Người đàn bà “đi biển mồ côi…”

10/03/2013 - 15:47

PNO - PN - Bà Thành nói như chơi, giọng biển nằng nặng biến đâu mất, đánh vật một đời với biển mà cứ như đi xem hát: “Đi riết quen rồi. Cô là đàn bà đầu tiên ở làng này đi biển. Mấy bà trong xóm bắt chước theo, nhưng dần dà bỏ...

Nguoi dan ba “di bien mo coi…”

Bà Thành với cây đèn pin “đổi thay lớn nhất đời đi biển”

Bà vừa từ bến cá về. “Đầu năm, làm ăn được. Lạy trời thương cho”. Thoăn thoắt đan lưới, bà nói không ngẩng lên. Bà Thành vào nghề như định mệnh. Một bữa cha bà đi biển sớm, bà đòi theo. Ông cười: “Mày đừng có giỡn, ưng mửa ra mật thì xuống”. Năm đó bà 15 tuổi. “Mà lạ nghen, cô không say sóng, giờ đã 59 tuổi rồi à nghen”. “Dân biển kỵ đàn bà trên ghe mà cô!". “Ừ, nhưng cô không lên thì ai lái ghe? Được khoảng hai năm, cha già yếu, chút vốn liếng nghề đi biển truyền hết cho con gái. Cô làm tuốt”. Bà cười hơ hơ, lại tiếp: “Cô không thua ông nào đâu nghen, lặn sâu gần hai chục sải tay nè, kéo lưới, thả lưới, làm tuốt”.

Ký ức lấp ló hiện về, giọng bà chùng xuống: “Mà khổ nghen cháu. Tháng đầu tiên hành kinh, cô có biết đâu, xung quanh toàn đàn ông, cả tuần lênh đênh trên biển, chẳng biết trốn ở đâu, cô bèn mặc áo mưa suốt ngày hôm đó, chờ đêm xuống. Chuyện gì cô quên, chứ chuyện đó thì không bao giờ. Mấy ông mê tín là ô uế, chứ cô nhớ lần đó ghe trúng lớn, khẳm cá”. Dường như đó là vết khắc số phận, bắt đầu đời con gái của bà. Làng này vốn làm nghề biển. Đàn bà ở nhà vá lưới, bán cá và sinh con như bao phụ nữ vùng biển. Chuyện bà làm thuyền trưởng, khiến phụ nữ trong làng “gây hấn” với cánh đàn ông. Họ “xé rào”. Bà phải đứng ra truyền nghề. Đội quân tóc dài vượt sóng lên đến mấy chục người. “Tụi nó đi ghe với cô, say nằm như đống lưới, mình cô lái ghe, kéo lưới, rồi phải nấu cháo hầu chúng nó”.

Tôi đã ngồi nhiều lần với người làng biển. Câu chuyện áo cơm của họ, đa phần buồn vỡ như bọt sóng, chẳng trách chi mắt họ lúc thảng thốt, lúc u sầu. Bà Thành có khác gì đâu. Có chồng, vẫn đi biển. Chồng mất năm 1974, ghe của cha bà bị sóng đánh chìm, trắng tay, bà một nách ba con chẳng biết bám vào đâu, bèn xoay ra làm mắm, gánh đi bán khắp vùng. Nhưng nghiệp biển không buông tha bà. Chiếc thúng chai kéo bà lại với biển, quần thảo thả lưới kiếm ăn.

“Người ta mệt thì ở nhà, chứ cô có dám đâu, ngày nào không làm thì con đói. Đau mấy cũng phải đi, dậy lúc 3g sáng, chèo gần hai cây số. Bây giờ cô lạc hậu nhất làng này, không biết đi xe máy, xe đạp bởi cả ngày ở trên biển”. Dấy lên trong tôi câu hỏi, rằng hơn 40 năm tóc bết nước mặn, bà chưa lần nào bị biển quật ngã hay sao?

“Có chứ, nhưng thoát hết. Đâu khoảng năm 1980, ghe của cô bị sóng đánh, nước tràn vào nửa ghe tại vùng Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam”. Trên ghe có năm phụ nữ và một đàn ông. Cả ghe khóc rần trời. Bà bình tĩnh tát nước và gọi mọi người làm theo, thoát chết. Lần khác, thuyền thúng của bà bị sóng đưa trôi mấy chục cây số. Bà con, anh chị em ở nhà khóc hết nước mắt. May mà thuyền thúng bị trôi vào cảng Dung Quất, trúng ngay trụ neo phao của cảng. Bà bám chặt ở đó từ 7-22g, biển hết động thì chèo về. “Đàn ông đi biển có đôi - đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Ca dao nói chuyện đó là nói về nỗi khổ cực của đàn bà sinh nở. Nhưng với bà, nó đúng là nghĩa đen, không sai chút nào.

“Hai đứa lớn đã lập gia đình. Cô mà chết thì ai nuôi thằng này?”. Bà nói khi nhìn đứa con út bị liệt chân tay. Hình như trời thương người con tật nguyền nên cho bà sức khỏe dẻo dai. “Tụi nó bỏ nghề hết rồi, còn mình cô thôi”. Áo cơm. Kiếp người. Phận làm mẹ cha. Những tảng đá trên lưng chỉ có thể rơi đi khi người ta về với đất. Những người đàn bà làng biển hay bao người mẹ, người vợ khác mà tôi đã gặp, chỉ đăm đắm một điều cho manh áo chén cơm của đàn con, đi qua cực khổ bằng ý chí thép lẫn sự nhẫn nhục mà không một lời oán than, ngay cả giấc mơ đổi đời cũng không hề dám nghĩ. Vì thế, tôi không lạ khi bà nói, hơn 40 năm chèo thuyền, đời bà chỉ có một chút thay đổi là trước đi biển tối mò tối om chỉ có hai cái đèn hột vịt, nay được thay bằng hai cái đèn pin nhấp nháy tự tạo!

Về làng biển Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hỏi người đàn bà đi biển một mình, chắc chắn sẽ có câu trả lời ngay, đó là bà Huỳnh Thị Thành.

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI