Người đàn bà "hương khói"

18/09/2016 - 06:44

PNO - Nghề se nhang có thể không mang đến cuộc sống sung túc, giàu sang, nhưng đã giúp chị và hàng trăm phụ nữ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Chị là Nguyễn Cát Bụi Thúy, sinh năm 1977.

Người ta hay ví chị là “người đàn bà của… hương khói” bởi chị bén duyên với nghề se nhang từ năm 14 tuổi. Nghề se nhang có thể không mang đến cuộc sống sung túc, giàu sang, nhưng đã giúp chị và hàng trăm phụ nữ (PN) có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Chị là Nguyễn Cát Bụi Thúy, sinh năm 1977 (ngụ B6/1A, Thích Thiện Hòa, xã Lê Minh Xuân, h.Bình Chánh, TP.HCM)

Đến làng nghề se nhang Lê Minh Xuân (được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2012), người ta không khó nhận ra sắc vàng óng xen lẫn sắc đỏ au của những dàn phơi nhang nằm lộ thiên dọc các cung đường Mai Bá Hương, Thích Thiện Hòa dẫn vào làng nghề. Mùi hương thoang thoảng quyện trong gió. Nơi đây, cứ vài ba nhà, lại có nhà sống bằng nghề làm nhang.

Hỏi thăm về chị, hầu như ai trong làng nghề cũng đều rành rọt, bởi chị là chủ tổ hợp nhang lớn nhất và cũng là “người ơn” của không ít PN nơi đây. Trong khuôn viên rộng hơn 100m2 , vừa là cơ sở làm nhang, vừa là nhà chị Thúy, chúng tôi nhận ra không khí làm việc tất bật, khẩn trương với hàng chục nhân công.

Đôi tay thoăn thoắt, thuần thục bên máy se nhang, chị Thúy cười bảo: “Cái nghề se nhang này làm quanh năm, nhưng cực nhất là các tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười âm lịch và dịp giáp tết Nguyên đán. Khách hàng hối thúc, nhân công làm không kịp, tôi phải nhảy vào phụ một tay cho kịp tiến độ giao hàng”.

Trung bình mỗi ngày, cơ sở nhang của chị cho “ra lò” từ 3.000-4.000 thiên nhang (1.000 cây nhang/thiên), khách hàng của cơ sở chị rộng khắp TP.HCM, Bình Dương, Long An… Nhìn cơ ngơi khá hoành tráng của người PN gần 40 tuổi này, nhiều người không khỏi ngưỡng mộ. Tuy nhiên, ít ai biết, để có được như ngày hôm nay, chị đã trải qua những năm tháng nhọc nhằn mưu sinh, vật lộn với bao khó khăn để trụ được với nghề.

Sinh ra trong gia đình thuần nông có bốn anh em, chị là con thứ ba. “Năm 14 tuổi, tôi đã biết đến nghề làm nhang. Hồi đó, tôi theo mẹ đến một cơ sở làm nhang ở Bà Hom (Q.6) để học nghề. Học xong, về nhà, hai mẹ con làm nhang thủ công, bỏ mối ở chợ Đức Hòa (Long An)” - chị Thúy nhớ lại. Cuộc sống gia đình chị khó khăn hơn khi mẹ bỏ đi. Không có người hướng dẫn làm nghề tại gia, chị đành đi se nhang mướn cho những hộ làm nhang trong xóm.

Nguoi dan ba
Dù là chủ tổ hợp, nhưng hầu như công đoạn nào chị cũng “xắn tay” vào làm cùng với các dì, chị gia công tại cơ sở

Suốt 4-5 năm ròng, sáng chị đạp xe đi làm, đến tối mịt mới về nhà. Sau đó, chị quyết định mở cơ sở se nhang tại nhà. Vốn ít, lại không biết quán xuyến, chị cụt vốn, dẹp cơ sở, trở lại con đường se nhang thuê. Đến năm 21 tuổi, gia đình chị rơi vào khốn khó. Cha chị nay đau mai yếu, hai người anh lấy vợ, cuộc sống cũng chỉ “giật gấu vá vai”; em trai út thì bị bệnh tâm thần nên toàn bộ sinh kế gia đình đều dồn lên đôi vai chị.

“Tôi nghĩ, với kinh nghiệm nghề tích lũy được, với bài học sau những lần làm ăn thất bại, mình có thể thành lập cơ sở tại nhà một lần nữa. May mắn, tôi trụ được với nghề và có được như ngày hôm nay” - chị Thúy tâm sự. Lúc đầu, do chị ít vốn, các công đoạn đều làm thủ công. Đến khi có được số vốn kha khá, chị trang bị máy se nhang, máy nhồi bột, nhờ vậy sản phẩm làm ra nhiều hơn, hình thức đẹp và chất lượng đồng đều hơn, giá bán cũng rẻ hơn nên được khách hàng ưa chuộng.

Từ thành công này, chị dần hình thành tổ hợp se nhang tại nhà với nhân công thường trực từ 15-20 người. Điều đáng nói, đa số nhân công trong tổ hợp của chị đều là các dì, chị có hoàn cảnh khó khăn, công việc và thu nhập bấp bênh. Khi họ tìm đến chị, chị đều nhận và chỉ dẫn tận tình các bí quyết làm nhang. Khi đã thạo nghề, họ có thể làm ngay tại cơ sở của chị, có đầy đủ máy móc, chỗ phơi, đóng gói thành phẩm hoặc có thể mang nhang về gia công tại nhà.

Trung bình mỗi ngày, từ 7g30-17g, mỗi nhân công có thể làm thành phẩm (trộn bột, se nhang, phơi nhang, bó thành phẩm) từ 50- 100 thiên nhang, thu nhập từ 150.000-200.000đ. Trong cơ sở chị, có hai vợ chồng ở quê vào lập nghiệp. Một hôm đến thăm, chị thấy cửa nhà xiêu vẹo, nguy cơ đổ sập khi mưa bão, thế là không chút đắn đo, chị cho họ mượn 30 triệu đồng để sửa nhà, đồng thời cho mượn tiền mua xe đạp cho cô con gái họ đi học ở thị trấn Tân Túc (H.Bình Chánh).

Trong xóm có một gia đình nọ chồng làm thợ hồ, vợ thất nghiệp, con chẳng may vướng vào ma túy; chị Thúy đã giúp vợ chồng này một số tiền, đồng thời hướng dẫn người vợ se nhang. Hiện nay, cả hai vợ chồng họ đều có thu nhập, con trai họ cai nghiện sắp trở về.

Thấy những bé trai 9-14 tuổi hàng ngày phải lội bộ hàng chục cây số bán vé số, chị cũng nhận chúng về se nhang, thu nhập mỗi đứa cũng trên 100.000đ/ ngày, có thể giúp cha mẹ chúng trang trải nợ nần. Ngoài nhân công tại chỗ, hiện chị còn hỗ trợ vốn cho khoảng 100 dì, chị trong xóm làm gia công.

Thành công với nghề nghiệp, có chồng luôn sát cánh ở cơ sở; có hai con (một trai, một gái) chăm ngoan, học giỏi, chị được nhiều chị em trong ấp, xã quý mến, nể phục. Chị được Hội LHPN H.Bình Chánh ghi nhận là tấm gương PN làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm cho nhiều PN.

Thế nhưng, khi được hỏi, chị khiêm tốn cho rằng: đóng góp, hỗ trợ cộng đồng là việc mà bất cứ ai có điều kiện cũng có thể làm được. “Mình cũng từng có những ngày tháng khó khăn, từng có “sổ hộ nghèo” nhiều năm liền nên hiểu được khát vọng vươn lên của những người đồng cảnh ngộ. Sức mình có hạn, chỉ giúp được “cần câu cơm” cho người có nhu cầu thôi” - chị Thúy nói.

Hoài An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI