Người đàn bà cô đơn và đàn chó mồ côi

06/02/2018 - 14:00

PNO - Từ ngày chồng bỏ đi với người tình, một mình bà cô đơn giữa ngôi nhà rộng lớn. Một ý thích chợt đến: bà sẽ nuôi chó để khỏa lấp nỗi trống vắng.

Những con chó hoang, chó mồ côi, chó ghẻ, chó ốm bệnh… đều được bà xin hoặc nhặt về chăm sóc, chữa chạy. 15 năm đã qua, đàn chó của bà, lớp thì già, chết, lớp thì bị mất trộm; nhưng đến nay vẫn còn gần 30 con, quấn quýt quanh bà hôm sớm.

Nguoi dan ba co don va dan cho mo coi
Bà Hằng và những chú chó cưng

Bi kịch đẻ thuê

Thuở còn trẻ, Hai Hằng có nhan sắc nhưng nhà nghèo, chuyên nghề mua bán ve chai. Cô chọn một chàng trai miệt vườn làm chồng, cũng là môn đăng hộ đối. Ngày ấy, vợ chồng suốt ngày rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng, gom ve chai về bán cho chủ vựa. Tần tảo nhiều năm, rồi họ cũng mua được chiếc xe ba gác máy chở phế liệu.

Nhờ sống dè xẻn, tiết kiệm, họ cất được căn nhà, mua chiếc xe tải nhỏ, vừa thu mua phế liệu, vừa chở thuê. Đến nay, gia tài của bà Hai Hằng có ba chiếc xe tải chuyên chở phế liệu, một ngôi nhà tầng khang trang trên một khuôn viên rộng lớn.

Tuy nhiên, có một điều vẫn luôn khiến bà Hằng dằn vặt: bà không thể sinh con. Biết nguyên do là ở mình, bà chủ động bàn với chồng tìm người đẻ thuê. Hợp đồng là sau khi cô gái có bầu, sinh con, sẽ được nhận 100 triệu đồng, rồi giao con lại cho vợ chồng bà, cắt đứt mọi liên lạc.

Cô gái được thuê từng là khách hàng bán phế liệu cho vựa của bà, sinh ra một cậu con trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. Nhưng khi đứa trẻ được hơn một năm tuổi, vào một ngày đẹp trời, bà Hằng choáng váng nhận tin dữ từ bạn hàng: cô ve chai vừa sinh thêm một đứa con gái, cũng giống y chang chồng bà.

Âm thầm điều tra, bà đau đớn biết rằng, chồng mình đã không thực hiện đúng hợp đồng - vẫn tìm đến với cô gái và họ đã có thêm một đứa con. Giận chồng, bà quyết định ly hôn. Chồng bà mang luôn cả con trai theo cô vợ mới. Vừa mất chồng, vừa mất con, ai có thể hiểu thấu nỗi cô đơn khủng khiếp mà bà Hằng phải chịu.

Những "đứa con" bốn chân

Bà Hằng đã sống với cơn trầm cảm một thời gian dài sau mất mát ấy. Một hôm đi làm về, bà gặp một chú chó con gầy ốm, đứng run rẩy bên đống rác, ánh mắt đầy vẻ u buồn và van xin. Động lòng trắc ẩn, bà Hằng đem con chó về nhà, tắm rửa, bắt ve, xức thuốc.

Con chó được ủ ấm, được chăm bón từng muỗng xúp, chỉ một thời gian ngắn sau đó, nó đã thay da đổi thịt - lông láng mướt, chạy sủa úng oắng quanh nhà. Một gia đình có chó cái đẻ nhiều con quá, sợ chó mẹ không đủ sữa nuôi, đã lựa hai con đẹt nhất đem vứt bỏ. Thấy vậy, bà xin chúng đem về nuôi, lại mua sữa cho uống, chăm bón. Hai con chó nhỏ thoát chết giờ phổng phao, đẹp mã.

Từ đó, nhiều hoàn cảnh đặc biệt của những "đứa con" mang tên chó đã được bà Hằng cưu mang. Nhiều con què chân, ghẻ lở, thương tích đầy mình, bị bỏ rơi ngoài bãi trống, đồng vắng được bà đem về cứu chữa. Vài con chó bị lạc chủ, bơ vơ, lang thang trước nhà cũng được bà mở rộng cửa cho vô nhập bầy. Đàn chó của bà, có những lúc đông tới 40-50 con, với đủ thành phần, đủ loại. Cho tây, chó ta, chó phốc, chó lai. Có người thấy chó nhà bị bệnh, bị còi không lớn cũng tới kêu bà nuôi giùm.

Sau này đàn “con” trong nhà còn thêm lũ mèo bị ai đó lén đem đến bỏ trước nhà bà. Sáng, nghe lũ mèo con kêu gào thảm thiết, bà mở cổng ra lượm vô. Nay lũ mèo của bà có lẽ tới gần 70 con, không đếm xuể.

Hằng ngày, bà Hằng thường dậy từ bốn giờ sáng, tranh thủ đi một vòng qua các quán ăn và chợ Bình Chánh, xin cơm và đồ ăn, xương xẩu về nuôi “đàn con”. Sau khi cho chúng ăn, bà mới khóa cổng đi làm - phân công tài xế đi chở hàng, kiểm tra và thu phiếu hàng từ các chủ vựa.

Bà tâm sự: “Con vật nó tình nghĩa, chung thủy lắm, có khi còn tốt hơn một số người. Có chúng, tôi sống vui hơn”. Ai có dịp đi qua ấp 1, xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh), nếu thấy ngôi nhà lớn nằm giữa khuôn viên xanh mát, bên trong râm ran tiếng chó sủa, mèo kêu thì đó là cơ ngơi của bà Hai Hằng, xin hãy ghé thăm. 

Phương Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI