NewLineCinema
La Llorona từng là cảm hứng dựng phim của Hollywood - Ảnh: NewLineCinema

Ranh giới giữa huyễn hoặc và hiện thực có thể bị “kéo mỏng” đến khó tin. Năm 1906, tạp chí Harper (báo văn hóa nổi tiếng ở thành phố New York), từng tạo nên làn sóng thảo luận xôn xao với một bài phóng sự điều tra về hiện tượng “người đàn bà khóc”. Bài viết nổi danh đến mức được hàng loạt báo lớn khác in lại không lâu sau đó.

Tác giả bài viết, phóng viên Thomas Allibone Janvier, ra sức truy lùng “dấu vết” La Llorona ở nhiều thành phố tại Mexico, nhằm khám phá bí ẩn xoay quanh nhân vật huyền ảo này. Qua quá trình điều tra, Janvier bất ngờ phát hiện nét tương đồng dị thường trong lời chia sẻ của không ít nhân chứng. Hầu hết họ thừa nhận “từng nhìn thấy một phụ nữ thần bí, thường kêu khóc thảm thiết và đi loanh quanh vô định giữa đêm khuya”.

Trong một đoạn mô tả đặc biệt rùng rợn, một bảo vệ trực đêm ở thành phố San Luis kể lại: “Tối muộn hôm ấy, tôi bắt gặp một phụ nữ hành xử kỳ quặc, không ngừng than khóc gần đoạn đường vắng dẫn đến nhà thờ trung tâm thành phố”.

Ông thừa nhận, ông nhất thời nổi ý đồ thiếu đứng đắn và muốn thử trêu ghẹo người phụ nữ. Thế nhưng ông liền phải hối hận. Khi tháo khăn choàng che mặt của đối phương, ông hãi hùng nhận thấy, phía trên chiếc cổ thanh tú không phải khuôn mặt kiều diễm nào cả… mà là một đầu lâu trắng hếu.

 Hình ảnh La Llorona khắc trên thân cây cổ thụ, tại Mexico. Dưới “người đàn bà khóc” là bóng dáng những đứa con bà đánh mất. - Ảnh: Wikimedia
Hình ảnh La Llorona khắc trên thân cây cổ thụ, tại Mexico, dưới “người đàn bà khóc” là những đứa con bà đánh mất - Ảnh: Wikimedia

“Điều đáng ngạc nhiên nhất là, La Llorona đã bắt đầu “góp mặt” vào cả những truyền thuyết đô thị hiện đại, trở thành hình tượng đáng sợ khó phai mờ trong nền lịch sử và văn hóa Bắc - Trung Mỹ” - nghiên cứu sinh ngành văn hóa dân gian Camille Acosta, đại học Western Kentucky (bang Kentucky) - nhận xét.

Lớn lên trong một cộng đồng gốc Mexico nơi lưu hành phổ biến truyền thuyết La Llorona, Acosta có ấn tượng mạnh về “người đàn bà khóc” đến mức cô quyết định xây dựng dự án nghiên cứu quy mô, nhằm “lần giở” các góc khuất văn hóa lý thú ở nhân vật này.

“Phảng phất đâu đó nơi bóng dáng “người đàn bà khóc”, ẩn chứa cả tiếng khóc thầm của nhiều phụ nữ thời đại cũ” - Acosta kết luận - “Bà ấy gieo rắc sự sợ hãi, đồng thời La Llorona cũng phản ánh ý nghĩa sâu xa của nỗi sợ và qua đó, nhắc nhở mọi người cách vượt lên nỗi sợ”.

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI